"Lang thang trên các đường phố Hà Nội, bạn sẽ không thể tìm thấy một nhà hàng McDonald hoặc Starbucks. Nhưng, đó không phải là dấu hiệu Việt Nam không sẵn sàng cho toàn cầu hoá. Ngược lại, đó là lý do để lạc quan." Nhận định của William Pesek Jr. từ Bloomberg News
Hà Nội đang đổi thay từng ngày. |
Hơn nữa, ngày càng nhiều nhà đầu tư coi Việt Nam như một cơ hội để đa dạng hoá tại châu Á.
Tốc độ tăng trưởng năm ngoái đạt 8,4% và thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi so với năm 1996, đó là lý do thế giới đang hướng chú ý tới Việt Nam. Việc mở cửa từ từ nền kinh tế 45 tỷ USD này đang làm hạn chế khả năng tận dụng quốc gia 84 triệu người đang giàu lên, nhưng điều đó cũng tốt.
Tại Washington, cụm từ ''dần dần'' là không được tốt lắm. Chính xác một thập kỷ qua, các quan chức ở Washington lập luận rằng, nhanh chóng tiếp nhận thương mại tự do, bãi bỏ quy định và tư nhân hoá là ''đơn thuốc tuyệt nhất'' cho thành công.
Việt Nam tiếp nhận theo cách khác. Chẳng có gì phải nghi ngờ, sinh khí trên các đường phố Việt Nam là minh chứng cho thấy, đất nước này đang khao khát ''sự thịnh vượng toàn cầu''. Hỏi những người bán hàng rong trên đường phố liệu họ có muốn kiếm lời từ dòng chuyển ngày càng gia tăng của vốn, hàng hoá và con người, họ sẽ trả lời bạn ngay rằng ''CÓ''.
Họ muốn toàn cầu hoá, nhưng không phải theo cách mà KFC có mặt ở mọi ngóc ngách. Đó không phải là một quan điểm bài phương Tây, đơn giản chỉ bởi Việt Nam nên vẫn là Việt Nam khi mở cửa ra thế giới.
''Không có gì phải nghi ngờ về con đường mà chúng tôi đang theo, nhưng chúng tôi làm theo cách riêng của chúng tôi'', Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết.
Việt Nam cần nhanh chóng hạ thấp hơn nữa các rào cản thương mại và giảm chi phí sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh. Việt Nam vẫn chậm hiện đại hoá doanh nghiệp nhà nước và tăng cường hệ thống tài chính...
Khi các nước như Indonesia và Argentina nghiêm túc học những gì đã nói ở Washington và gặp rủi ro. Những nước như vậy đã trở thành ''tấm gương cảnh giác'' cho các nước đang ''lao vào'' thương mại tự do và đang bị các thị trường chế ngự. Họ đang thất vọng bởi thiếu đầu tư dài hại. Khi các nước này ''ngập'' trong tiền nước ngoài, nạn tham nhũng thường hoành hành.
Những kinh nghiệm trên cho thấy lý do Việt Nam đang nắm được thời cơ của mình. Việt Nam muốn tránh tình trạng ''booms and busts'' - nền kinh tế bong bóng - như nhiều nước châu Á từng trải qua trong 20 năm qua. Nếu chiến lược ''chậm chắc'' phát huy hiệu quả - và cho đến nay thì nó đang phát huy hiệu quả - thì nó sẽ trở thành mô hình mà các nước đang phát triển tìm kiếm trong nhiều thập kỷ qua. Như vậy, có thể sẽ chẳng có nhiều những cuộc tranh cãi về một mô hình cân bằng hơn, bền vững hơn.
Việt Nam hy vọng sẽ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong năm nay. Được vậy, Việt Nam sẽ thu hút nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn. Tư cách thành viên WTO là ''con dấu phê chuẩn'' cho các nước phát triển cũng như cho một ''Con ngựa thành Troa về kinh tế''.
Một mặt, đó là dấu hiệu cho thất một quốc gia đang vận động hướng tới những tiêu chuẩn quốc tế về thương mại, lao động và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Mặt khác, WTO trao cho một quốc gia như Việt Nam một vỏ bọc chính trị để tiếp nhận cạnh tranh từ nước ngoài hoặc bán các tài sản nhà nước. Thoả thuận gia nhập WTO giữ Mỹ và Việt Nam sẽ sớm được thông qua trong năm nay. Đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, thâm nhập sâu hơn vào nền kinh tế lớn nhất này là một việc rất quan trọng.
Điều đặc biệt ở Việt Nam chính là có một quỹ đạo rõ ràng. Có bao nhiêu nước nghèo sẽ trở nên thịnh vượng trong một hoặc hai thập kỷ? Trong một danh sách như vậy, Việt Nam chắc chắn đứng đầu.
Việt Nam đặt mục tiêu duy trì mức tăng trưởng hơn 8% nhằm đẩy mức thu nhập bình quân đầu người lên 1.000 USD đến năm 2010 và phấn đầu ra khỏi danh sách các nước kém phát triển của thế giới. Việt Nam đang có cơ hội, và sẽ thành công.
Có thể nhiều người sẽ đưa cả Trung Quốc vào, nhưng Trung Quốc đang gặp phải nhiều thách thức mà Việt Nam không phải đối mặt. Việt Nam không phải tạo ra hàng trăm triệu việc làm để duy trì ổn định xã hội. Hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng không bị ''trói'' bởi các khoản nợ xấu. Thực trạng dân số đang già đi của Trung Quốc cũng đang đặt ra vấn đề về liệu người dân nước này có trở nên giàu có đủ nhanh hay không.
Quy mô là một sự khác biệt quan trọng. Về dân số, Trung Quốc nhiều gấp 17 lần so với Việt Nam. Điều này lý giải tại sao các chủ doanh nghiệp trên toàn thế giới muốn thiết lập quan hệ buôn bán tại trị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nhà đầu tư xem Việt Nam là cơ hội để đa dạng hóa hoạt động tại châu Á. Nike là một ví dụ điển hình.
"Chúng tôi nhìn thấy ở Việt Nam có rất nhiều tiềm năng - thách thức không ít nhưng tiềm năng cũng rất nhiều", Amanda Tucker, Tổng Giám đốc Nike Việt Nam nói.
-
Trần Kiên (theo William Pesek Jr. Bloomberg News)
Tin liên quan: