Quân đội Bờ Biển Ngà và lực lượng nổi dậy tối thứ sáu (4/7) tuyên bố chấm dứt giao tranh vì hoà giải dân tộc và hoà bình quốc gia. Theo đó, quyền kiểm soát các khu vực vẫn được giữ nguyên như cũ, chính quyền của Tổng thống Gbagbo nắm giữ khu vực phía nam với hầu hết cư dân là người Cơ đốc giáo, trong khi đó phía bắc, nơi tập trung đông của người Hồi giáo, sẽ vẫn thuộc quyền của lực lượng nổi dậy.
Các cuộc giao tranh không còn tiếp diễn theo thoả ước ngừng bắn hồi tháng 5 song căng thẳng vẫn còn tồn tại sau khi xảy ra vụ tấn công vào lãnh đạo quân nổi dậy tại Abidjan và lực lượng này dọ rút khỏi quá trình giải giáp vũ khí nếu Tổng thống Gbagbo không bổ nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng An ninh mới.
Quân đội của Tổng thống Gbagbo và lực lượng nổi dậy, những người lấy tên gọi hiện nay là ''Lực lượng mới'' cho biết, hai phía sẽ phối hợp và không để chiến tranh quay trở lại. Cùng với đại diện của ''Lực lượng mới'', Tổng thống Gbagbo đề nghị Quốc hội phê chuẩn lệnh ân xá cho quân nổi dậy và cho phép thành viên của họ được tham gia vào quân đội chính phủ mới. Dự kiến, dự thảo luật về vấn đề này sẽ được trình lên Quốc hội Bờ Biển Ngà vào tuần tới.
Một số nhà lãnh đạo thuộc đảng cầm quyền của Tổng thống Gbagbo lên tiếng phản đối việc phê chuẩn luật ân xá với lập luận quân nổi dậy phải bỏ vũ khí trước. Theo kế hoạch, quá trình giải trừ vũ khí sẽ bắt đầu vào tháng 8 và kết thúc vào 15/9, chỉ 4 ngày trước khi cuộc đảo chính bất thành diễn ra.
Toussaint Alain, người phát ngôn Tổng thống Gbagbo cho biết, vấn đề giải trừ vũ khí là vô cùng quan trọng và kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc giục quân nổi dậy nhanh chóng giao nộp khí giới. ''Đây là vấn đề cần được ưu tiên vì nó chứng tỏ chiến tranh đã thật sự chấm dứt''.
(Hoài Linh - Theo Reuters)