|
Lãnh đạo dòng Shia không muốn trì hoãn bầu cử |
Ít nhất 10 đảng phái chính trị chính ở Iraq đã kêu gọi hoãn cuộc bầu cử dự định tổ chức vào ngày 30/1 tới. Điều này rõ ràng đã gây bất ngờ lớn cho thế giới, đặc biệt là Mỹ.
Trong số đó, có hai đảng lớn của người Kurd cũng yêu cầu hoãn cuộc bầu cử. Theo một số nguồn tin, sở dĩ họ ủng hộ lời kêu gọi này là do hai nguyên nhân. Một là, các cuộc giao tranh ác liệt giữa quân nổi dậy với lực lượng do Mỹ cầm đầu ở khu vực của người Hồi giáo dòng Sunni đã thách thức sự chịu đựng của họ, nên nhiều đảng phái của người Sunni tẩy chay bầu cử để phản đối. Hai là do các nhóm người Kurd ở phía bắc đất nước lo ngại thời tiết giá lạnh với tuyết rơi dày đặc vào Giêng sẽ khiến họ không thể tham gia bầu cử được.
Các đảng phái này đã có cuộc họp tại nhà của người từng đăng ký ứng cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm sau là Adnan Pachachi. Người đứng đầu cộng đồng người Hồi giáo dòng Sunni này cho biết cuộc bầu cử nên được lùi lại ít nhất 6 tháng, cho tới khi nào tình hình an ninh được cải thiện.
Các nhóm chính trị này đã cùng ký tên vào một bản yêu sách chung sau cuộc họp tại nhà riêng của ông Pachachi cách đây ít giờ. Được biết, có ít nhất ba vị bộ trưởng của chính phủ lâm thời Iraq có mặt trong cuộc họp. Có người còn cho rằng cả đại diện của Thủ tướng lâm thời Iyad Allawi cũng đã ký vào biên bản yêu sách.
Tuy vậy, chính phủ lâm thời Iraq cho biết cuộc bầu cử vẫn phải được tổ chức đúng thời gian đã định. Trong khi đó, Uỷ ban bầu cử Iraq cho biết họ sẽ xem xét yêu sách đòi hoãn bầu cử khoảng 6 tháng của các đảng phái trên. Người phát ngôn của Uỷ ban này, ông Abdel Hussein al-Hindawi, cho biết: "Chúng tôi sẽ xem xét đề nghị của họ, bởi đó là yêu cầu rất phức tạp",
Ngược lại, đại diện của cộng đồng người Hồi giáo dòng Shia, chiếm 60% dân số Iraq, cho biết họ sẽ cố gắng tránh không để cuộc bầu cử bị hoãn lại, bởi điều đó sẽ là cản trở lớn cho tiến trình tái lập an ninh và ổn định đất nước. Đại diện Mỹ ở Iraq chưa bày tỏ ý kiến gì về việc này, song theo nhận định của các chuyên gia quốc tế, nhiều khả năng Nhà Trắng sẽ cố gắng thuyết phục các nhóm xem xét lại yêu cầu của mình và đồng ý kế hoạch bầu cử đã định.
(NHQ - Theo BBC)
|