,
221
444
Thể thao
thethao
/thethao/
1290851
Hà Lan: “Lốc” không còn, giờ là “gió độc”
1
Article
null
,

Hà Lan: “Lốc” không còn, giờ là “gió độc”

Cập nhật lúc 08:46, Thứ Ba, 06/07/2010 (GMT+7)
,
Có lẽ HLV huyền thoại Rinus Michels, người sáng tạo ra lối chơi tấn công tổng lực của “cơn lốc màu da cam” trong thập niên 70 thế kỉ trước cũng phải chạnh lòng khi nhìn thế hệ con cháu đã phá vỡ đi những nét tinh hoa của cha ông. Nhưng nếu vì điều tưởng như tồi tệ đó, Hà Lan có thể lần đầu tiên bước lên ngôi vô địch thế giới thì hẳn Michels cũng sẽ hiểu cái giá phải trả cho vinh quang cũng đáng lắm chứ sao!

TIN LIÊN QUAN

/chuyenmuc/quangcao/2010/images/vnnmobiad.gif

 Hà Lan xưa…

World Cup 1974 tại Đức, Hà Lan dưới sự chỉ đạo của Rinus Michels cùng đội hình của hàng loạt những ngôi sao tấn công thượng thặng như Johan Cruijff, Rob Rensenbrink… đã làm nao lòng cả thế giới với lối chơi tấn công tổng lực đẹp mắt. Và dù thất bại trước đội chủ nhà Tây Đức đầy toan tính và thực dụng với “sát thủ” Gerd Muller và “hoàng đế” Franz Beckenbauer nhưng Hà Lan ngày đó vẫn được tôn vinh như đội bóng cống hiến bậc nhất thế giới. Từ cái nền của Rinus Michels, HLV người Áo, Ernst Happel tiếp tục đưa “cơn lốc màu da cam” tới chung kết World Cup 1978 tại Argentina. Vẫn còn đó những nét hào hoa dù trong đội hình không còn người đội trưởng xuất sắc Johan Cruijff nhưng Hà Lan vẫn là một trong những đội bóng đáng xem nhất thế giới lúc bấy giờ. Mỗi khi “cơn lốc màu da cam” xuất trận, NHM luôn cảm thấy một không khí bữa tiệc no nê bàn thắng chuẩn bị sắp bắt đầu. Nhưng có lẽ những kẻ hết mình cho cái đẹp thường có cái kết đáng tiếc, giống như thất bại của Hà Lan trước Argentina trong trận đấu cuối cùng, một cái “chết” mà dường như chỉ bởi vì Argentina có “siêu nhân” Mario Kempes. Hà Lan từ đó đã được coi là kẻ chiến bại nhất.
Mô tả ảnh.
Hà Lan thời nay đã khác xưa rất nhiều


Cho tới cuối thập niên 80, khi những “người Hà Lan bay” trở lại cùng bộ 3 xuất chúng Marco van Basten, Ruud Gullit, Frank Rijkaard, NHM lại kỳ vọng sẽ thấy lại ánh hào quang ngày nào cho “cơn lốc màu da cam”. Đỉnh cao là chức vô địch Châu Âu năm 1988 đã giúp Hà Lan trở thành ƯCV sáng giá tại World Cup 1990 tại Italia, đó cũng là lần trở lại đấu trường World Cup sau 2 kỳ liên tiếp không vượt qua vòng loại. Nhưng số phận trớ trêu lại khiến Hà Lan thất bại trước ĐT Tây Đức (đội sau đó đã lên ngôi vô địch) ở vòng 16 đội và đó là dấu chấm hết cho thế hệ tài năng thứ 2 của bóng đá Hà Lan. Ngay cả sau này, dù có những ngôi sao mới như Dennis Bergkamp, anh em nhà De Boer, Ruud van Nistelrooy… nhưng cái dớp “thất bại” vẫn gắn liền với đội bóng màu cam tại bất kỳ giải đấu nào. Đã có lúc, CĐV Hà Lan tự hỏi vì sao họ sống chết cho lối chơi tấn công quyến rũ nhưng cuối cùng kết quả vẫn là số 0 tròn trĩnh sau bao năm trời?

… và nay.

HLV Bert van Marwijk có lẽ sẽ là người trả lời câu hỏi đó nếu như Hà Lan lên ngôi tại World Cup 2010 tại Nam Phi. Không còn thứ bóng đá tấn công mê hoặc, cũng chẳng còn mấy những nét của “cơn lốc màu da cam” có thể cuốn phăng mọi vật cản. Hà Lan giờ là đội bóng biết mình biết người, khi nhu khi cương với từng đối thủ mạnh hay yếu. Đi một mạch tới bán kết World Cup 2010 với thành tích là đội duy nhất toàn thắng, tất cả đều không bắt nguồn từ “cơn lốc màu da cam” như năm nào mà giờ đã trở thành cơn “gió độc” hạ gục từng đối thủ, kể cả đó có là ĐT Brazil hùng mạnh chăng nữa.

Cái cách Hà Lan đánh bại Đan Mạch, Nhật Bản, Cameroon tại vòng bảng sẽ không khỏi khiến những huyền thoại Michels, Cruijff hài lòng nếu trong tâm tưởng họ vẫn mong muốn thế hệ đi sau tiếp nối truyền thống của người đi trước. Hà Lan giờ chơi tấn công vừa đủ để kết liễu đối thủ và biết bảo vệ thành quả đã có được. Thậm chí trước đối thủ lính mới tò te như Slovakia tại vòng 1/8, Hà Lan đã trở nên “xù xì” đáng sợ sau khi có 1 bàn thắng dẫn trước. Thật khó để nói đó là “cơn lốc màu da cam” nếu như biệt danh đó không gắn với họ nhờ những gì quá khứ đã làm được, còn giờ với HLV Van Marwijk, chiến thắng mới là điều tiên quyết của trận đấu.
Mô tả ảnh.
Chiến thắng mới là tất cả

Có phải vì vậy mà Hà Lan đã vượt qua “cửa tử” Brazil tại vòng tứ kết? Liệu bóng đá tổng lực ngày nào có còn xuất hiện trong những pha đi bóng trêu ngươi đối phương của Arjen Robben chỉ hòng mong đối phương phát khùng và mất kiểm soát (như chiếc thẻ đỏ của Felipe Melo)? Hay tấn công run rẩy như kiểu 3 cầu thủ đối mặt với khung thành chỉ còn thủ môn cũng không biết làm sao đưa bóng vào lưới? Nhưng bỏ mặc tất cả, đơn giản là kết quả cuối cùng, Hà Lan vẫn thắng và biết cách vượt qua đối thủ bằng mọi giá. Liệu nếu vẫn là một Hà Lan thuần túy bay bổng như trước, họ có thể khuất phục nổi những người Brazil trội hơn về con người và lối chơi trong cả trận đấu?

Có thể sẽ có nhiều người chỉ trích Marwijk đã thay đổi cả hình ảnh Hà Lan tươi đẹp xưa kia bằng một đội bóng mới, suy nghĩ mới và cách chơi mới. Nhưng nên nhớ, Hà Lan của 40 năm về trước luôn được tôn sùng bởi sự cống hiến đến mê hồn nhưng lại tức tưởi mỗi khi thua trận trong những thời khắc cuối cùng trên đỉnh vinh quang. Còn hiện tại, Hà Lan của Marwijk vẫn đang tiến dần tới những bậc thang tới ngưỡng cửa vinh quang, không đẹp đẽ hào nhoáng trong lối chơi, nhưng phải chăng chiếc cúp vàng mới là điều hết thảy người hâm mộ mong muốn đó sao? Mà để làm được điều đó, đôi khi người ta sẽ phải từ bỏ những giá trị truyền thống đã thất bại không chỉ một lần.

(Theo 24h.com.vn)
,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,