"Hiến pháp tạm thời của Iraq là một sự cản trở"
06:14' 09/03/2004 (GMT+7)

Đó là khẳng định của Ali al-Sistani, người có ảnh hưởng bậc nhất trong cộng đồng chiếm đa số ở Iraq. Vị thủ lĩnh Hồi giáo dòng Shiite cho rằng hiến pháp tạm thời vừa được thông qua là một chướng ngại vật cho quá trình làm luật sau này ở quốc gia vùng Vịnh.

Thủ lĩnh người Hồi giáo dòng Shiite ở Iraq Ali-Sistani

"Hiến pháp tạm thời là một sự cản trở đối với việc xây dựng hiến pháp chính thức vốn phải bảo đảm được tính thống nhất của đất nước cũng như quyền lợi của nhân dân thuộc tất cả các dân tộc và tôn giáo," Giáo sĩ Ali al-Sistani nói.

Tuy không trực tiếp nêu đích danh, song có thể nhận biết được rằng một trong những "sự cản trở" mà Al-Sistani ám chỉ chính là điều luật qui định nếu trong trưng cầu dân ý, hai phần ba dân số của 3 tỉnh bất kỳ phản đối, hiến pháp sẽ không được thông qua. Điều này sẽ khiến một bộ phận thiểu số (chính là người Hồi giáo dòng Sunni và người Kurd ở phía Bắc) có quyền cản trở, thậm chí phủ quyết cả một bản hiến pháp dành cho 25 triệu người dân Iraq.

Ảnh hưởng bởi quan điểm chống đối này, cho tới cuối tuần qua, 5 thành viên Hội đồng Điều hành Iraq (IGC) là người Hồi giáo dòng Shiite vẫn kiên quyết không chịu ký thông qua hiến pháp tạm thời. Một ngày trước khi nó được thông qua, mọi việc chỉ được giải quyết ổn thoả khi đại diện của IGC hội đàm với Giáo sĩ Al-Sistani. Tại cuộc gặp này, thủ lĩnh tinh thần của đa số người dân Iraq cho biết mặt dù ông vẫn còn do dự về dự thảo song ông sẽ không ngăn cản việc thông qua hiến pháp.

Hiến pháp tạm thời sẽ có hiệu lực kể từ ngày ký cho đến khi Iraq có được hiến pháp chính thức vào cuối năm 2005. Đây là một bước chuẩn bị quan trọng cho việc chuyển giao quyền lực giữa người Mỹ và người bản địa vào ngày 30/6 này.

(Tiến Dũng - Theo Reuters)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi