EU và Mỹ doạ cấm vận Sudan
11:18' 26/07/2004 (GMT+7)

Liên minh châu Âu và Mỹ vừa đe dọa sẽ áp dụng các lệnh trừng phạt đối với Sudan nhằm gây sức ép buộc quốc gia châu Phi này phải chấm dứt xung đột tại Darfur.

Xung đột ở Darfur đẩy hơn 1 triệu người lâm vào cảnh vô gia cư.

Theo kế hoạch, các bộ trưởng EU sẽ nhóm họp vào hôm nay (26/7) ở Brussels, Bỉ, với mục đích thúc giục Chính phủ Sudan và các nhóm nổi loạn nối lại đàm phán hòa bình, đồng thời yêu cầu giới chức nước này phải tạo điều kiện cho lực lượng cứu trợ làm việc tại vùng bạo loạn.

"Chắc chắn, cộng đồng quốc tế sẽ áp dụng một số biện pháp cứng rắn hơn nếu tình hình hiện tại không được cải thiện", Ngoại trưởng Hà Lan cho biết sau cuộc gặp với người đồng nhiệm Sudan Mustafa Osman Ismail.

Theo Văn phòng Bộ trưởng Ngoại giao Đức Joschka Fischer, ông Fischer đã nhất trí với Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell trong một cuộc điện đàm rằng Sudan sẽ phải hứng chịu cấm vận quốc tế nếu nước này không nhanh chóng giải giáp các tay súng Ảrập đứng đằng sau hàng loạt vụ giết hại ở Darfur. "Chính phủ Sudan có nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho người dân trong nước, tước vũ khí của các nhóm phiến quân và đưa chúng ra tòa để chấm dứt tình trạng bạo loạn hiện nay", ông Fischer phát biểu trên Đài Truyền hình ZDF.

Bạo lực ở Darfur dai dẳng suốt 15 tháng qua kể từ khi xung đột giữa các bộ tộc Ảrập và châu Phi bùng phát. Ước tính, khoảng 30.000 người, hầu hết là dân da đen, đã bị giết hại; theo nhận định của LHQ, số người thiệt mạng có thể sẽ lên tới 50.000 người. Hơn 1 triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn trong khi có tới 2,2 triệu người đang cần cứu trợ khẩn thiết về lương thực và y tế.

Giáo hoàng John Paul II.

Giáo hoàng John Paul II cũng vừa lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy trợ giúp Sudan chấm dứt bạo lực ở Darfur. Ông này nhấn mạnh rằng, tình hình hiện nay sẽ "khiến vùng đất này nghèo đói hơn, tuyệt vọng hơn và tử vong nhiều hơn".

Liên Hợp Quốc
dự định sẽ triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Darfur vào cuối năm nay. Kế hoạch này được Australia và New Zealand ủng hộ và cho biết họ sẵn sàng gửi quân tham gia. Trong khi đó, Liên minh châu Phi cũng tuyên bố sẽ góp 300 binh sĩ cùng 150 quan sát viên không mang theo vũ khí.

(Thanh Hảo - Theo AP)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi