Bất chấp việc một số người ủng hộ cải cách không được ứng cử, các cử tri vẫn nên đi bỏ phiếu nhằm ngăn chặn phe bảo thủ nắm quyền kiểm soát trong cơ quan lập pháp, Tổng thống Khatami đã kêu gọi như vậy.
Trong thông điệp được hãng thông tấn Iran đăng tải, Tổng thống Khatami nói: ''Những gì đã xảy ra làm hài lòng một số người nhưng lại khiến những người khác giận dữ. Tuy nhiên, sự tức giận này không nên dẫn tới việc không tham gia bầu cử''.
Nhà lãnh đạo cấp cao theo đường lối cải cách của Iran tuyên bố, lượng cử tri đi bỏ phiếu thấp có nghĩa phe thiểu số đã giành phần thắng. Do đó, ông khuyến khích người dân đi bỏ phiếu và lựa chọn ứng cử viên có cùng quan điểm với họ. Phóng viên BBC Jim Muir tại Tehran đánh giá đây là một động thái khác thường của Tổng thống Mohammad Khatami. Trước đó, Tổng thống Khatami đã làm những người theo cải cách thất vọng khi ông chấp nhận bầu cử Quốc hội sẽ vẫn diễn ra vào 20/2 như kế hoạch.
Cuộc khủng hoảng bầu cử tại Iran nổ ra sau khi Hội đồng Giám hộ nước này loại bỏ hàng nghìn ứng cử viên tương lai theo đường lối cải cách. Theo đánh giá của các nhà quan sát, không có nhiều dấu hiệu cho thấy cử tri tích cực với bầu cử Quốc hội, diễn ra vào 20/2 tới. Theo kết quả thăm dò của chính phủ, trong cuộc bỏ phiếu sắp tới sẽ chỉ có 30% cử tri đi bầu, đặc biệt tại Tehran con số này chưa tới 10%.
Trận chiến giữa phe cải cách và bảo thủ
Cũng giống như những lần trước, bầu cử lần này được coi là trận chiến về ý thức hệ giữa một bên là những người theo đường lối cải cách được bầu và một bên là những người theo đường lối cứng rắn không qua bầu chọn, hiện đang nắm quyền ở một số cơ quan quan trọng của quốc gia. Những người theo đường lối cải tổ chiếm đa số trong Quốc hội với người đứng đầu là Tổng thống Mohammad Khatami. Trong khi đó, nắm quyền kiểm soát về tư pháp, lực lượng vũ trang, các cơ quan hiến pháp như Hội đồng Giám hộ lại là Giáo chủ Khamenei, nhân vật theo đường lối cứng rắn. Ông Khamenei được coi là Lãnh đạo tối cao và là người có quyền quyết định cuối cùng với mọi vấn đề.
Hệ thống bầu cử tại Iran
Bầu cử Quốc hội được tổ chức 4 năm một lần. Tất cả những ai trên 15 tuổi đều có quyền đi bỏ phiếu. Hiện nay, ở Iran có 46 triệu cử tri đủ tư cách đi bầu. Người dân bầu chọn cho 290 vị trí trong cơ quan lập pháp. Số ghế được phân bổ theo khu vực bầu cử dựa trên quy mô dân số, ví dụ: Tehran được phân 30 ghế.
5 vị trí trong Quốc hội (còn gọi là Majlis) dành cho 5 nhóm tôn giáo thiểu số là Zoroastrians (1), Do Thái (1), Assyrian Chaldean (1) Christians, Armenians (2).
Ứng cử viên
Phải ở độ tuổi từ 30 đến 75 và đáp ứng được các yêu cầu sau:
- Trung thành với đạo Hồi (nếu không phải đang giữ một ghế đại diện cho tôn giáo thiểu số), là công dân của nước Cộng hoà Hồi giáo Iran.
- Trung thành tuyệt đối với nhà lãnh đạo tối cao.
- Có bằng đại học hoặc tương đương.
- Có uy tín tại khu vực bầu cử.
- Sức khoẻ tốt.
Các ứng cử viên tương lai sẽ được Hội đồng Giám hộ sàng lọc. Nắm quyền kiểm soát trong hội đồng này là những người thuộc phe bảo thủ có quyền loại bỏ các ứng viên họ cho là không phù hợp.
Trong quá trình kiểm tra, một số ứng cử viên tương lai bị loại do thờ ơ với đạo Hồi và Hiến pháp. Nhiều người khác cũng bị coi là không đủ tư cách vì chất vấn về quyền lực của nhà lãnh đạo tối cao. Các nhà chỉ trích cho rằng quá trình này là công cụ của Hội đồng Giám hộ để loại bỏ đối thủ.
(Hoài Linh - Theo BBC)
Tin liên quan:
Nghị sĩ Iran chấm dứt biểu tình ngồi tại Quốc hội
Bộ trưởng Nội vụ Iran đề nghị hoãn bầu cử
Khủng hoảng chính trị Iran ngày càng trầm trọng
Iran: Khủng hoảng bầu cử sẽ sớm chấm dứt
Lãnh đạo Iran doạ từ chức tập thể
Bầu cử Quốc hội Iran: 550 ứng viên rút lui