Iraq: Nhiều vụ tấn công trong ngày bầu cử
Bầu cử Quốc hội Iraq hôm nay (30/1) diễn ra trong cảnh bạo lực lan tràn. Một loạt các vụ tấn công và đánh bom liều chết diễn ra trong và ngoài Baghdad.
Lực lượng nổi dậy tại quốc gia vùng Vịnh này đã thực hiện đúng cam kết: phá hoại cuộc bỏ phiếu dân chủ đầu tiên trong vòng nửa thế kỷ nay. Chỉ ít giờ sau khi các điểm bỏ phiếu mở cửa, ít nhất 2 cảnh sát bị thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Trên toàn Iraq đã có nhiều vụ pháo kích, đánh bom liều chết nhằm vào các khu vực bầu cử.
Lính Iraq canh gác phía ngoài đường vào khu vực bỏ phiếu. |
Vụ tấn công liều chết tại phía tây Baghdad đã giết chết 1 cảnh sát và làm bị thương nhiều người khác. Trong khi đó, pháo kích cũng xảy ra tại Khan al-Mahawil, cách Baghdad 60km về phía nam làm một nhân viên an ninh tại điểm bỏ phiếu thiệt mạng. Các nhân chứng cho biết, 3 người bị thương khi một quả pháo, hoặc rocket rơi trung điểm bầu cử ở Sadr City, trung tâm cộng đồng người Shi'ite tại Baghdad.
Ngoài ra, nhiều vụ nổ lớn và hàng chục vụ tấn công bằng pháo nổ ra khắp Baghdad và nhiều thành phố khác như Baquba, Basra và Mosul. Hai quả pháo cối bắn trúng Bộ Nội vụ Iraq tại phía đông thủ đô. Đấu súng nổ ra ở khu Baghdad mới nằm ở phía đông thành phố. Nhiều tiếng nổ lớn ở Baquba, đông bắc Baghdad và ở Basra, thành phố lớn thứ 2 nằm ở phía nam Iraq.
Hầu hết các vụ tấn công đều diễn ra vào sáng sớm. Tuy nhiên, gần 5.200 điểm bỏ phiếu trên toàn Iraq vẫn mở cửa theo kế hoạch.
Nhân viên an ninh đứng trên mái nhà để quan sát. |
Theo báo cáo thống kê, lượng cử tri đi bỏ phiếu những giờ đầu tiên chưa cao do người dân còn chờ xem lực lượng nổi dậy thực hiện cam kết ra sao. Người Hồi giáo Sunni ở các thành phố trọng điểm và khu vực do quân nổi dậy kiểm soát như Fallujah và Ramadi vẫn chưa đi bỏ phiếu. Một số phần tử cực đoan gốc Sunni đã kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử được tổ chức trong thời gian còn quân đội chiếm đóng.
Tỷ lệ cử tri người Sunni đi bỏ phiếu thấp có thể ảnh hưởng tới nỗ lực của chính phủ và khiến cho căng thẳng gia tăng giữa các nhóm tôn giáo, văn hoá và sắc tộc. Cuộc bầu cử Quốc hội ở Iraq là một thử nghiệm lớn đối với mục tiêu thúc đẩy dân chủ ở Trung Đông của Tổng thống Bush.
Người Hồi giáo Shi'ite, chiếm 60% trong tổng số 26 triệu người Iraq, được cho là sẽ tham gia bỏ phiếu đầy đủ. Tại một điểm bầu cử ở thành phố Nasiriyah - có nhiều người Hồi giáo Shi'ite sống, khoảng 40 cử tri đang xếp hàng chờ tới lượt. Trái lại, ở điểm bỏ phiếu khu vực Karrada - nơi có người Sunni và Shi'ite cùng chung sống, trong vòng 45 phút đầu tiên chỉ có 3 người tham gia bầu cử.
Theo các nhân viên an ninh đứng trên mái nhà, từ khoảng cách 40m đến điểm bỏ phiếu, 3 cử tri trên bị kiểm tra và tiếp đó phải cởi áo khoác, lấy pin khỏi điện thoại di động trước khi bước qua hàng rào. Các quan chức Iraq ước tính sẽ có 8 triệu trong số 14 triệu cử tri (57%) tham gia bầu cử.
Kết quả cuộc bầu cử chính thức sẽ được công bố trong khoảng 7 đến 10 ngày sau song ước lượng kiểm phiếu sẽ được đưa ra sớm hơn.
Hình ảnh cử tri đi bỏ phiếu
(Hoài Linh - Theo AP, Reuters)