Khoảng 600 tù nhân hiện đang bị giam giữ trong căn cứ Guantanamo mà không được xét xử |
Toà án Phúc thẩm Hoa Kỳ vừa mới đưa ra một quyết định, trong đó nói rõ, những tù nhân hiện đang bị giam giữ tại căn cứ quân sự Guantanamo không được hưởng quyền xét xử trong các toà án của Mỹ.
Giải thích về quyết định của mình, bồi thẩm đoàn Toà án Phúc thẩm nói: bởi Guantanamo (nơi giam giữ những tù nhân bị tình nghi là phần tử của al-Qaeda và Taleban) không thuộc chủ quyền quốc gia của Mỹ (Mỹ thuê của Cuba); do đó, các tù nhân không được hưởng những quyền lợi ghi trong Hiến pháp nước này.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ John Ashcroft lại gọi quyết định này là "một chiến thắng quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố".
Tuy nhiên, quyết định này của Toà đã ngay lập tức vấp phải phản ứng gay gắt từ phía tù nhân cũng như gia đình tù nhân. Theo họ, đây là một hành động "bất công và vi phạm nhân quyền". Hiện đang có khoảng 600 tù nhân đang bị giam giữ tại căn cứ Guantanamo từ cuối năm 2001. Đây là những phần tử bị tình nghi mà quân Mỹ bắt được tại Afghanistan. Các nhà hoạt động xã hội cũng lên tiếng phản đối kịch liệt phán quyết của Toà án. Họ cho rằng, quyết định này đã vi phạm những quyền cơ bản của con người.
Mỹ có vi phạm nhân quyền?
Toà án Phúc thẩm ở Washington tán thành với quyết định trước đó của Toà án Sơ thẩm rằng, các tù nhân này không thuộc diện được hưởng những quyền lợi của pháp luật Hoa Kỳ.
Bồi thẩm đoàn Toà phúc thẩm viết trong biên bản xét xử: "Nếu Hiến pháp không cho phép tù nhân kháng án (và đúng là như thế), thì những người này không được phép kiện lên Toà án tối cao để kiểm tra lại tính hợp hiến, hợp pháp của hành vi giam giữ họ".
Luật sư của các tù nhân đã phản đối lập luận của Toà. Họ cho rằng, trên thực tế, Guantanamo là một bộ phận thuộc tầm kiểm soát của Mỹ; do đó, thân chủ của họ cần được hưởng những quyền lợi chính đáng ghi trong hiến pháp Hoa Kỳ.
Một tiền lệ nguy hiểm
Các luật sự của các tù nhân Kuwait cho rằng quyết định của toà sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm. Họ nói: "Đây là một ngày đáng buồn cho nguyên tắc công lý và công bằng của nước Mỹ. Quyết định này sẽ bật đèn xanh cho chính quyền Mỹ bỏ tù người nước ngoài một cách phi pháp".
Các tổ chức nhân quyền đã chỉ trích gay gắt quyết định này. Tổ chức Ân xá Quốc tế lên tiếng phản đối: "Việc vô cớ bắt bớ người và không cho họ được quyền thuê luật sư có nguy cơ tạo ra một "luật bắt người kiểu Mỹ" đối với những ai bị tình nghi trong khi Mỹ tiến hành cuộc chiến chống khủng bố".
Có nhiều khả năng các tù nhân sẽ kiện lên Toà án Tối cao Hoa Kỳ đòi bác bỏ quyết định của Toà án Phúc thẩm.
(Lê Sơn - Theo BBC)