Thế giới không an toàn hơn sau khi Mỹ phát động cuộc chiến chống Iraq, Tổng thư ký LHQ Kofi Annan tuyên bố như vậy trên truyền hình Anh.
|
Tổng thư ký LHQ Kofi Annan |
''Tôi không thể nói thế giới an toàn hơn khi bạo lực vẫn xảy ra quanh chúng ta. Những vụ tấn công khủng bố diễn ra ở khắp nơi trên thế giới và giao tranh tại Iraq vẫn chưa chấm dứt. Chúng ta còn nhiều việc phải làm khi cộng đồng quốc tế đang cố gắng giúp thế giới an toàn hơn'', Tổng thư ký LHQ Kofi Annan trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình ITV.
Trước đó, nhà lãnh đạo LHQ gọi hành động lật đổ chính quyền Saddam Hussein của Mỹ là bất hợp pháp.
Trong cuộc phỏng vấn được ITV trình chiếu hôm nay (17/10), ông Kofi Annan nói, Iraq đang chuẩn bị tổ chức tổng tuyển cử vào cuối tháng 1 và ông sẽ lên tiếng nếu không hài lòng với cách nhà chức trách địa phương tiến hành cuộc bỏ phiếu. ''Nếu có bất cứ phán quyết hay quyết định nào được đưa ra mà chúng tôi coi là không đáng tin, chúng tôi có nghĩa vụ phải lên tiếng''.
Tổng thư ký LHQ Annan cũng lên tiếng bác bỏ một số thông tin cho rằng Pháp, Nga và Trung Quốc đã vi phạm lệnh cấm đối với chính quyền Saddam Hussein mà LHQ áp đặt nhằm đổi lại hợp đồng dầu lửa. Theo báo cáo cuối cùng của nhóm Khảo sát Iraq (ISG), Iraq đã lôi kéo một số chính phủ nước ngoài bằng hợp đồng và hối lộ cho các công ty nước ngoài, chính trị gia nổi bật ở các nước nhằm thu hút sự ủng hộ trong việc kêu gọi LHQ bãi bỏ lệnh cấm. Trong số các chính phủ được đề cập có Nga, Pháp và Trung Quốc.
Chính phủ Mỹ phải xin lỗi Iraq
|
Nhiều người Mỹ không hài lòng với việc chính phủ tiến đánh Iraq. |
Cũng tin liên quan tới cuộc chiến Iraq năm 2003, hôm nay (17/10), khoảng 2.000 người Mỹ phản đối chiến tranh Iraq đã biểu tình đòi chính phủ phải xin lỗi Iraq.
Hàng nghìn người phản chiến sẽ gửi các bức ảnh cá nhân cho người Iraq cùng với thông điệp phản đối nhằm bày tỏ quan điểm không phải tất cả công dân Mỹ đều ủng hộ cuộc chiến vừa qua.
''Thật xấu hổ, chúng tôi xin lỗi vì những tổn thương mà nước Mỹ đã đem tới cho người dân Iraq''. Đây là một thông điệp được ghi phía sau bức ảnh của 11 người dân Mỹ tại Vancouver, Washington. Trong số những bức ảnh được gửi đi có cả hình của Michael Berg, con trai Nicholas Berg - bị bắt cóc và chặt đầu tại Iraq. ''Tôi cho rằng những gì chính phủ Mỹ đã làm với một quốc gia có chủ quyền như Iraq là tồi tệ và đáng xấu hổ'', Michael nói.
Việc gửi ảnh cùng thông điệp phản đối chính phủ Mỹ phát động chiến tranh và những lời cảm thông sâu sắc tới người Iraq là sáng kiến của tổ chức hoà bình Hội ái hữu.
(Hoài Linh - Theo AP, AJ) |