Indonesia: Tai nạn hàng không làm chậm cứu trợ
Sáng nay (4/1), sân bay duy nhất tại tỉnh Aceh phải đóng cửa sau vụ tai nạn tại đường băng. Nhiều khả năng, sân bay phải ngừng hoạt động hết hôm nay.
Tai nạn tại sân bay Banda Aceh làm chậm nỗ lực cứu trợ. |
Tai nạn xảy ở sân bay Banda Aceh, thủ phủ tỉnh Aceh khi một máy bay chở hàng đâm phải một con bò khi đang hạ cánh. Lực lượng quân sự cho biết, động cơ và phanh hạ cánh của máy bay bị hỏng nặng. Do không có thiết bị nâng, sân bay quan trọng này sẽ phải đóng cửa để sửa chữa cánh máy bay.
Sân bay trên là trạm vận chuyển quan trọng để đưa hàng cứu trợ tới các khu vực xa xôi bị động đất và sóng thần ngày 26/12 tấn công. LHQ cũng tỏ ra lo ngại về khả năng có giới hạn của sân bay này. Hiện, máy bay dân sự và quân sự đang cùng sử dụng đường băng của trạm vận chuyển này.
Tin tức về nỗ lực cứu trợ nạn nhân sóng thần
- Tổng thư ký LHQ Kofi Annan cho biết, số tiền thế giới cam kết dành cho hoạt động tái thiết và cứu trợ nạn nhân sóng thần đã lên tới con số 5 tỷ USD, dẫn đầu là Nhật với 500 triệu USD và ít nhất là 350 triệu USD từ Mỹ.
Hiến máu để cứu nạn nhân sóng thần. |
- 25 quốc gia và các tổ chức quốc tế sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh về sóng thần tại Jakarta vào ngày 6/1. Hội nghị sẽ thảo luận về chương trình viện trợ cho các quốc gia châu Á bị tác động bởi thảm hoạ thiên nhiên ngày 26/12 vừa qua. Thành phần tham gia hội nghị là 10 nước thành viên ASEAN, và Australia, New Zealand, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Sri Lanka, Maldive, Canada. Một số tổ chức và liên minh như LHQ, EU, Tổ chức Y tế thế giới, Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á cũng có mặt.
- Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej đã yêu cầu Quỹ Rajaparchanukroh được ông bảo trợ đỡ đầu các em nhỏ bị mồ côi cha mẹ sau trận sóng thần cuối năm 2004. Người đứng đầu hoàng gia Thái Lan cũng dành 75.000USD giúp đỡ nạn nhân sóng thần.
- Hôm nay (4/1), hai tàu hải quân Pháp và 700 nhân viên đã lên đường tới Indonesia để tham gia các hoạt động cứu trợ tại đây. Hai chiếc tàu này sẽ mang theo 4 máy bay trực thăng hạng nhẹ, 2 trực thăng vận tải, 6.000 phần lương thực, 800 tấn nước và thiết bị xử lý nước, 5 tấn thuốc và thiết bị y tế.
- Singapore đã được chọn làm trung tâm điều phối hoạt động cứu trợ tại khu vực của LHQ. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Singapore, nước này có kế hoạch dùng lãnh thổ, tàu khu trục và thành lập trung tâm thông tin hỗ trợ hoạt động giúp đỡ các khu vực bị sóng thần tấn công. Uỷ ban chữ thập đỏ quốc tế cũng coi Singapore là trung tâm cứu trợ của tổ chức này.
- Số người thiệt mạng tính tới 5h30 ngày 4/1 (giờ VN) đã lên tới hơn 150.000 người. Cụ thể như sau: Indonesia: 94.081; Sri Lanka: 47.062; Ấn Độ: 9.500; Thái Lan: 5.046; Somalia: 142; Myanmar: 53; Maldives: 74; Malaysia: 67; Tanzania: 10; Seychelles: 1; Bangladesh: 2; Kenya: 1. Con số thiệt mạng cuối cùng dự đoán sẽ tăng cao.
Chùm ảnh về hoạt động cứu trợ nạn nhân sóng thần.
(Hoài Linh - Tổng hợp)