Du kích Iraq đang sở hữu một kho vũ khí khổng lồ. |
Quân du kích Iraq đang có trong tay một nguồn cung vũ khí hạng nhẹ và thuốc nổ ổn định, cho phép họ "yên tâm" duy trì các cuộc tấn công. Đó là kết luận của các nhà phân tích Lầu Năm Góc và CIA. Kết luận này cho thấy nỗ lực an ninh suốt 5 tháng của liên quân do Mỹ dẫn đầu tại Iraq đã không mang lại kết quả. Vấn đề đối với Mỹ giờ đây không phải là WMD với sức huỷ diệt hàng loạt mà là loại vũ khí có sức công phá nhỏ hơn nhiều, nhưng được dùng theo cách cực kỳ lợi hại.
Vũ khí từ đâu ra?
Trên thực tế, chiến thuật "bắn và rút" của du kích Iraq chỉ cần sử dụng một lượng vũ khí không nhiều song vẫn gây ra thương vong lớn và nặng nề về tâm lý. Ít nhất 107 lính Mỹ đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công du kích và các chiến dịch an ninh kể từ 1/5, ngày ông Bush tuyên bố kết thúc chiến dịch lớn tại Iraq.
Hồi cuối tháng 8, Mỹ đã giải tán lực lượng vũ trang của Iraq nhằm xoá sổ tận gốc tàn dư của chế độ Saddam Hussein. Quân lính Iraq, mặc dù bị tịch thu quân trang, song vẫn lén lút mang vũ khí về nhà. Thực ra liên quân đã cảm nhận được một điềm gở trong giai đoạn cuối của chiến dịch an ninh: hàng trăm chiếc xe quân sự hư hỏng của Iraq nằm dọc đường và trên những bãi chiến trường đã bị lột sạch súng ống.
Việc phát hiện hàng nghìn nơi cất giấu vũ khí không chỉ tại các căn cứ quân sự mà còn ở các trường học, nhà thờ, bệnh viện và nhà dân cho thấy vẫn còn có hàng nghìn kho vũ khí nữa chưa tìm thấy và ai dám chắc quân du kích không tiếp cận được chúng.
1/3 kho vũ khí của Mỹ
Ngay cả các tướng chỉ huy liên quân cũng không nắm được số lượng vũ khí. Họ đưa ra những ước tính không thống nhất về lượng súng ống trong những nơi cất giấu đó. Tướng 5 sao Ricardo Sanchez, Tổng chỉ huy liên quân tại Iraq, cho rằng, có khoảng 650.000 tấn vũ khí các loại, một con số gây giật mình, tương đương với 1/3 kho vũ khí khổng lồ của quân đội Mỹ. Còn theo Thiếu tướng Robert Davis, người phụ trách chương trình tìm kiếm và tiêu huỷ các kho vũ khí của Iraq, cho biết con số đó có thể lên tới gần 1 triệu tấn.
Trong khi đó, ông Dan Coberly, phát ngôn viên Quân đoàn Công binh Lục quân Mỹ, cơ quan giám sát việc tiêu huỷ vũ khí tìm được của Iraq, nói trong một cuộc phỏng vấn: "Không ai đưa ra được con số chính xác về tổng số vũ khí hạng nhẹ chưa tìm thấy tại Iraq". Trung tướng lục quân Sanchez cũng khẳng định: "Chúng tôi không hề có bất kỳ khái niệm nào về nơi cất giấu vũ khí này. Chúng tôi vẫn tìm thấy vũ khí trong sân sau của nhà dân mỗi ngày. Ngày nào liên quân cũng phát hiện ra vũ khí".
Ông Sanchez hiện đang chịu áp lực lớn từ Quốc hội Mỹ. Ông bị yêu cầu phải giải thích tại sao cho đến nay liên quân vẫn chưa bảo đảm an ninh cho các kho vũ khí quy ước được tìm thấy kể từ khi chiến dịch lớn kết thúc ngày 1/5, khiến cho vũ khí lọt ra ngoài. Giải thích về thực trạng này, phát ngôn viên Bộ Chỉ huy Trung tâm Danny Martin nói: "Có quá nhiều kho vũ khí khác nhau. Vì thế việc triển khai quân lính canh gác hay phá huỷ chúng là điều bất khả thi".
Giải pháp tình thế
Vấn đề mà lính Mỹ và liên quân đang phải đối mặt không chỉ là vũ khí mà quân du kích giành được ngay trước mặt lính gác của liên quân mà hơn thế, còn là vũ khí mà quân du kích có sẵn khi chiến dịch lớn kết thúc 6 tháng trước. Hầu hết công việc mà liên quân đang làm đối với vũ khí hạng nhẹ ở Iraq là hoặc săn tìm, canh gác hoặc lẩn tránh chúng.
Bàn về giải pháp cho vấn đề trên, hai quan chức tình báo Mỹ giấu tên, một dân sự, một quân sự, cho rằng, chẳng có cách nào ngăn cản được quân du kích tiếp cận vũ khí. Thay vào đó, trọng tâm của liên quân lại đang quay sang việc tìm kiếm các công nghệ có thể dùng để phát hiện mìn, bẫy và bom từ trường trước khi chúng gây ra thương vong cho lính tuần tra. Cũng theo các quan chức này, lượng vũ khí và chất nổ có sẵn trong tay cộng với chiến thuật đòi hỏi ít vũ khí cho thấy, lực lượng Iraq sẽ có thể duy trì các cuộc phục kích vô thời hạn.
Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld cho rằng, báo chí đang "cường điệu" tầm nghiêm trọng của các cuộc tấn công và rằng, phần lớn địa bàn tại Iraq hiện đã "ổn định" (?). Trong một bài diễn thuyết hôm 10/10 tại Thư viện Ronald Reagan ở California, ông Rumsfeld cho rằng, theo thống kê, các cuộc tấn công xảy ra với 1.700 lính tuần tra liên quân tại Iraq, chỉ chiếm xác suất rất thấp, cứ 1.000 người chỉ có 1 người gặp nguy hiểm (0,1%) - tức chỉ có 2 vụ tấn công/ngày. Nhưng trên thực tế, vào thời điểm đó, có khoảng 20-25 vụ tấn công/ngày, tức xác suất gần 1%. Tuy nhiên, ông Rumsfeld cũng thừa nhận, các cuộc tấn công du kích đã có một tác động nhất định. Khi được hỏi điều gì khiến ông ngạc nhiên nhất trong chiến dịch Iraq, ông đáp, đó là "khả năng khủng bố và đe dọa người dân của quân du kích Iraq".
Một vấn đề quan trọng nữa đối với liên quân là sự đa dạng về thành phần trong các kho vũ khí. Không hề có vũ khí huỷ diệt hàng loạt như lời cáo buộc của ông Bush, các kho này chỉ chứa vũ khí hạng nhẹ. Không chỉ có súng tự động và súng phóng lựu mà còn có cả chất nổ mạnh có thể tạo thành các quả bom "ven đường" kích nổ từ xa (roadside bomb). Loại bom này rất lợi hại trong việc tấn công các đoàn xe quân sự Mỹ. Quân du kích cũng tăng cường sử dụng các cuộc tấn công đạn cối. Và các chỉ huy liên quân đặc biệt lo lắng về loại tên lửa đất đối không xách tay đe doạ các máy bay thương mại và quân sự. Các chuyên gia Iraq Anthony Cordesman thuộc trung tâm Trung tâm Nghiên cứu Chiến dịch và Quốc tế đã ví vấn đề vũ khí với vấn đề ma tuý và tài chính cho bọn khủng bố. "Anh phải làm tất cả những gì có thể, nhưng anh sẽ chẳng bao giờ thành công trừ phi anh xoá bỏ được nhu cầu và tạo ra được một môi trường mà ở đó xã hội phản đối những hành động như vậy", ông này nói.
(Lam Sơn - Theo USA Today, Statfor, NYT)
Tin liên quan:
Quân Mỹ đang đối mặt với "chiến tranh du kích" tại Iraq
Đánh bom tự sát, 35 người thiệt mạng
Vụ đánh bom Iraq có bàn tay của chiến binh nước ngoài
Mỹ lần thứ ba mở chiến dịch truy kích các tay súng Iraq
Tái thiết Iraq- Nhiệm vụ bất khả thi?
Cuộc chiến Iraq dang dở do đâu?
Phương án 2 của Washington là gì?