Iraq đang rơi vào nội chiến?
Càng ngày càng có nhiều người nhận định nếu Mỹ rút quân sớm, Iraq sẽ rơi vào nội chiến giống như Lebanon trong những năm 70. Tuy nhiên, dường như nội chiến đã xảy ra từ vài tuần qua.
Bạo lực không ngừng xảy ra tại Iraq. |
Cuộc nội chiến thực sự đã bắt đầu? Iraq vẫn chưa phải là Lebanon trong những năm 70. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, ít ra hiện Iraq đang ở giai đoạn đầu của cuộc chiến sắc tộc và giáo phái.
Các nhóm vũ trang tại Iraq đang đẩy mạnh các cuộc tấn công đẫm máu, kinh hoàng vào chính những người Iraq để khẳng định cái gọi là ''sự thống trị lãnh thổ và chính trị''. Cuộc chiến này rõ ràng được xem như cuộc xung đột giữa các nhóm tôn giáo và sắc tộc: giữa người Ảrập dòng Sunni với người Ảrập dòng Shiite và người Kurd. Mới tuần trước, tại Baghdad một vụ tấn công bằng súng cối đã xảy ra bên ngoài một trạm cảnh sát, một vụ đánh bom xe tự sát cũng diễn ra tại một thánh đường Hồi giáo dòng Shiite khiến ít nhất 27 người thiệt mạng.
Nhiều nhà phân tích chính trị nhận xét, tình hình xung đột ngày càng leo thang do chính sách của Mỹ hạn chế quyền của người Ảrập dòng Sunni thiểu số, tộc người ''trị vì'' Iraq dưới thời Saddam Hussein. Người Mỹ đã trao hàng loạt quyền cho người Shiite, tộc người chiếm đa số tại Iraq, và trao một phần quyền ít hơn cho người Kurd, chiếm khoảng 1/5 tổng dân số Iraq. Điều này góp phần tăng ảnh hưởng của hai tộc người vốn phải chịu ách áp bức của chế độ Hussein, song lại làm gia tăng nỗi sợ của người Sunni ''bị chia quyền lực'' như một dân tộc thiểu số.
Một số nhà lãnh đạo người Ảrập dòng Sunni có ảnh hưởng nhất tại Iraq hiện đang tỏ ra ''thờ ơ'' hoặc thậm chí phản đối tham gia tổng tuyển cử, trong khi người Kurd và Shiite rất ''háo hức'' với chuyện này. Các quan chức bầu cử Iraq và Tổng thống Bush cương quyết khẳng định, cuộc bầu cử sẽ diễn ra đúng kế hoạch bất chấp sự phản ứng của các nhà lãnh đạo Sunni yêu cầu hoãn. Do đó, bóng ma nội chiến có thể sẽ hiện hình khi thời điểm diễn ra tổng tuyển cử đang tới gần (30/1).
Trong khi đó, người Mỹ lại ''đổ thêm dầu'' vào chảo lửa Sunni khi chỉ tin tưởng tuyển người Shi'ite và Kurd vào lực lượng quân đội nhằm đàn áp sự nổi dậy của người Sunni tại các vùng bất ổn nhất. Đáp trả, quân du kích trút hận thù vào đối tượng là cảnh sát mới được tuyển hoặc các quan chức chính phủ lâm thời. Tất nhiên, rất nhiều tân cảnh sát hoặc nhân viên chính phủ là người Shi'ite và người Kurd.
Trong vài tuần qua, ít nhất cũng đã có một lực lượng vũ trang Shiite được thành lập - không phải để đối phó với người Mỹ - mà để chống lại hành động thù địch của người Sunni.
Giới chức Mỹ gần như đặt cả hy vọng bình ổn Iraq vào sự thành công của cuộc tổng tuyển cử tới đây và sự thành lập một chính phủ thông qua bầu cử. Và có vẻ, người Mỹ không nghĩ sẽ bùng nổ nội chiến trên diện rộng. Đối với họ, Iraq là một ''bức khảm tỉ mỉ'' nơi nhiều tộc người đồng tồn lâu dài. Các quan chức Mỹ cho rằng, không phải tất cả người Sunni đều nổi loạn hoặc phản đối cuộc tổng tuyển cử. Mới tuần trước, Tổng thống lâm thời Iraq đồng thời là thủ lĩnh một bộ tộc Sunni, ông Sheik Ghazi al-Yawar tuyên bố đảng của ông sẽ ra tranh cử. Và một số người Mỹ tiên đoán, một khi người Sunni thấy cuộc bầu cử sẽ diễn ra đúng kế hoạch, phần lớn sẽ ''đành'' tham gia.
Tuy nhiên, bạo lực không ngừng gây hận thù. Những các tấn công đẫm máu do người Iraq tiến hành nhằm vào chính người Iraq liên tiếp diễn ra. Hồi tháng 10, du kích Iraq đã mai phục 3 xe buýt loại nhỏ chở 49 tân binh thuộc quân đội Iraq - phần lớn là người Shi'ite - và giết sạch họ. Nhiều người hành hương tới các thánh địa của người Shi'ite như Najaf và Karbala cũng đã bị bắn chết.
Đáp trả, các thủ lĩnh người Shi'ite tại thành phố miền nam Basra bắt đầu ''xui'' con cháu mình rằng, đã đến lúc báo thù. Họ tổ chức hàng trăm người Shi'ite thành Lữ đoàn trả thù, chỉ là trường hợp mới nhất trong hàng trăm trường hợp các nhóm vũ trang tuyên bố thành lập trong tình trạng hỗn loạn tại Iraq. Tôn chỉ của các Lữ đoàn trên là ''giết'' những kẻ quá khích Ảrập dòng Sunni tại khu vực bắc Babil và cả khu vực rộng lớn có tên ''Tam giác tử thần'', nơi có nhiều nhân viên an ninh Shi'ite và người hành hương bị sát hại.
James Fearon, một giáo sư chính trị tại Đại học Stanford, ví sự thành lập các nhóm như vậy như một phần của ''cuộc nội chiến mà chúng ta sẽ thấy ngay bây giờ. Ông cũng cho biết lịch sử cai trị thực dân dậy chúng ta rằng, nội chiến có thể là kết quả của việc chính quyền thực dân có thái độ ''nhất bên trọng, nhất bên khinh'' đối với các nhóm sắc tộc hoặc tôn giáo địa phương và sử dụng những nhóm mình thích như một sự uỷ nhiệm quân sự - một chiến lược phổ biến của các thế lực đế quốc.
Trong thành phần lực lượng an ninh mới của Iraq, người Kurd và người Shi'ite tỏ ra là những tay súng hiệu quả nhất trong việc chống lại sự nổi dậy của người Sunni và tất nhiên quân đội Mỹ và chính phủ lâm thời Iraq đang thu hút các tay súng từ những đảng phái lớn của người Kurd và Shi'ite.
Một trong những dấu hiệu rõ nét nhất cho thấy sự chia rẽ sắc tộc, giáo phái ngày càng lớn là người Shiite hầu như không phản đối chiến dịch tấn công vào Fallujah. Và nữa, bầu cử có thể là nguyên nhân dẫn tới nội chiến, bởi khi đó các ''đối thủ thủ chính trị truyền kiếp'' có tham gia bầu cử hay không sẽ rất dễ gây ra những cuộc xung đột vũ trang. Gần đây, Lầu Năm Góc quyết định tăng quân số tại Iraq từ 138.000 lên tới 150.000 quân nhằm bảo vệ các ứng cử viên, cử tri - phần lớn là người Shiite và Kurd - trước sự ''báo thù'' của người Sunni.
-
Trần Kiên - (tổng hợp)