Nhà môi trường học Kenya giành giải Nobel Hoà bình
16:06' 08/10/2004 (GMT+7)

Uỷ ban Nobel Na Uy vừa quyết định trao giải Nobel Hoà bình 2004 cho bà Wangari Maathai vì những đóng góp của bà cho hoà bình, dân chủ và phát triển bền vững.

Soạn: AM 166279 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Nhà môi trường học người Kenya đã giành giải Nobel Hoà bình 2004

 

Nhà bảo vệ môi trường Kenya này là người phụ nữ châu Phi đầu tiên giành giải Nobel Hoà bình và là người phụ nữ thứ 12 được nhận giải thưởng này kể từ năm 1901. Bà Wangari Maathai đã đi đầu trong chiến dịch trồng hàng chục triệu cây xanh trên toàn châu Phi nhằm làm chậm quá trình phá rừng, giữ gìn môi trường sống cho động vật hoang dã.

Bà Maathai, trợ lý Bộ trưởng Môi trưởng Kenya nói với phóng viên Reuters tại Nairobi: ''Tôi rất vui mừng. Tôi thực sự không biết nói gì. Tôi vừa nghe được thông báo từ Đại sứ Na Uy cách đây 3 phút rằng tôi là người đoạt giải Nobel''. Bà Maathai sẽ nhận được 1,36 triệu USD tiền thưởng.  

Thông báo về người giành giải Nobel Hoà bình 2004 được Uỷ ban Nobel Na Uy công bố vào đúng 4h chiều nay (8/10 giờ Việt Nam). Năm nay, có 194 đề cử cho giải Nobel Hoà bình. 

Buổi lễ trao giải chính thức diễn ra vào ngày 10/12 - ngày Nobel qua đời. 

Cuộc đời và sự nghiệp của bà Maathai:

Wangari Muta Maathai sinh năm 1940 tại Nyeri, Kenya. Bà là người phụ nữ Đông và Trung Phi đầu tiên giành được học vị tiến sĩ. Năm 1964, bà Wangari Muta Maathai hoàn thành ngành Sinh học tại Trường Đại học Mount St. Scholastica ở Atchison, Kansas. Sau đó, bà còn hoàn thành khoá học thạc sĩ Khoa học tại trường đại học Pittsburgh năm 1966. Bà từng theo học tại Đức và Đại học Nairobi.

Soạn: AM 166271 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Bà Wathai và Thủ tướng Anh Tony Blair.

Năm 1971, bà giảng dạy môn Giải phẫu thú y tại trường Đại học Nairobi. Bà được đề cử giữ chức Trưởng khoa Giải phẫu thú y năm 1976. Bà được coi là người phụ nữ đầu tiên trong khu vực có được vị trí như vậy.

Ngoài ra, bà Wangari Maathai còn tham gia hoạt động trong Hội đồng Phụ nữ quốc gia của Kenya trong giai đoạn 1976 -1987 và được bầu giữ chức Chủ tịch hội đồng này từ năm 1981 đến năm 1987. Trong quá trình công tác tại Hội đồng phụ nữ quốc gia, bà đã khởi xướng phong trào trồng cây và phát triển phong trào này trên diện rộng nhằm bảo vệ môi trường và nâng cao mức sống của nhân dân. Thông qua Phong trào vành đai xanh, bà đã hỗ trợ phụ nữ trồng hơn 20 triệu cây tại các nông trang, trường học và trong nhà thờ.

Năm 1986, Phong trào của bà đã thành lập Mạng lưới Vành đai xanh liên châu Phi. Chương trình này đã thu hút được hơn 40 cá nhân từ các nước châu Phi tham gia. Một số người trong số họ đã đưa ra những sáng kiến trồng cây tương tự tại ngay đất nước của họ, đồng thời sử dụng ngay những biện pháp của phong trào Vành đai xanh.

Cho đến nay, nhiều nước đã thực hiện thành công sáng kiến Vành đai xanh như Tanzania, Uganda, Malawi, Lesotho, Ethiopia, Zimbabwe...Tháng 9/1998, bà phát động chương trình liên minh Jubilee 2000 đòi hoãn các khoản trả nợ đọng đối với các nước nghèo ở châu Phi cho đến năm 2000...

Bà Wangari Maathai được cộng đồng quốc tế ghi nhận những nỗ lực không mệt mỏi đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền và bảo vệ môi trường. Bà đã nhiều lần đại diện phụ nữ toàn thế giới phát biểu tại phiên họp đặc biệt của Đại Hội đồng LHQ về vấn đề Môi trường trái đất.

Soạn: AM 166273 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Bà và Phong trào Vành đai xanh của mình đã nhận được nhiều giải thưởng quý giá như Giải thưởng Sophie (2004), Giải thưởng Petra Kelly vì môi trường (2004), Giải thưởng Arbor Day Foundation's J. Sterling Morton Award (2004), Giải thưởng Nhà khoa học bảo vệ Môi trường - Conservation Scientist Award (2004)...

Maathai cũng đã liệt danh trong danh sách 100 anh hùng của thế giới. Tháng 6/1997, bà được Tạp chí Earth Times bình chọn là một trong 100 nhân vật trên thế giới có cống hiến trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Bà được trao rất nhiều danh hiệu giáo sư danh dự của các trường đại học danh tiếng như Đại học William, MA USA (1990), Đại học Hobart & William Smith (1994), Đại học Na Uy (1997).

Ngoài ra, bà Maathai còn tham gia vào hội đồng điều hành của nhiều tổ chức như Hội đồng tư vấn Tổng thư ký LHQ về vấn đề giải giáp vũ trang (WEDO), Tổ chức Giáo dục thế giới vì Phát triển Quốc tế, Tổ chức Xanh quốc tế...

Tháng 12/2002, bà Maathai được bầu vào nghị viện với 98% phiếu thuận và sau đó được Tổng thống bổ nhiệm giữ chức Trợ tá Bộ trưởng Môi trường, Tài nguyên thiên nhiên và đời sống hoang dã.

Các giải Nobel năm 2004

Nobel hoá học được trao cho hai nhà khoa học Israel và một nhà khoa học Mỹ do đã phát hiện ra quá trình huỷ protein nhất định trong tế bào. Đó là Tiến sĩ Aaron Ciechanover (57tuổi) và Tiến sĩ Avram Hershko (67 tuổi) thuộc Viện Công nghệ Israel và Tiến sĩ Irwin Rose (78 tuổi thuộc ĐH California Mỹ).

Nobel Y học được trao cho hai nhà khoa học người Mỹ Richard Axel và Linda B. Buck với nghiên cứu cơ chế sinh học của khứu giác.

Nobel Vật lý được trao cho ba nhà khoa học Mỹ do đã phát hiện ra ''tự do tiệm cận'' trong lý thuyết tương tác mạnh.

Nobel Văn học được trao cho nhà biên kịch và tiểu thuyết gia người Áo, Elfriede Jelinek

  • Trần Kiên, Hoài Linh - Tổng hợp
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi