,
221
10782
Bình Luận Thể Thao
binhluanthethao
/thethao/binhluanthethao/
1237798
Thể Công, lời giã biệt...
0
Article
444
Thể thao
thethao
/thethao/
,

Thể Công, lời giã biệt...

Cập nhật lúc 12:17, Thứ Hai, 28/09/2009 (GMT+7)
,

- Phiên hiệu 55 tuổi, truyền thống nhất và lẫy lừng nhất còn sót lại của bóng đá Việt Nam đã chính thức xoá sổ. Người ta "khai tử" cái tên Thể Công như một cách "gạn đục khơi trong" lịch sử, nhưng...

>> Rối bời chuyện "mất tên" Thể Công

1. Xoá tên Thể Công, không ai khác, chính là người đã khai sinh ra nó- Bộ Quốc phòng.

Chẳng có người cha nào lại muốn từ con. Họ chỉ làm việc ấy khi đứa con không thể chấp nhận nổi, xét về luân thường đạo lý.

Ở góc độ bóng đá, Bộ Quốc phòng cũng đã làm tất cả để chăm bẵm Thể Công. Thể Công 2009 là một Thể Công được chăm bẵm tốt nhất, được tạo cơ chế thoáng nhất, nhưng thành tích lại nghèo nàn nhất (chỉ khá hơn tí chút so với mùa 2004 xuống hạng).

Thể Công vui. Ảnh: Đức Anh
Xoá tên Thể Công, một cách để bảo lưu truyền thống và bảo toàn "danh tiết"? Ảnh: Đức Anh

Nhưng nếu so sánh 2 mùa bóng với nhau thì rõ ràng Thể Công 2004 còn dễ chấp nhận hơn Thể Công 2009.

Thể Công 2004 rớt hạng là vì họ quá cũ, quá khe khắt và lạc lõng. Còn Thể Công cách đây chưa đầy 2 tháng vừa giàu có vừa cấp tiến, thế mà vẫn không thể ngẩng đầu lên.

Xoá tên Thể Công cũng có nghĩa là xoá sổ tất cả những ấn tượng xấu xí của một mùa giải mà Thể Công ôm mộng hoá thiên nga nhưng rốt cuộc vẫn chỉ khoác bộ cánh vịt giời.

Với cú "khai đao" gây sốc cho cả một nền bóng đá, Bộ Quốc phòng muốn lưu giữ lại vĩnh viễn trong tủ kính một Thể Công 5 lần vô địch quốc gia, 1 lần đoạt cúp QG, và có chăng, những ấn tượng cuối cùng về họ chỉ là chức vô địch hạng Nhất 2007 và một vài điểm sáng ở V-League 2008. Thế thôi!

2. Phá đi thì dễ, nhưng dựng lên mới khó.

5 năm trước, Thể Công hứng chịu nỗi hổ thẹn lớn nhất trong lịch sử CLB khi phải xuống hạng đúng kỷ niệm 50 năm thành lập. Nhưng xuống hạng thì vẫn còn đó Thể Công.

Thể Công. Ảnh: Đức Anh
Lá cờ này sang năm sẽ in chữ gì? Ảnh: Đức Anh

Ngày hôm qua, Thể Công không xuống hạng, vậy mà những người yêu Thể Công lại bị giáng một đòn chí tử. Sang năm, vẫn là cái đội bóng ấy đá V-League, nhưng Thể Công thì đã chết.

Khoá sổ lại 55 hào hùng, cũng có nghĩa là phải mở ra một trang mới cho hiện tại. Hiện tại ấy có thể mang tên Trung tâm bóng đá Viettel hoặc X, Y, Z nào đó bất kỳ, không sao cả, cũng không ảnh hưởng đến cục diện gì của V-League cả.

Cũng như Vissai Ninh Bình hay T&T HN... những người bắt đầu xây dựng cho mình nền móng đầu tiên. Họ vẫn sống tốt đó thôi...

Chỉ có những CĐV bóng đá chân chính là mất đi một góc ở trong lòng.

Tôi không thể tìm thấy cô gái tật nguyền hay mặc áo Đức Thắng, ôm chữ ký Hồng Sơn và quấn trên đầu chiếc khăn màu đỏ in biểu tượng Thể Công đứng rụt rè sau hàng cây trong sân Nhổn. 

Thể Công ở đâu là có cô ở đó, hình ảnh quen thuộc đến mức nhiều người khác chẳng thể nhận ra.

Tôi chỉ băn khoăn tự hỏi, liệu cô ấy có biết buồn không? Một người không may mắn, chỉ sống bằng hoài niệm chứ không còn mối liên hệ gì với hiện tại và tương lai, có lẽ cô là người duy nhất vẫn gọi tên Thể Công trong mùa giải mới.

3. Thể Công chưa hội quân, nhưng quân cũ Thể Công thì đã họp.

Chiều hôm qua (Chủ nhật), những người chính gốc Thể Công từ khắp các phương trời đã tụ lại làm một trận bóng ra trò, dù chỉ là bóng "phủi".

GĐ ĐH Hồ Tri Liêm. Ảnh: Đức Anh
Ông Liêm - Chủ tịch, GĐĐH CLB, không phải dân bóng đá gốc, và bị coi là một trong những nhân tố làm Thể Công suy yếu. Ảnh: Đức Anh

Họ lại râm ran gọi nhau bằng những cái tên thân mật như ngày nào, những Hải "kình" (Thanh Hải), Tuấn "hoà bình" (Anh Tuấn), Đông "sầm" (Duy Đông)... Họ ra sân và chơi bóng, như một niềm vui, như một cách kỷ niệm ngày truyền thống bình dị và thân thuộc.

Với họ, Thể Công vẫn mãi là Thể Công. Và với những lứa cầu thủ đã già, như Cao Cường, Thế Anh, Phan Văn Mỵ hay Vương Tiến Dũng, cũng chỉ là một cái tên Thể Công, không thể khác.

"Tướng" Dũng, người đã rời khỏi con tàu đắm Thể Công giữa mùa bóng vừa qua, nhìn lại tổ ấm của mình mà không khỏi xót xa. Mất đi một cái tên cũng là mất đi một mái nhà, nhưng những giá trị còn đọng lại trong tiềm thức của thế hệ ông và những thế hệ trẻ hơn ông mới là quan trọng nhất.

"Cái tên Thể Công có thể còn, có thể mất. Trong quá khứ cũng đã có những lần đổi tên như thế. Nhưng ký ức về Thể Công thì bất diệt" - vị tướng già khẳng định.

4. Khi mà người ta mới chỉ xoá tên Thể Công mà chưa đặt được cho nó một cái tên tương xứng, thì đành phải tạm gọi nó là "cái xác của Thể Công".

Cái xác ấy đang đứng trước một cuộc bể dâu và đối mặt thực sự với nguy cơ rã đám. Cho đến thời điểm này, rất nhiều cầu thủ đã buộc phải tính cho mình những điểm đến của tương lai.

Sẽ không còn 75 tỉ rót như mưa kiểu 2009. Sẽ không còn ông bầu Liêm tới tấp mua hàng hiệu về rồi bỏ xó, như Mai Xuân Hợp... "Cái xác của Thể Công" sẽ phải tiêu xài tùng tiệm và lực lượng "chảy ra" nhiều hơn là "chảy vào".

Phước Tứ. Ảnh: Đức Anh
Nếu Thể Công rã đám, Phước Tứ (đỏ) sẽ được săn đuổi ráo riết ngay lập tức. Ảnh: Đức Anh

Những nhân tố chủ chốt của Thể Công giờ lại đang trở thành hàng "hot" trên thị trường chuyển nhượng - tất nhiên là mới trong toan tính.

Phước Tứ đang được Đà Nẵng nhắm sẵn. Anh Tuấn cũng có thể đi. Mạnh Dũng tính cửa quay về HP.HN. Công Huy đá hộ U-21 Bình Dương đang có giá, và chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu đội lớn Bình Dương đặt vấn đề...

Vị trí HLV cũng đang bỏ khuyết. Ông Lê Thuỵ Hải để lại một chiếc ghế quá nhiều "xương" mà có lẽ chỉ những ai bị ấn vào thì mới buộc phải ngồi.

Hôm nay, Thể Công sẽ tập trung trở lại. Nhưng chủ đề chính không phải là chuyện "cơm gà cá gỏi" như năm ngoái, mà có lẽ sẽ là đá bằng cái gì và tiêu tiền của ai trong mùa tới...

  • Anh Đức

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,