Hồn Catalan trong màu đỏ Tây Ban Nha
Thành Lương
BBCVietnamese.com
Tôi không phải là một cổ động viên truyền thống, trung thành của đội tuyển Tây Ban Nha.
Những đội bóng mà tôi yêu thích, lần lượt là Anh, Argentina và Brazil. Người đọc có thể dễ dàng nhận thấy sự hời hợt trong cách yêu quý và ủng hộ một đội bóng nào đó của tôi - đơn giản, cả ba đội bóng đó đều thiên về lối chơi đẹp, hoặc chí ít cũng là có truyền thống chơi đẹp.
Và cũng phải thú thực, cứ đội bóng nào nhận được sự ưu ái của tôi cũng lần lượt ngậm ngùi rời World Cup.
Bởi thế, khi tuyển Anh và Argentina nối gót bị loại bởi tuyển Đức, gồm Joachim Loew và "một lũ trẻ" (như cách Alan Hansen nói về Alex Ferguson và Manchester United trong mùa giải 1995- 96), tôi buộc phải lựa chọn Tây Ban Nha - đại diện cuối cùng, duy nhất và tuyệt đối trung thành với lối chơi bóng nghệ thuật.
Và tôi, hay bất kỳ cổ động viên bóng đá nào trên thế giới, chắc hẳn cũng đều cảm thấy mãn nhãn với màn trình diễn của các cầu thủ Tây Ban Nha.
Và nếu ai đó thích màu mè hoa lá, "mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây", có thể ví những pha phối hợp đan bóng của Tây Ban Nha xuyên qua lại giữa các cầu thủ Đức như thêu hoa dệt gấm, rằng họ đã chơi thứ bóng đá đầy đam mê và quyến rũ như chính vũ điệu Flamenco bốc lửa trên bán đảo Iberia luôn ngập ánh nắng vàng ruộm mật ong.
Nói không ngoa, đó là thứ bóng đá trên thiên đường.
Từng pha chạm bóng, mỗi đường chuyền, một pha phối hợp, thêm tình huống hỗ trợ tấn công, tất cả hòa quyện trong một khối thống nhất, khiến người ta chỉ có thể cảm tưởng rằng trái bóng đã hoàn toàn tuân phục đôi chân cầu thủ.
Vậy thì, có khác gì võ sĩ đấu bò tót đang dập dờn chiếc khăn đỏ, uyển chuyển uốn cong thân mình, cuốn đôi sừng bò theo một quỹ đạo vòng tròn khiến cho cú đâm kiếm tiếp theo chợt mang tinh thần "Đạo", dưới cách nhìn của người phương Đông.
Đêm qua, các cầu thủ Tây Ban Nha thực sự đã tiến gần đến tinh thần ấy.
Bởi, nỗ lực chơi bóng theo phong cách phản công thường thấy của tuyển Đức chỉ càng tô điểm đậm nét hơn cho sự thống trị hoàn toàn từng mét sân đấu, kiểm soát nhịp điệu chơi bóng của tuyển Tây Ban Nha.
Mỗi lần giành được bóng và tổ chức phản công, các cầu thủ Đức như người leo núi ngày một hụt hơi.
Nói một cách hình tượng, tuyển Đức đã leo từng tầng nấc thăng hoa về cảm xúc thi đấu qua chiến thắng 4-1 trước Anh, và 4-0 khi chạm trán Argentina. Và bây giờ họ rơi vào cảnh "tên bay hết đà".
Đội tuyển Tây Ban Nha đã viết nên một trang sử với việc giành suất vào bán kết. Họ còn có thể nối dài chương sử chói lọi ấy hơn, nếu giành được World Cup.
Đêm qua, hoàng hậu Tây Ban Nha đã không thể giữ được vẻ trang nghiêm của một thành viên Hoàng gia khi chứng kiến tuyển Tây Ban Nha ghi bàn thắng, đứng bật dậy nở nụ cười thật tươi, tay vỗ vào nhau liên tục như mất đi quyền kiểm soát thân thể.
Tôi tò mò muốn biết liệu bà có nở nụ cười thật tươi như khi đứng trên khán đài khi thấy báo chí Tây Ban Nha chơi chữ: "King Carles!", phiên ra từ tên gọi đầy đủ của vua Juan Carlos?
Tôi cũng khao khát muốn biết cảm xúc của một người dân Tây Ban Nha, bất kể là người Madrid, hay xứ Catalan, hay xứ Basque, hay xứ Navarro…, như thế nào khi chứng kiến vị thủ lĩnh đội bóng Catalan đánh đầu ghi bàn, nghẹn ngào hôn lên tấm quốc huy in trên ngực áo Đỏ?
Trước đó, tôi đã đọc được cảm xúc của họ khi Tây Ban Nha thất bại trước Thụy Sĩ - mối nghi ngờ về việc các cầu thủ xứ Catalan đã và sẽ không chịu chơi hết mình vì chiến thắng của Tây Ban Nha thống nhất.
Tôi vẫn luôn tin rằng, thể thao có đất cho mầm chính trị nảy nở.
Nhưng tôi nghi ngờ ý tưởng rằng vào thời điểm bay người đánh đầu tung lưới Manuel Neuer, Carles Puyol có nghĩ tới cuộc đấu tranh đòi ly khai của xứ Catalan hay xứ Basque?
Vicente Del Bosque có thể từng bị chê là "gã nhà quê" khi còn dẫn dắt đội bóng hào nhoáng Real Madrid. Nhưng có một sự thật không thể phủ nhận, nếu vương miện Champions League là thước đo sự thành công của một HLV, Del Bosque chính là người như thế.
Người ta sẽ nhìn Del Bosque bằng con mắt kính nể hơn khi nghe được nhận xét của Joachim Loew: "Tây Ban Nha thắng nhờ nhân tố Barcelona".
Thì đó, ở mỗi tuyến, mỗi vị trí then chốt của đội tuyển Tây Ban Nha đều có sự đóng góp của các cầu thủ Barcelona, đa phần xuất thân từ xứ Catalan.
Del Bosque khiêm tốn cho rằng chiến thắng trước tuyển Đức chưa nói lên điều gì về sức mạnh của Tây Ban Nha.
Đúng. Tây Ban Nha cũng như Hà Lan đang đứng trước một cơ hội lịch sử đối với nền bóng đá mỗi nước: lần đầu tiên vô địch World Cup.
Tây Ban Nha hay Hà Lan đều đại diện tiêu biểu cho trường phái bóng đá đẹp mắt, dù Hà Lan không còn "phiêu" như thời Rinus Michels hay Johan Cruyff.
Chiến thắng và vinh quang dành cho bất kỳ đội bóng nào cũng là sự khẳng định mạnh mẽ cho niềm khao khát hướng tới cái Đẹp trong một kỳ World Cup sôi động bậc nhất từ trước đến nay.
Ngày hội sắp tàn. Giấc mơ sắp kết thúc. Đẹp làm sao!