Liệu chương trình bảo vệ môi trường có phải là một phần trong tiến trình hoà bình Trung Đông, hay chí ít cũng góp phần khởi động lại tiến trình vốn đang lâm vào thế bế tắc? Người ta hy vọng rằng Chương trình môi trường LHQ (UNEP) làm được điều đó.
Giám đốc điều hành UNEP Klaus Toepfer khẳng định, chương trình này có nhiệm vụ hành động cải thiện môi trường tại các khu vực lãnh thổ của người Palestine bị chiếm đóng. Điều đó có nghĩa, chính quyền Israel và Palestine sẽ phải hợp tác bảo vệ môi trường.
UNEP hy vọng, chương trình này sẽ có ích cho người dân ở cả 2 phía. Hiện, ban điều hành chương trình đang tìm giải pháp thu hút sự tham gia của người Palestine và Israel.
Cho đến nay, UNEP đã tiến hành nhiều nghiên cứu về hàng loạt vấn đề tại các khu vực bị chiếm đóng, trong đó có nguồn cung cấp nước, xử lý rác thải, đất bị thoái hoá và những mối nguy hại tới đời sống hoang dã và môi trường sống.
Mặc dù vấn đề bảo vệ môi trường tách biệt với cuộc xung đột hiện nay, chương trình trên chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ông Toepfer khẳng định, cả hai bên đã nhận rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, đặc biệt vấn đề nước ngầm có liên quan tới nhiều thế hệ cư dân trong khu vực.
Ông Pekka Haavisto, Trưởng nhóm phụ trách nghiên cứu các vấn đề môi trường tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, thừa nhận những thách thức đối với vấn đề bảo vệ môi trường vẫn bị chi phối nặng nề bởi cuộc xung đột. Theo báo cáo mới đây của UNEP, cuộc chiến đã gây sức ép lớn đối với môi trường, dân số, sự khan hiếm đất đai, cơ sở hạ tầng môi trường yếu kém...
(Trần Kiên - Theo Time News Network)