Hy vọng mới về chuyến công du Ảrập Xê-út của TT Iran
Rất nhiều người hy vọng chuyến công du Ảrập Xê-út hôm nay (3/2) của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad sẽ giúp kiềm chế những căng thẳng bè phái vốn đang đe doạ Trung Đông, đặc biệt là Iraq và Lebanon.
Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad |
Báo chí Ảrập Xê-út đều đăng tải những bài viết hoan nghênh chuyến thăm của người đứng đầu nước Cộng hoà Hồi giáo Iran. Họ bày tỏ hy vọng rằng chuyến đi của ông Ahmadinejad là dấu hiệu cho thấy Iran sẵn sàng xét lại các chính sách khu vực và mong muốn hợp tác hơn là đối đầu với các chính phủ Arập.
Ghassan Sharbil - Biên tập viên người Lebanon của nhật báo Ảrập Xê-út Al-Hayat, nhận định đây là một động thái "khác thường" và nếu muốn, Tổng thống Ahmadinejad có thể biến nó thành một cơ hội để "trấn an thế giới Arập, Hồi giáo và cộng đồng quốc tế nhằm tránh cho Iran khỏi bị cô lập, các nguy cơ bị Mỹ tấn công và một nghị quyết trừng phát mới của Hội đồng bảo an".
Trong khi đó, giới truyền thông Iran chỉ đưa những tin tức chính thức về chuyến công du của ông Ahmadinejad. Duy nhất có tờ nhật báo độc lập Tehran-e-Emrooz xen kẽ một số bình luận trong bản tin của họ. Theo Tehran-e-Emrooz, chính quyền Tehran đang nỗ lực cải thiện quan hệ với Ảrập Xê-út để tăng cường các cơ hội giải quyết xung đột Trung Đông mà không cần sự can thiệp của Mỹ, đồng thời làm giảm những lo ngại của Riyadh về các hoạt động hạt nhân mà Iran đang theo đuổi.
"Cố gắng giúp cải thiện mối quan hệ 'lạnh nhạt' giữa Ảrập Xê-út và Syria nhằm giải quyết xung đột Lebanon trước hội nghị Liên đoàn Arập là một mục tiêu khác của chuyến công du này", trích bài viết đăng trên tờ Tehran-e-Emrooz.
Chuyến đi của ông Ahmadinejad diễn ra đúng vào thời điểm các nhà ngoại giao hàng đầu từ Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Đức và Trung Quốc đang nhóm họp hôm nay nhằm nỗ lực đạt được một thoả thuận về các biện pháp trừng phạt Iran mới. Một quan chức Mỹ dự đoán phiên họp này sẽ dẫn tới một "nghị quyết quan trọng" sau khi Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) công bố một báo cáo hồi cuối tháng Hai rằng Tehran đang mở rộng hoạt động làm giàu uranium thay vì chấm dứt nó như được yêu cầu.
Phần lớn các chính phủ Arập do người Sunni kiểm soát đã bày tỏ sự bất bình và lo ngại rằng sự ủng hộ các đạo hữu ở Iraq và Lebanon từ giới lãnh đạo chính quyền người Shiite của Iran sẽ gây ra mất ổn định trong khu vực.
Trong khi đó, Mỹ đã tăng cường sự hiện diện quân sự tại Vùng Vịnh trong hai tháng qua. Mặc dù Mỹ tuyên bố hiện vẫn chưa có kế hoạch tấn công Iran nhưng chính quyền Washington cũng từ chối bác bỏ khả năng này.
-
Thanh Bình (Theo AP, AFP)