Trong những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 7% mỗi năm và năm ngoái vốn đầu tư trực tiếp (FDI) bình quân đầu người cũng lớn hơn của Trung Quốc.
Việt Nam có lực lượng lao động chăm chỉ, có trình độ. |
Đây là lần thứ hai trong vòng một thập kỉ qua, các nhà đầu tư lại đang đổ vào Việt Nam. Họ bị hấp dẫn bởi những bản báo cáo ngợi ca hết lời về lực lượng lao động rẻ, chăm chỉ, có trình độ và sự tăng trưởng kinh tế năng động của đất nước này.
Cách đây 10 năm, Việt Nam cũng đã được chú ý như một điểm thu hút đầu tư. Nhưng, sự thổi phồng quá mức sớm xẹp xuống khi rất nhiều công ty nước ngoài nhận ra khó khăn bởi "con hổ" mới của Châu Á này vẫn chưa thay đổi nền kinh tế mệnh lệnh của mình.
Hiện nay, có cuộc hội thảo nói về Việt Nam như một "Trung Quốc mini" - điểm thu hút đầu tư thay "người khổng lồ Phương Bắc". Chính phủ Việt Nam đang đẩy nhanh cải cách nhằm gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) trong năm nay.
"10 năm trước có nhiều công ty nước ngoài lượn quanh Việt Nam," Virginia Foote, chủ tịch Hội Thương mại Việt-Mỹ, phát biểu trong Hội nghị Diễn đàn đầu tư Việt Nam tại Hà Nội vào tuần trước.
"Một vài trong số họ đã ở lại, rất nhiều đã ra đi'' bà cho biết.
Rất nhiều việc đã diễn ra từ những năm 90 của thế kỉ trước khi Việt Nam mới bắt đầu mở cửa ra thế giới. Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm vận năm 1994 và hai nước đã ký Hiệp định thương mại song phương (BTA) vào năm 2000, khởi đầu cho cho làn sóng xuất khẩu ở Việt Nam.
Đồng bằng sông Cửu Long, chiến trường đẫm máu của một thế hệ trước, hiện đang là khu công nghiệp rộng lớn, nơi nhà cung cấp chip điện tử hàng đầu Intel sẽ xây dựng một cơ sở sản xuất bên cạnh hàng trăm nhà máy giày, may mặc và điện tử.
Trong những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 7% mỗi năm và năm ngoái vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bình quân đầu người lớn hơn của Trung Quốc.
Việt Nam đã gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995. Tháng 11 năm nay, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị hợp tác kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) với sự tham gia của rất nhiều nguyên thủ quốc gia trong đó có cả Tổng thống Mỹ George W Bush.
"Tôi nghĩ lần này sẽ có một sự thẩm định khác về vị thế hiện tại của Việt Nam," bà Foote nói. "Các công ty đang đến để xem xét và tìm kiếm cơ hội được ở lại."
Hơn 1.000 đại biểu từ 22 quốc gia trên thế giới đă tham gia Hội thảo. Một trong những diễn giả, John Shrimpton - đến từ quỹ đầu tư Dragon Capital tại TP Hồ Chí Minh, lên tiếng khẳng định "sự hấp dẫn đầu tư chưa từng có ở Việt Nam".
"Chúng tôi đã rút ra điều này từ các cuộc điều tra mỗi tháng một lần, thậm chí đôi khi là cứ 3 tiếng một lần," ông Shrimpton nói. Ông cũng ca ngợi sự năng động của Việt Nam, nơi mà số công ty tư nhân tăng từ 100 trong năm 1980 lên tới 38.000 của năm 2005.
Chủ tịch HSBC Việt Nam - Alan Cany đã liệt kê những điểm thu hút chính của Việt Nam như sau : "nguồn lao động rẻ nhưng có trình độ cao, ổn định chính trị và xã hội, vị trí tốt."
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam - cho biết quốc gia này sẽ là cầu nối Trung Quốc với ASEAN - tạo ra thị trường khổng lồ với 2 tỉ dân.
Đại Hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần X sắp diễn ra để chọn ra người kế nhiệm Thủ tướng Phan Văn Khải.
Nhưng ông Shrimpton nói, bất cứ sự thay đổi nào ở cấp cao cũng không ngăn cản các cải cách tại đất nước "dường như có lực lượng trẻ đông nhất thế giới". Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,5 triệu lao động mới gia nhập thị trường việc làm.
"Nhiệm vụ chủ chốt cho bất cứ ai lãnh đạo đất nước này là tiến hành nhiều cải cách hơn nữa để khuyến khích nhiều đầu tư hơn góp phần thúc đẩy ... cải cách.", ông Shrimpton.
Trưởng đại diện Nike Việt Nam Amanda Tucker thổ lộ, nhà sản xuất đồ thể thao lớn vào bậc nhất thế giới này đã chọn Việt Nam một phần là vì "chúng tôi không muốn đặt tất cả số trứng của mình vào một cái giỏ Trung Quốc".
Trong cuộc trao đổi thẳng thắn, bà Tucker còn lưu ý thêm rằng "tốc độ tăng trưởng hiện tại ở đất nước này chắc chắn đang tạo áp lực lên hệ thống''.
"Nhiều nhà máy kí hợp đồng với chúng tôi tại đây đang gặp các vấn đề liên quan đến cấp điện, đường giao thông và cảng," bà Tucker nói. Ngoài ra theo bà, một làn sóng đình công gần đây cũng chỉ ra sự yếu kém trong sự liên thông giữa công nhân - người quản lí.
Bà Foote cũng khuyến cáo, Việt Nam cần phải áp dụng vào thực tế những cải cách đã có trên giấy tờ thông qua cuộc chiến chống vi phạm bản quyền tác giả, cải thiện kiểm toán doanh nghiệp và tạo sân chơi công bằng cho các công ty nước ngoài.
Bà cảnh báo rằng, những việc như thế này sẽ trở nên rất quan trọng khi Việt Nam tiến hành đàm phán vượt qua các rào cản cuối cùng để ra nhập WTO, nhất là các cuộc thương thảo chủ chốt với Mỹ, trước Hội nghị vào tháng 11 tới.
"Việt Nam đang thu hút sự chú ý từ các thành viên APEC và những nước khác trên thế giới. Và tôi nghĩ, nếu Việt Nam không trở thành thành viên của WTO vào thời điểm đó sẽ là một việc rất xấu hổ đối với tất cả chúng ta"
-
Thanh Bình - (Theo AFP Business)