Kỳ 1: Bóng đá của những kẻ bệnh hoạn
- Vài ngày trước, trận đấu giữa Italia và Serbia đã phải dừng lại chỉ sau 6 phút, bởi một cuộc náo loạn đã diễn ra trên khu vực khán đài dành cho CĐV đội khách ở sân Marassi.
Đội ngũ trọng tài đã cho trận đấu dừng lại hơn 35 phút để các nhân viên an ninh làm nhiệm vụ, nhưng tình trạng náo loạn không thể dập tắt. Trận đấu sau đó không thể tiếp tục, và bóng đá một lần nữa phải chịu thua trước những kẻ quá khích.
Thể thao VietNamNet có cái nhìn toàn cảnh về vấn nạn bạo lực trong bóng đá mà Hooligan tạo ra.
KỲ 1: BÓNG ĐÁ CỦA NHỮNG KẺ BỆNH HOẠN
Bóng đá chưa bao giờ thôi quyến rũ, và trên thế giới không một môn thể thao nào có sức hút lớn hơn thế. Bóng đá gắn liền với tình yêu và hòa bình, là công cụ đưa thế giới lại gần bên nhau. Thế nhưng, bên cạnh đó, có những kẻ sử dụng bóng đá cho mục đích bẩn thỉu và bệnh hoạn của chúng, đi ngược với tinh thần Fair-play.
Vẻ đẹp của bóng đá luôn bị vấy bẩn bởi Hooligan. Ảnh: AP |
Từ nhiều thế kỷ trước, bóng đá cổ đại (có nhiều điểm tương đồng bóng đá hiện đại) đã tạo được điểm nhấn trong từng thời kỳ xã hội.
Từ Trung Quốc đến La Mã, bóng đá cổ đại được xem như một thứ tiêu khiển thú vị sau những cuộc chiến mệt mỏi về thể xác lẫn tinh thần.
Chỉ là trò tiêu khiển, nhưng khi máu ăn thua nổi lên, những rắc rối bắt đầu xuất hiện giữa những người tham gia cuộc chơi, lẫn khán giả theo dõi.
Một số nghiên cứu và tài liệu của FIFA cho thấy, không ít cuộc ẩu đả liên quan đến bóng đá đã xuất hiện từ rất lâu.
Khi xã hội càng phát triển, con người từng bước tiếp xúc với những thứ hiện đại hơn, bóng đá cũng thay đổi theo. Tất nhiên, những rắc rối liên quan đến bóng đá cũng tiến lên mức báo động cao hơn, từ tranh cãi ban đầu đến những cuộc ẩu đả có số lượng lớn tham gia.
Các trận đấu luôn phải đối mặt với nạn Hooligan. Ảnh: AP |
Khi mà người Anh giúp bóng đá trở nên phổ biến hơn, từ thế kỷ XIX, với luật chơi rõ ràng và có những CLB cụ thể chứ không còn chơi tự phát, môn thể thao này bắt đầu rẽ sang một hướng mới.
Bóng đá trở thành một cuộc thi đấu chính thức, và nhanh chóng lan rộng khắp thế giới. Dù các CLB chỉ là nghiệp dư, và cầu thủ không nghĩ bóng đá là cái nghiệp, sức hút của nó vẫn rất lớn. Có thể xem chính sự thay đổi từ những trường học Anh quốc đã giúp bóng đá có được vị thế như hiện nay.
Nhưng sự ra đời của bóng đá hiện đại cũng kéo theo rắc rối lớn hơn. Lịch sử bóng đá thế giới ghi nhận, ngay từ những năm 80 của thế kỷ XIX, những trận đấu bóng đá ở Vương quốc Anh đã bị vấy bẩn bởi nạn bạo lực (vượt xa những ẩu đả trước kia).
Preston North End trở thành CLB nổi tiếng khi ấy bởi các CĐV gồm phần lớn là những kẻ mang tư tưởng bạo lực, và là nỗi khiếp đảm cho CĐV các đội khác.
Những Hooligan thời hiện đại đã làm gì? Chúng cố gắng tạo sự ảnh hưởng của mình vào các trận đấu khi liên tục buồng lời hăm dọa người khác. Chúng tìm cách tấn công CĐV cũng như cầu thủ đối phương, và tất nhiên cũng không bỏ qua trọng tài.
Sau khi xuất hiện ở Anh, nạn bạo lực trong và ngoài sân cỏ bắt đầu xuất hiện ở những khu vực khác. Từ Pháp (được gọi là ultra-royalistes) đến Italia (ultras), và một loạt các nước Nam Âu. Nam Mỹ cũng không tránh khỏi cơn bão Hooligan.
Trận Italia - Serbia đã bị các Hooligan của đội khách phá hỏng. Ảnh: Getty Images |
Hooligan nhanh chóng trở thành vấn nạn của bóng đá thế giới, và mức độ nghiêm trọng nhất là ở Anh quốc. Những trận đấu ở Anh từ thập niên 1950, đặc biệt là các trận derby, luôn chứa mùi bạo lực.
Trong thập niên 1960, người ta thống kê dựa vào số liệu báo cáo của cảnh sát cho thấy, trung bình mỗi năm có 25 người bị thương bởi nạn Hooligan. Đây là thời kỳ mà vấn nạn Hooligan phát triển mạnh mẽ, để rồi sau đó nổ ra thảm kịch kinh hoàng Heysel.
Thảm kịch Heysel (1985) là một vết nhơ trong lịch sử bóng đá Anh, châu Âu và thế giới. Jacques Georges, Chủ tịch UEFA khi ấy, đã thốt lên: "Những kẻ bệnh hoạn đang muốn biến bóng đá thành cuộc chơi của chúng.
Nhưng chúng ta sẽ không để chúng đạt được mục đích. Bóng đá bị tổn thương sau vụ này, nhưng điều đó chỉ làm chúng ta thêm đoàn kết để đẩy lùi bạo lực".
Hooligan xuất hiện từ đâu? Năm 1898, cảnh sát London báo cáo về vụ việc một người Ireland, Patrick Hooligan, có những hành vi quậy phá khắp nơi. Patrick Hooligan gây không ít cuộc bạo động, khiến một cảnh sát bị chết. Từ đó, người ta dùng họ của Patrick để chỉ những trò quậy phá của những kẻ quá khích, chứ không riêng bóng đá. Sau này, khi nạn Hooligan phát triển mạnh, người ta thường dùng thuật ngữ riêng. Trong đó, những kẻ quá khích trong bóng đá thường được hiểu là "Football Hooliganism" |
Kỳ 2: Đi tìm động cơ của Hooligan
-
N.H