Samuel Eto’o, 'báo đen' mở đường...
- Cùng Barcelona chơi trận chung kết Champions League thứ hai trong sự nghiệp, Samuel Eto’o đều thể hiện bản năng săn bàn ấn tượng để đưa đội nhà lên đỉnh vinh quang. Từ Paris đến Roma, sau Arsenal với Almunia là Manchester United với van der Sar trong khung thành, tất cả đều trở thành nạn nhân của "báo đen".
>> Đội hình trong mơ Champions League 2008/09
>> Phía sau trận chiến ở thành La Mã
>> ’Đêm tuyệt vời’ Barca nhuốm bạo lực, bắt bớ>> Barca, trên những trái tim dũng cảm
>> Guardiola tiết lộ "tuyệt chiêu" đánh bại M.U
>> Cristiano Ronaldo lại ỡm ờ về tương lai
>> Nỗi buồn tê tái "Quỷ đỏ Manchester"
>> Chấm điểm Barca - M.U: Vinh danh Xavi & Iniesta
>> Ferguson: "Đội mạnh hơn đã thắng"
>> Barca rạng rỡ trong đêm đăng quang
>> Thắng tuyệt đối, Barca trở thành vua châu Âu
Từ Paris đến Roma
Không một chút dấu ấn nào, ngoại trừ cú sút trúng cột dọc từ nỗ lực đột phá của Ronaldinho, Samuel Eto’o đã vật vờ trong hơn 70 phút đầu của trận chung kết. Đến phút 76, sau rất nhiều pha tấn công với điểm đến cuối cùng của bóng là đôi tay Almunia hoặc phía sau khung thành, bất ngờ đã xảy ra.
Cùng Barca đá hai trận chung kết Champions League, Eto’o đều ghi bàn để giúp đội nhà chiến thắng. Ảnh: Getty Images |
Ở vị trí sát đường biên dọc bên cánh trái, Eto’o đẩy ngược bóng về cho Larsson đang di chuyển lên nơi trung lộ. Tiếp theo là pha di chuyển hệt như một mũi tên vào vòng cấm để nhận lại bóng từ Larsson, trước khi hạ Almunia bằng cú sút kỹ thuật ở góc hẹp. Hôm ấy là ngày 17/5/2006, Barca đánh bại Arsenal 2-1.
3 năm 10 ngày sau khi làm nổ tung Stade de France, Eto’o lại có dịp để khiến các CĐV phải hét vang tên anh trên khán đài sân Olimpico của thủ đô Roma. Không còn Larsson, nhưng Iniesta đã có đường chuyền hoàn hảo không kém đàn anh người Thụy Điển ngày nào, để Eto’o vượt qua Vidic và ung dung hạ Van der Sar.
Nếu như Eto’o cần đến 76 phút để chọc thủng lưới Arsenal trong thế trận Barca hơn người, thì đêm 27/5 anh chỉ mất đúng 10 phút để buộc mành lưới M.U phải rung lên. Có một điểm giống nhau giữa hai trận chung kết này: Eto’o không phải cá nhân nổi bật, nhưng chính anh là người mang đến sự khác biệt.
Cả hai bàn thắng của Eto’o đều có tính chất rất quan trọng để đưa Barca đến với vinh quang. Trước Arsenal, "báo đen" trở thành nhân tố khởi đầu cho cuộc lội ngược dòng. Tại Roma, pha dứt điểm của tiền đạo người Cameroon đã đưa Barca từ thế trận phòng ngự trở lại với lối tấn công quen thuộc.
Nếu nhìn nhận một cách khách quan trong trận chung kết ở Roma, Eto’o chỉ thực sự nổi bật với bàn thắng mở tỉ số, và toàn bộ thời gian còn lại anh "nhường chỗ" cho các đồng đội thể hiện mình. Nhưng không cần nhiều, Barca chỉ cần một phút lóe sáng của Eto’o thôi, đã là quá đủ để hoàn thành giấc mơ.
Nụ cười rạng rỡ của Eto’o với danh hiệu VĐ Champions League thứ hai trong sự nghiệp. Ảnh: Getty Images |
Chiến thắng trong hai trận chung kết liên tiếp của sự nghiệp là một điều kỳ diệu. Nhưng với Eto’o, người bị nghi ngờ nhiều nhất trên hàng công Barca vì "tịt ngòi" trong trận đấu với Osasuna cuối tuần trước, việc ghi bàn trong cả hai trận chung kết ấy càng trở nên đặc biệt hơn.
Điểm 10 cho sự cố gắng
Bàn thắng vào lưới M.U mà Eto’o thực hiện đã mở ra một cái kết có hậu cho cuộc phiêu lưu của Pep Guardiola trên cương vị HLV, với cú ăn ba lịch sử. Ngay cả Dream Team của Johan Cruyff, với đỉnh cao là chiến thắng trong trận chung kết Cúp C1 năm 1992, cũng chưa thể sánh bằng thành tích này.
Pep, ở tuổi 38 và ngay lập tức giành mọi vinh quang, được ca ngợi như một HLV đến từ... hành tinh khác; Messi được nhắc đến như chủ nhân của Quả bóng vàng trong năm nay; Iniesta và Xavi được tâng bốc với những khối óc siêu việt để bù cho hạn chế về thể hình...
Sẽ là rất thiếu công bằng nếu không đề cập đến Eto’o, tác giả của 35 bàn thắng từ đầu mùa, và đang từng bước tiến vào ngôi nhà lịch sử của Barca. Bằng nghị lực và khát vọng phi thường, cựu tiền đạo Real Madrid, Mallorca và Espanyol xứng đáng được ca ngợi như người hùng ở Olimpico.
Eto’o rất nỗ lực để thể hiện mình. Ảnh: Reuters |
Còn nhớ, trong giai đoạn đầu mùa giải, nếu không có sự can thiệp của Pep, rất có thể Eto’o đã đến một nơi nào đó (Inter hoặc Milan), bởi Chủ tịch Laporta không còn muốn giữ anh. Sự coi thường của Laporta khiến Eto’o đã tuyên bố anh chỉ là kẻ làm công ăn lương, và sẵn sàng ra đi (trong kỳ chuyển nhượng đầu năm).
Pep thuyết phục, các đồng đội ủng hộ, Eto’o trở nên tập trung hơn để thể hiện mình trên sân cỏ. Những bàn thắng xuất hiện đều đặn, trở thành chân sút chủ lực của Barca tại La Liga và đang có mùa giải thành công nhất sự nghiệp, Eto’o đã chứng minh cho Laporta thấy anh ở lại Nou Camp có lợi hơn là mất mát.
Nỗ lực của Eto’o rất đáng trân trọng, bởi không phải cầu thủ nào cũng có thể bùng nổ khi các quan chức CLB xem mình như người thừa. Với Eto’o, còn khoác áo Barca, dù là vì điều gì đi nữa, thì vẫn phải cống hiến toàn bộ sức mình.
Trong cái đêm mà Barca lần thứ 3 đăng quang ngôi vương bóng đá châu Âu, tờ AS đã gọi đó là cuộc chiến Ángeles y Diablos (Thiên thần và Ác quỷ, chơi chữ theo bộ phim đang được công chiếu của Hollywood, với bối cảnh là Roma và Tòa thánh Vatican). Và Eto’o, cùng với những đồng đội xung quanh, chính là hiện thân cho sự vĩnh cửu.
-
Kim Ngân