Hội nghị thượng đỉnh về sóng thần tại Jarkarta
Một kế hoạch đầy tham vọng nhằm xây dựng hệ thống cảnh báo sóng thần Ấn Độ Dương sẽ là tâm điểm của cuộc gặp mặt lãnh đạo các nước bị sóng thần tấn công và các nhà tài trợ thế giới. Cuộc họp này sẽ tập trung tìm ra phương pháp ngăn ngừa một thảm họa tương tự trong tương lai.
Tham dự hội nghị thượng đỉnh tổ chức vào ngày 6/1 sẽ bao gồm các nhà lãnh đạo châu Á, trong đó có Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi (vừa cam kết hỗ trợ 500 triệu đô la cho nạn nhân sóng thần), Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell, Tổng thư ký LHQ Kofi Annan và nhiều quan chức hàng đầu Liên minh châu Âu (EU).
Thống đốc bang Florida Jeb Bush, em trai tổng thống Mỹ George Bush và chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) James Wolfensohn cũng sẽ có mặt tại cuộc họp ở Jakarta do 10 nước ASEAN tổ chức. Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono nói: "Indonesia và các nước láng giềng sẽ xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm nhằm ngăn chặn các thảm họa tự nhiên, trong đó có động đất và sóng thần". Đất nước Indonesia chịu nhiều thiệt hại nhất, với hơn 90.000 người chết trong số trên 150.000 nạn nhân động đất và sóng thần.
Với các công nhân cứu hộ và giúp đỡ đến các nước bị thiên tai ngày càng nhiều, tâm điểm của hội nghị thượng đỉnh sẽ là tái thiết các cộng đồng, đồng thời đảm bảo sao cho người dân ven biển được cảnh báo trước về việc động đất có tạo ra sóng thần hay không.
Hệ thống cảnh báo sóng thần hiện nay đang nối liền 26 quốc gia Thái Bình Dương. Conrad C. Lautenbacher, giám đốc Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), cho biết, nếu mở rộng ra các nước ven Ấn Độ Dương, cơ quan này có thể đã cảnh báo được về thảm họa này. Trong số 11 nước chịu ảnh hưởng của trận địa chấn và sóng thần hôm 26/12 vừa qua, chỉ có Indonesia nhận được cảnh báo từ NOAA, nhưng cũng chỉ nhận gián tiếp qua Australia.
Hiện nay, Thái Lan đang nỗ lực thúc đẩy xây dựng hệ thống này với hy vọng mang lại sự yên tâm cho hàng triệu du khách nước ngoài, vốn là chỗ dựa cho nền kinh tế Thái Lan. Ngoại trưởng Thái Lan Surakiart Sathirathai đề xuất, một phần số tiền mà thế giới cam kết xoa dịu thảm họa sóng thần cần phải được dành cho việc xây dựng hệ thống cảnh báo. Surakiart nói: "Một trong những chủ đề mà Thái Lan muốn nhấn mạnh là các nước trong khu vực và các nước bị ảnh hưởng phải làm thế nào để cùng nhau xây dựng một cơ chế cho hệ thống cảnh báo sớm và hệ thống theo dõi. Là điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới, chúng tôi phải nâng cao nhận thức cho du khách và đảm bảo an toàn cho họ".
Tổng thống Philippine Gloria Macapagal Arroyo cho biết, dù không bị ảnh hưởng của sóng thần nhưng cũng vừa bị bão tố tàn phá, đất nước của bà vẫn sẽ dành ngày thứ Sáu tới để cầu nguyện và tỏ lòng thương tiếc cho các nạn nhân sóng thần. Bà nói, hội nghị thượng đỉnh khu vực "có ý nghĩa khẩn cấp và quan trọng, không chỉ thúc đẩy phản ứng nhân đạo quốc tế đối với thảm họa sóng thần mà còn củng cố sự chuẩn bị của khu vực trước thảm hoạ, thông qua một hệ thống cảnh báo sớm và chia sẻ thông tin vững chắc".
Philippine hiện đang có một hệ thống cảnh báo sớm, nhưng bà Arroyo cho biết hệ thống này cần được cập nhật và kết nối với các hệ thống khác ở Hawaii, Nhật Bản và Trung Quốc. Bà sẽ đến dự hội nghị cùng các quan chức Hội đồng Điều phối Thảm họa Quốc gia, Bộ Y tế, và Viện Núi lửa và Địa chấn Philippine.
-
Khánh Hà (Theo AP)