Sudan - chấm dứt hoà ước, giao tranh tiếp diễn
Một trong hai nhóm nổi dậy chính ở Sudan vừa tuyên bố họ có thể ngừng thực hiện hoà ước mới ký với Chính quyền Khartoum. Đồng thời đe doạ sẽ tiếp tục chiến đấu cho tới khi thành lập được chính quyền cho riêng mình. Tuyên bố đưa ra trong bối cảnh hoà ước ký chưa ráo mực, gây sững sờ cho cả thế giới.
Tuyên bố trên được Mahjoub Hussein, người phát ngôn của Phong trào Giải phóng Sudan (SLM), đưa ra, chỉ một ngày sau khi cho biết SLM sẽ nghiêm chỉnh thực thi hiệp định đã ký. Ông nói: "Tất cả những gì đã ký ở Abuja và Ndjamena đã đổ vỡ".
Thoả thuận ngừng bắn được ký tại Ndjamena năm ngoái, còn Hiệp định an ninh vừa được ký tại Abuja hồi đầu tháng. Giải thích cho việc này, ông cho rằng chính phủ đã không tôn trọng những thoả thuận đã ký. Do đó, SLM quyết định tiếp tục chiến đấu để lật đổ chính quyền của Tổng thống Omar al-Beshir.
Hussein cho biết thêm, họ đã chuẩn bị đương đầu với vất cứ điều gì sẽ diễn ra khi hoà ước bị vô hiệu, với chiến thuật hoàn toàn mới. Thay vì chiến đấu dành quyền tự trị lớn hơn cho Darfur như trước nay, bây giờ SLM sẽ ưu tiên việc lật đổ chính quyền đương nhiệm.
Chỉ một ngày trước, chính Hussein còn khẳng định SLM sẽ tuyệt đối tuân thủ mọi thoả thuận đã ký. Nguyên nhân việc thay đổi quan điểm đột ngột này được biết là do một tuyên bố của Chính phủ trước đó. Tuyên bố này cho rằng khu vực Bắc Darfur cần phải ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm tránh các hành vi bạo động của quân nổi dậy.
Chính quyền ở Khartoum cũng buộc tội SLM và Phong trào Bình đẳng và Công lý đã vi phạm lệnh ngừng bắn, giết hại nhiều cảnh sát và dân thường trong vòng 2 tuần trở lại đây. Hussein phủ nhận việc SLM vi phạm lệnh ngừng bắn, và cho rằng lời cáo buộc đó của Khartoum là vô cùng sai lầm.
Cuộc chiến bắt đầu từ tháng 2 năm 2003, khi quân nổi dậy phản đối việc giới lãnh đạo người Ả-rập cố ý tách người châu Phi ra khỏi hệ thống chính trị và kinh tế của chính phủ nhằm thâu tóm thêm quyền hành. Đối phó lại với quân nổi dậy, chính quyền Khartoum lại tạo nên một phong trào nổi dậy mới. Họ đã nới lỏng tầm kiểm soát đối với Arab Janjaweed, phong trào bị cho là đã vi phạm nhân quyền và tham gia hãm hiếp, đánh đập, giết hại dân thường ở Sudan.
Kể từ đó, hơn 70.000 người đã bị giết hại hoặc chết đói giữa các cuộc giao tranh. Khoảng 1,5 triệu người khác mất nhà cửa phải di tản tới nơi khác. Hiện hai bên lại có những động thái chiến tranh mới. Quân chính phủ đã cho ném bom tại một số khu vực gần Dafur, còn quân nổi dậy phản ứng bằng pháo cối và súng tiểu liên.
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc đang có mặt tại Sudan là Jan Pronk cho rằng tình hình bạo lực ở đây đang xấu đi nghiêm trọng. Ông kêu gọi hai bên nhanh chóng ngừng xung đột để tiếp tục tôn trọng hiệp định đã ký. Ông nói: "Các bên cần hiểu những hành động đó đi ngược lại tinh thần của Hiệp định Abuja mới ký ngày 9/11. Cần ngừng ngay các hành động thù địch."
Mỹ cũng đưa ra thông điệp cáo buộc quân nổi dậy ở Darfur phải chịu trách nhiệm cho tình hình bạo lực leo thang tại Sudan. Adam Ereli, trợ lý phát ngôn của Văn phòng Bộ ngoại giao cho biết: "Những hành động bạo lực mới này là do SLM mà ra. Họ đang vi phạm nghiêm trọng các thoả thuận cũng như nhân quyền nơi đây".
Một cuộc họp khẩn cấp giữa Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Phi, Chính quyền Sudan và cộng đồng các nhà tài trợ cho nước này dự định sẽ được tổ chức trong ngày hôm nay (25/11) để xem xét hậu quả của các vụ tấn công và đưa ra các sáng kiến kịp thời khắc phục tình hình.
(NHQ - Theo AFP, BBC)