221
881
Thế giới đó đây
doday
/thegioi/doday/
27699
Mỹ hối thúc LHQ "mạnh tay" hơn đối với Iraq
1
Article
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
Mỹ hối thúc LHQ 'mạnh tay' hơn đối với Iraq
,

Bất chấp thiện chí giải giáp của Baghdad, Washington vẫn tiếp tục giữ thái độ hiếu chiến và liên tục công kích Baghdad. Trong một bài phát biểu mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell đã gọi việc phá huỷ tên lửa al-Samoud II của Iraq là "một trò bịp". Ông này cho rằng, Iraq đã không thực sự nỗ lực giải giáp mà đang "cố lừa dối" và "chia rẽ" cộng đồng quốc tế; và rằng, LHQ cần "tỉnh táo" và "mạnh tay" hơn đối với Iraq.

Ông Collin Powell

Dự tính, 15 nước thành viên HĐBA sẽ tham dự cuộc họp của HĐBA diễn ra vào ngày mai (7/3) để nghe Trưởng đoàn thanh sát vũ khí LHQ Hans Blix đọc bản báo cáo về tình hình phá huỷ tên lửa của Iraq cũng như kết quả phỏng vấn riêng các nhà khoa học Iraq trong thời gian qua.

Pháp, Đức, Nga vẫn kiên định lập trường

Phát biểu sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga, Đức hôm qua tại Paris, Ngoại trưởng Pháp Dominique de Villepin nói: "Chúng tôi sẽ không cho phép nghị quyết thứ hai được thông qua". Tuy nhiên, cả Ngoại trưởng Nga Igor Ivanov và Ngoại trưởng Pháp không nói rõ là liệu hai nước này có dùng quyền phủ quyết hay không.

Theo phán đoán, nhiều khả năng nghị quyết mới không được thông qua vì 2 lý do: hoặc là bị các thành viên thường trực HĐBA phủ quyết; hoặc là không nhận đủ 9 phiếu thuận trong 15 thành viên HĐBA - số phiếu tối thiểu để thông qua cho một nghị quyết.

Giờ G sắp điểm?

Bất chấp động thái trên, Mỹ vẫn tỏ ra tin tưởng rằng nghị quyết thứ hai sẽ có được một "số phận khả quan". Phát ngôn viên của Tổng thống cho biết: "Các nước thành viên HĐBA không nên "đưa ra kết luận cuối cùng" khi khảo luận còn đang tiếp tục".

Phát biểu trước Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Washington, ông Powell đã lớn tiếng đe doạ: "Chỉ trong vài ngày tới, chúng ta sẽ xem liệu ông Saddam Hussein có hiểu mình đang ở trong tình thế nào hay không". Ông Powell đã dẫn một nguồn tin tình báo của CIA cáo buộc Iraq vẫn tiếp tục sản xuất tên lửa trong khi công khai phá huỷ tên lửa al-Samoud 2. "Chẳng có gì chứng tỏ rằng ông Hussein đã có quyết định về mặt chính trị hay chiến lược nhằm giải giáp kể từ khi Nghị quyết 1441 được thông qua" - ông này nói. Ngoại trưởng Mỹ còn cáo buộc Tổng thống Saddam Hussein đang mong đợi sự chia rẽ trong LHQ sẽ tránh nguy cơ chiến tranh và nói rằng, "đã đến lúc cộng đồng quốc tế cần phải đối mặt với thực tế là Iraq đã không chịu giải giáp".

Trong một diễn biến khác, Lầu Năm Góc vừa triển khai 62.000 quân tới vùng Vịnh. 40 tàu chiến chở các sư đoàn thuỷ quân lục chiến hiện đã có mặt tại Địa Trung Hải và trong các cảng lân cận Vùng Vịnh.

Về phần mình, ông Bush đã tuyên bố, Mỹ đang "đếm ngược" tới chiến tranh. Cùng với việc hành động tăng cường binh lực của Mỹ, những động thái hiếu chiến trên cho thấy Washington đang rất nóng lòng châm ngòi chiến tranh.

Theo một số nguồn tin, trong trường hợp bị Thổ Nhĩ Kỳ từ chối, Mỹ sẽ dùng máy bay vận tải đổ quân xuống khu vực do người Kurd kiểm soát ở miền nam Iraq, tấn công ồ ạt và chớp nhoáng từ phía nam dưới sự yểm trợ của máy bay và xe tăng. Hiện nay, Mỹ mới chỉ nhận được sự ủng hộ từ phía quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng sự ủng hộ này sẽ trở nên vô nghĩa nếu Quốc hội nước này từ chối sự hiện diện của quân Mỹ.

Đòn phủ đầu từ trên không

Theo giới phân tích quân sự, nhiều khả năng Mỹ, cũng như các cuộc chiến trước đây, sẽ phát động cuộc chiến chống Iraq bằng một chiến dịch dùng không quân tấn công phủ đầu vào các mục tiêu quân sự, công trình thuộc chính phủ và các dinh thự tổng thống. Máy bay Anh Mỹ sẽ xuất kích từ các căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ, Kuwait, Cata, Ảrập Xêút và Diego Garcia trên Ấn Độ Dương. Ngoài ra, máy bay ném bom chiến lược, tên lửa hành trình phóng từ đất liền hay trên chiến hạm cũng sẽ được sử dụng với cường độ cao.

Trong khi đó, các quốc gia Hồi giáo vẫn còn tranh cãi với nhau về vấn đề Iraq. Tổng thống Iraq đã gọi Kuwait là "kẻ phản bội".

Cũng trong ngày hôm qua (5/3), Ngoại trưởng Nga Igor Ivanov, đã gặp Thủ tướng Anh Tony Blair tại London. Ông Blair sau đó đã nói với các nghị sĩ rằng ông ra vẫn sẽ ủng hộ nghị quyết mới.

Các diễn biến khác

  • Mỹ yêu cầu 2 đại diện của Iraq tại LHQ rời Mỹ trong vòng 72 giờ đồng hồ vì lý do "các hoạt động của họ không thích hợp với vị trí của họ".

  • Tổng thống Saddam Hussein gọi yêu cầu tiêu huỷ tên lửa al-Samoud II của LHQ là "một âm mưu nhằm làm nhụt chí Iraq".

  • Tướng Tommy Franks, người có nhiều khả năng sẽ nắm vai trò tổng tư lệnh các lực lượng quân sự Mỹ tại Vùng Vịnh, tuyên bố: "Quân Mỹ đã sẵn sàng hành động".

  • Đức Hồng y Giáo chủ của Vatican Pio Laghi vừa gửi tới Tổng thống Mỹ Bush bức thông điệp của Giáo hoàng kêu gọi giải pháp hoà bình.

  • Iran cho biết Tehran đã sẵn sàng đón nhận các tổ chức LHQ và các tổ chức nhân đạo khác tới nước này để giúp đỡ người Iraq tị nạn trong trường hợp chiến tranh xảy ra.

(Lê Sơn - Theo BBC)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,