Ai xem những đoạn băng kinh hoàng, rợn tóc gáy quay cảnh con tin bị chặt đầu đầy rẫy trên mạng? Và tại sao?
Tuần này, những tay súng trung thành với giáo sĩ cực đoan Abu Mussab al-Zarqawi lại bổ sung thêm những hình ảnh man rợ, kinh hoàng của cuộc chiến tại Iraq. Hai cuốn băng tự quay cảnh hành hình khủng khiếp các con tin người Mỹ lại được tung lên Internet.
Hôm 20/9, Zarqawi và tay chân đã chặt đầu Eugene “Jack” Armstrong - người Hillsdale, Michigan - và hôm qua 22/9 bọn chúng lại xử tử tiếp Jack Hensley, quê ở Atlanta. Cả hai đều làm việc cho một công ty xây dựng của Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE).
Những tên khủng bố đã gửi ''cáo phó'' thông qua những đoạn băng ghê tởm tới những trang web Hồi giáo. Và cũng có thể còn có những cuộn băng video đang lưu hành rộng rãi trong cộng đồng những kẻ ủng hộ Zarqawi. Chẳng ai có thể nghi ngờ những tiện ích của Internet, nó bắc cầu mọi không gian và thời gian, truyền tải thông tin, sự kiện trong đó có cả những tin kinh hoàng nói trên tới khắp nơi trên thế giới. Những đoạn băng trên nhanh chóng phát tán trên Internet, đặc biệt trên những trang như Kazaa và Grokster, nơi mọi người có thể nặc danh post hoặc download video. Đó là những trang web, một số của Mỹ, nhằm kích động, ''nắn gân'' và gây sợ hãi cho độc giả đến mức họ không thể tìm đâu ra ngay cả trong chương trình truyền hình cáp nửa đêm.
Những phương tiện truyền thông chính thống quyết định không đăng tải những cuộn băng chặt đầu con tin đẫm máu và phi nhân đạo. Thậm chí họ cũng không dám đăng ảnh cận cảnh những binh sĩ Mỹ bị giết trên chiến trường hoặc quay đi quay lại cảnh máy bay lao vào Trung tâm Thương mại Thế giới hôm 11/9/2001.
Sau khi đoạn băng quay cảnh Daniel Pearl - phóng viên tờ Wall Street Journal bị sát hại năm 2002 được một số hãng truyền thông phát, trong đó có CBS, vợ của viên ký giả xấu số trên đã coi đó là quyết định ''nhẫn tâm'', ''không thể hiểu nổi''. Sau sự phản kháng dữ dội này, những đoạn băng quay cảnh chặt đầu người Mỹ tại Trung Đông đã bị lùa vào mảng tối của Net.
Những trang web gây sốc, chiếm cứ toàn bộ góc tối của Internet, tạo vỏ bọc cho mình bằng luận điệu tự do ngôn luận để bảo vệ hành động truyền bá những cuốn băng kinh hoàng trên mạng. Dan Klinker, người điều hành trang web ''gây sốc'' mang tên Ogrish với khẩu hiệu ''Liệu bạn có thể giải quyết cuộc sống?'', cho biết mọi người có quyền được xem những gì đang thực sự diện ra trên thế giới dưới hình thức tự do, không bị kiểm duyệt. ''Chúng tôi cảm thấy rằng chỉ bằng cách công bố những cuộn băng không bị kiểm duyệt chúng ta mới có được một bức tranh đầy đủ và nhận thức được rằng, mối đe doạ khủng bố và tội ác trên thế giới này là có thật. Chúng tôi không bắt mọi người phải xem, chúng tôi đơn giản muốn mọi người có cơ hội''. Klinker cũng đã post cuộn băng hành hình Pearl lên trang web của mình, nhưng sau đó tạm thời hạ xuống do Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đe doạ sẽ khởi tố. Luật sư của Klinker, Lawrence Walters cho biết, post những đoạn film đó lên mạng là ''phần linh hồn của thông tin được Luật sửa đổi lần thứ nhất bảo vệ. Tôi không nghĩ nổi cái gì khác xứng đáng hơn''. Tuy nhiên, cả hai đều thừa nhận đã nhận được rất nhiều thư điện tử phản đối.
Trong khi đó, trên một số website ''gây sốc'' khác như Consumption Junction đã xuất hiện nhiều đoạn băng quay cảnh chặt đầu các con tin trên diễn đàn. ''Chủ biên'' của Consumption Junction, Paul Dinin đã thẳng thừng bác bỏ cáo buộc cho rằng xuất bản những đoạn băng trên là tiếp tay cho khủng bố gieo rắc nỗi khiếp sợ. ''Chúng tôi không tiếp tay cho khủng bố hơn những phương tiện chính thống vẫn hàng ngày ra rả những tin về sát hại con tin. Chúng tôi chỉ là một trang web. Những phương tiện truyền thông chính thống mới đổ thêm dầu vào lửa. Dinin còn cho biết, “Đầy người làm như vậy, tại sao tôi lại không?''. Tuy nhiên, theo Dinnin, có những giá trị ẩn trong các cuốn băng video, chúng làm cho anh ta phát điên và ''thậm chí còn muốn tiêu diệt khủng bố''.
Cũng cần lưu ý rằng, ngoài những động cơ về chính trị hoặc pháp lý, những website ''gây sốc'' kiếm được khá nhiều tiền từ việc post các đoạn băng chặt đầu. Với lượng độc giả tò mò vào xem khá nhiều, các trang web này bán được không ít quảng cáo. Ví dụ Klinker của Ogrish thu hút trung bình khoảng 750.000 người truy cập/ngày cho dù anh này đã thu hồi được toàn bộ vốn đầu tư cho trang web.
Tuy nhiên, nói về tác hại của các website ''gây sốc'', tác giả Brad Stone cho biết: ''Tôi không xem. Khi tôi 16 tuổi, Hạ nghị sĩ Pennsylvania, Budd Dwyer đã kêu gọi tổ chức họp báo tại Harrisburg và sau đó lấy súng bắn vào miệng tự sát trước các ông kính camera. Một kênh truyền hình ở Ohio đã phát cảnh đấy sau khi đã cảnh báo về sự kinh hoàng của nó. Tôi phớt lờ và bây giờ những cảnh ghê người đó vẫn lởn vởn trong đầu. Không giống như những cảnh bạo lực kiểu Hollywood trên màn ảnh, đoạn băng đó khiến người ta rợn người vì nó có thật. Bạn chẳng có cơ hội để chuẩn bị đón nhận những cảnh kinh hoàng đó. Xem nó xong, bạn sẽ cảm thấy mình thiếu tôn trọng đối với thân nhân của người chết đang hết sức đau buồn''.
(Trần Kiên - Theo Newsweek)