Ấn Độ và Pakistan đàm phán hạt nhân
Các quan chức Ấn Độ và Pakistan bắt đầu cuộc đàm phán xây dựng lòng tin nhằm tránh bùng nổ một cuộc xung đột hạt nhân giữa hai nước.
Ấn Độ và Pakistan thường xuyên tiến hành thử nghiệm tên lửa. |
Cuộc đàm phán diễn ra tại thủ đô Pakistan Islamabad là một phần trong nỗ lực cải thiện mối quan hệ giữa hai đối thủ hạt nhân trong khu vực Nam Á này. Quan chức hai nước sẽ thảo luận về các biện pháp an toàn ngăn chặn khả năng bùng nổ một cuộc xung đột hạt nhân.
Bộ Ngoại giao Pakistan cho biết, một trong những mục đích của cuộc đàm phán lần này nhằm đưa ra thoả thuận chính thức về ''thông báo trước các cuộc thử tên lửa đạn đạo''.
''Ấn Độ và Pakistan là hai nhà nước có vũ khí hạt nhân và họ phải là những nhà nước có vũ khí hạt nhân đầy trách nhiệm'', Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pakistan Masood Khan cho biết.
''Tôi mong chờ một tiến trình mang lại kết quả như ý của người dân và chính phủ chúng tôi'', nhà ngoại giao Ấn Độ Meera Shankar phát biểu trước báo giới như vậy tại Islamabad.
Các nhà phân tích cho biết, cuộc hội đàm lần này chủ yếu nhằm xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau để giảm nguy cơ bùng nổ một cuộc xung đột hạt nhân.
Pervez Hoodbhoy, một giáo sư vật lý hạt nhân tại Đại học Quaid-e-Azam - Islamabad, cho hãng thông tấn AFP hay: ''Đây là tất cả của các biện pháp xây dựng lòng tin, tuy nhiên để trở thành các quốc gia hạt nhân có trách nhiệm, cả hai nước còn nhiều việc phải làm".
Pakistan và Ấn Độ thường xuyên sử dụng các vụ thử nghiệm vũ khí như một hình thức ''phô trương sức mạnh ngoại giao''. Năm 1998, cả thế giới bị sốc mạnh khi 2 quốc gia này liên tiếp tiến hành các vụ thử hạt nhân trả đũa nhau.
(Trần Kiên - Theo BBC, Reuters)