Bình Nhưỡng tuyên bố ''thà chết chứ không làm nô lệ'' khi đề cập tới việc nước này phải tuân thủ điều kiện ngừng chương trình hạt nhân để đổi lấy đảm bảo an ninh do Washington đề ra.
Thông báo này được CHDCND Triều Tiên phát đi vào thời điểm nước này cùng với Mỹ, Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc đang có được lập trường chung về kế hoạch hội đàm 6 bên lần 2 nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Hiện nay, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ đang hợp tác soạn thảo một hiệp ước về vấn đề này. Tiếp đó, sẽ trình lên các nước phê chuẩn. Văn bản trên yêu cầu CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và cho phép cơ quan có chức năng tiến hành thanh tra các cơ sở hạt nhân. Nếu Bình Nhưỡng tuân thủ các điều kiện này, các nước sẽ đảm bảo an ninh cho CHDCND Triều Tiên.
Trong một tuyên bố gần đây của Chính phủ CHDCND Triều Tiên được Thông tấn xã Triều Tiên đăng tải có đoạn: ''Washington đòi Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình hạt nhân, điều này có nghĩa Bình Nhưỡng phải hạ vũ khí và làm việc cho Washington như một quốc gia nô lệ. CHDCND Triều Tiên không bao giờ chấp nhận việc này. Chúng tôi thà chết chứ không làm nô lệ''.
Suốt thời gian vừa qua, Mỹ liên tiếp lặp lại khẳng định sẵn sàng cung cấp cho CHDCND Triều Tiên cam kết an ninh bằng văn bản, với điều kiện nước này từ bỏ chương trình hạt nhân. Về phần mình, quốc gia phía bắc Bán đảo Triều Tiên cho rằng, hai hành động cần đi liền với nhau để giải quyết ổn thoả vấn đề bế tắc hiện nay. ''Lập trường của CHDCND Triều Tiên là một giải pháp trọn gói đơn giản và công bằng. Cùng lúc, hai phía phải hạ vũ khí và chung sống trong hoà bình''.
Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và hai quốc gia trên Bán đảo Triều Tiên đang cố gắng dàn xếp cuộc hội đàm để thảo luận về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, tới nay ngày giờ vẫn chưa được ấn định, mặc dù một số nhà tổ chức cho biết nó có thể diễn ra vào giữa tháng này''. Hội đàm 6 bên lần 1 diễn ra tại Bắc Kinh hồi tháng 8, kết thúc mà không có tiến triển mới.
Tuần trước, Bình Nhưỡng tuyên bố không chấp nhận sự có mặt của Tokyo trong hội đàm sắp tới, nếu nước này khăng khăng đưa vấn đề người Nhật bị mất tích vào cuộc gặp. Trong khi đó, Nhật tuyên bố vẫn tham gia gặp gỡ đa phương bất chấp sự phản đối của CHDCND Triều Tiên.
Cũng trong tuyên bố trên, CHDCND Triều Tiên yêu cầu Mỹ phải bồi thường vì ngừng xây dựng hai lò phản ứng nước nhẹ. Theo Bình Nhưỡng, hành động của Mỹ có thể gây ảnh hưởng xấu tới kế hoạch hội đàm 6 bên. Tháng trước, Mỹ hiện đang giữ quyền điều hành KEDO (Tổ chức phát triển năng lượng bán đảo Triều Tiên) ra thông báo ngừng việc xây dựng để gây sức ép với CHDCND Triều Tiên. Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU đều có đại diện trong KEDO.
(Hoài Linh - Theo AP)