Ngày mai, cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein ra toà
08:03' 30/06/2004 (GMT+7)

Phiên toà xét xử cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein sẽ bắt đầu từ ngày mai (1/7), một ngày sau khi ông này được Mỹ chuyển giao cho chính phủ mới. Đây sẽ là lần đầu tiên kể từ khi bị bắt (12/2003), Saddam xuất hiện trước công chúng.

Ngày mai, cựu Tổng thống Saddam Hussein sẽ xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên sau khi bị bắt

* Saddam Hussein - con người của lòng kiêu hãnh tột đỉnh

* Tổng thống Saddam Hussein: Tình duyên - thật và giả

* Tổng thống Iraq: Người hóm hỉnh và tay súng cừ khôi

Cùng ra toà lần này và chịu chung tội danh là tội ác chiến tranh với Saddam Hussein còn có 11 quan chức cao cấp trong chế độ cũ, trong đó có Phó Tổng thống Taha Yassin Ramadan, Phó Thủ tướng Tariq Aziz, Ali Hassan al-Majid ("thường được gọi là Ali Hoá học"), và 2 người em kế của Saddam.

Salem Chalabi, Chánh án Toà án Đặc biệt Iraq có trách nhiệm xét xử Saddam, cho biết địa điểm xét xử sẽ là toà nhà chuyên dụng nằm trong Khu Xanh ở Thủ đô Baghdad. Hình ảnh về phiên toà sẽ được ghi và phát lại trên truyền hình. Quá trình xét xử sẽ dựa vào luật hình sự Iraq và các luật quốc tế như Công ước Geneva cũng như thực tế một số phiên toà xét xử tội danh tương tự, chẳng hạn như toà án xử tội phạm chiến tranh ở Rwanda.

Về luật sư bào chữa cho cựu tổng thống, bà Sajidah, vợ Saddam, đã thuê một đội luật sư nước ngoài gồm 20 người. Tuy nhiên, có thể đội ngũ hùng hậu này sẽ không được toà chấp nhận. Theo quy định, chỉ có luật sư nước ngoài quốc tịch Palestine và Syria được phép bào chữa mà không phải xin phép.

Dự kiến những chứng cứ để toà phán quyết là vụ thảm sát bằng vũ khí hoá học đối với người Kurds năm 1988, cuộc xâm lược Kuwait năm 1990 và vụ thảm sát người Hồi giáo dòng Shiite năm 1991. Ngoài ra, hơn 30 tấn tài liệu cũng là những căn cứ để toà định tội cựu tổng thống và bộ sậu của ông.

Trước khi phiên toà diễn ra, đã có các cuộc tranh luận đến nay vẫn chưa ngã ngũ xung quanh việc có cho phép truyền hình quá trình xét xử hoặc có nên phục hồi hình phạt cao nhất theo luật hình sự Iraq: treo cổ cho đến chết (hình phạt này đã bị bãi bỏ kể từ khi Toàn quyền Iraq L. Paul Bremer lên nhận nhiệm vụ).

(Tiến Dũng - Theo AP)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi