,
221
10805
Chân dung - Phỏng vấn
chandungphongvan
/thethao/chandungphongvan/
1277936
Thành Lương, bóng Vàng... nhà quê
1
Photo
444
Thể thao
thethao
/thethao/
,

Thành Lương, bóng Vàng... nhà quê

Cập nhật lúc 16:11, Thứ Sáu, 07/05/2010 (GMT+7)
,

- Sống giữa chốn Hà Thành mà bị gọi "nhà quê" là niềm tự ái của biết bao nhiêu người. Nhưng với Thành Lương, cánh én nhỏ của HN.ACB, thì biệt danh đó lại khiến anh cảm thấy ấm áp và yên bình. Bây giờ thì thằng bé nhà quê ấy đã là Quả bóng Vàng...

>> Quả bóng Vàng VN 2009: Thành Lương, Kim Chi được tôn vinh

"Đứa con thần gió"

Thành Lương không được xem Caniggia đá nhiều, bởi khi anh lớn lên, bắt đầu có niềm đam mê bóng đá thì tiền đạo lẫy lừng của Argentina đã xuống mã và giải nghệ. Nhưng biệt danh "đứa con thần gió" của Caniggia thì anh biết, và cảm thấy có một sự sung sướng mơ hồ khi bản thân mình cũng được người ta gọi thế.

Phạm Thành Lương. Ảnh: Đức Anh
Tốc độ của Lương "dị" đủ để anh "bốc hơi" khỏi các hậu vệ đối phương. Ảnh: Đức Anh

Ấy là những ngày Lương còn là một cậu bé, chân trần chạy như tên bắn trên những mảnh sân lồi lõm mấp mô khiến những người lớn trong làng phải ngạc nhiên.

Sau này, xem giải ngoại hạng Anh, Lương rất thích MU nhưng lại mê mẩn Marc Overmars của Arsenal. World Cup 2006, Lương đặc biệt khoái Odonkor của ĐT Đức. Đó đều là những mẫu cầu thủ chạy cánh với tốc độ... kinh hoàng.

Lương có lần tâm sự rằng anh chỉ cao 1m61, đã mỏng cơm lại nhẹ ký, nếu không tự tìm cho mình cách đá nhanh và khôn khéo thì chơi "phủi" cũng còn khó, nói gì đến chuyện trụ lại ở bóng đá đỉnh cao. Bây giờ, người ta chỉ thấy Lương "nhấn ga" là vọt qua đối thủ, chứ ít ai biết để có được phẩm chất của "động cơ 2 kỳ" ấy, anh đã phải trải qua những ngày dài khổ luyện.

Hồi còn thi đấu cho đội trẻ Hà Tây, Thành Lương đã là người có tố chất lý tưởng so với bạn bè cùng trang lứa. Trời không cho Lương thể hình đẹp nhưng bù đắp cho anh sức bền hiếm có. Các buổi tập kéo dài tiếng rưỡi đồng hồ với Lương vẫn chẳng thấm tháp gì, anh thường ở lại tự rèn thêm các bài tập bứt phá, ban đầu chỉ 5, 10m, sau này tăng lên 20, 30m, rồi kéo dài quá cả nửa sân.

Phạm Thành Lương. Ảnh: Đức Anh
Thấp bé nhẹ cân nhưng Lương đủ "dị" để cao hơn đối thủ một cái đầu. Ảnh: Đức Anh

Bởi vậy mà khi được "nhặt" về U-21 HN.ACB, Thành Lương chỉ mất có 2 buổi tập làm quen để trở thành người chạy nhanh nhất trong bài kiểm tra tốc độ. Đã nhanh lại còn dai sức, chạy khắp sân không biết mệt. Anh em cùng đội nhìn Lương "tua đi tua lại" như con thoi mà chỉ biết lắc đầu: "thằng hạt tiêu này ăn gì mà khoẻ thế"!

Không lâu sau khi "chuyển hộ khẩu" về Hà Nội, Thành Lương đã được HLV Lê Tuấn Long "chấm" cho vị trí át chủ bài. Thật ra thì hồi đó, Lương cũng chưa có gì quá nổi trội về kỹ chiến thuật, thậm chí còn có lúc "yếu cơ bản", nhưng ông Long đã nhìn thấy ở cầu thủ này một tương lai rất sáng nhờ sự nỗ lực, ham học hỏi.

Chính quá trình đá U-21 đã giúp Thành Lương hoàn thiện thêm được cái chân trái vốn là sở trường của mình. Nếu trước đây, anh chỉ làm khổ đối phương bằng tốc độ thì sau nhiều ngày miệt mài "gò kỹ thuật", Lương đã biết quặt bóng điệu nghệ, đã biết "đảo như rang lạc"..., và đặc biệt là cú sút trở nên "có gân" hơn đáng kể. Cái biệt danh Lương "dị" cũng được nhắc đến nhiều hơn từ ngày đó.

Sau khi cùng đội U-21 HN.ACB giành chức á quân quốc gia năm 2004, Thành Lương, với danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giải đương nhiên được BHL đội 1 để mắt tới. Cùng với một số đồng đội khác như Văn Khoa, Minh Phong, Xuân Thành..., Lương "dị" được kéo lên sân chơi chuyên nghiệp.

HLV Hoàng Văn Phúc ban đầu chỉ mong "thử lửa" Thành Lương. Ông cũng không ngờ cầu thủ trẻ nhất đội (sinh năm 1988) này sau đó lại là cứu cánh của ông trong rất nhiều thời điểm ngặt nghèo. Liên tiếp trong 2 mùa V-League 2006, 2007, HN.ACB thi đấu trầy trật, nội bộ mâu thuẫn gay gắt, mà người bị chỉ trích nhiều nhất chính là ông Phúc.

Rất nhiều cầu thủ trong đội bị phân tâm, nhưng Lương "dị" là một trong số ít những người vẫn bỏ ngoài tai dư luận, trận nào cũng căng sức đá vì thầy. Những bàn thắng, những pha kiến tạo của Thành Lương đã cứu HN.ACB tạm thoát khỏi cơn bão tố.

Nhưng đến mùa giải 2008, mọi chuyện vẫn không có gì thay đổi. HN.ACB vẫn tiêu điều như thế, ông Phúc không chịu nổi sức ép đã tự nguyện ra đi. Đội bóng rã đám, gần như buông xuôi, chấp nhận xuống hạng ngay khi hy vọng còn chưa tắt. Trong đám đổ nát ấy, chỉ còn lại mỗi Lương "dị" miệt mài như chú dã tràng...

Và bóng Vàng "gà gô"

"Nhiều lúc một mình mình chạy trên sân, ngoảnh lại nhìn chỉ thấy toàn đối thủ, em cũng tủi thân lắm chứ. Nhưng tính em nó vậy rồi, đã vào sân mà không chạy, không vắt hết sức mình thì không chịu nổi". Trong ngày HN.ACB bị Hải Phòng dìm xuống hạng, nhìn Lương "dị" ngồi lủi thủi một góc, ai cũng thương. Ánh mắt của Lương nửa như muốn khóc, nửa lại như cam chịu.

Phạm Thành Lương. Ảnh: Đức Anh
Lương "dị" là báu vật của HN.ACB. Bầu Kiên giữ chân anh bằng mọi giá. Ảnh: Đức Anh

Có thể với tất cả các cầu thủ của bầu Kiên, việc đội bóng xuống hạng là chuyện đương nhiên, nó nhẹ nhàng như giải thoát. Nhưng riêng với Thành Lương, đó vẫn cứ là một nỗi đau. Bởi vì so với các đồng đội khác, Lương "dị" dường như bao giờ cũng có suy nghĩ khác và sống theo cách khác, cách sống "nhà quê" của riêng mình.

Những anh em thế hệ "đi trước" có lúc thấy Lương lù khù quá, kháy đểu vài câu "đang tuổi thanh niên, kiếm được thì tiêu được, sao chả bao giờ thấy chú mày thò mặt đến mấy chốn vui vẻ thế"?

Lương "dị" ngơ ngác mất hồi lâu mới trả lời được: "Cái mặt em lành lành, quê quê thế này, vào những chỗ ấy khéo người ta lại đuổi về anh ạ". Cả hội lại cười ồ.

Lâu dần, đám cầu thủ "chịu chơi" trong đội cũng không thèm chấp cái sự "gà gô" của Lương. Có vụ liên hoan, hát hò nào, Lương chỉ ngồi lẳng lặng uống coca. Đàn đúm, phá phách hơn chút nữa là tịnh không thấy mặt. Ai biết cũng bảo giờ này, chắc thằng Lương nó phóng xe về quê hoặc đi với "em" của nó.

"Em" của Lương là cô bạn gái mà Lương quen biết đã 5, 6 năm nay. Cái ngày Lương nhận được giấy gọi lên đội tuyển quốc gia cũng là ngày cô bé vui nhất. Lâu nay, trong kho những điều ước nhỏ nhoi, bình dị của Lương, được lên tuyển luôn nằm ở vị trí hàng đầu.

Có lẽ chỉ mình cô bé ấy biết, Lương đã buồn đến thế nào khi "hụt" SEA Games 24, và cũng vô duyên luôn với các giải đấu có ông Riedl làm HLV trưởng. Lương từng bị ám ảnh rằng thể hình nhỏ bé như mình, lại đá cho một đội chỉ đăm đăm lo xuống hạng như mình, thì "cửa" vào tuyển làm gì có.

Phạm Thành Lương. Ảnh: Đức Anh
Với phẩm chất của "người nhà quê", Lương "dị" hy vọng sẽ giữ được mình trước áp lực của bóng Vàng. Ảnh: Đức Anh

Nhưng rồi nhiệm kỳ của Calisto đã mở ra cho Lương những niềm hy vọng mới. "Bé hạt tiêu" được gọi vớt, nhưng sau đó lại là thành viên không thể thiếu trong những chuyến hành quân của ông Tô.

Cái chân trái có chút tập tễnh rất khó... quản của Lương "dị" đã cứu ông Calisto thật nhiều bàn thua trông thấy. Như cái lần anh quăng chân hạ gục thủ thành Malaysia ở AFF Cup 2008 - giải đấu mà nếu không thắng trận ấy, ĐTVN có lẽ đã không thể lên ngôi vô địch. Như cú sút trời giáng trên đất Syria - khi mà ĐTVN cần nuôi một tia hy vọng mong manh cho vòng loại Asian Cup. Và như cả một kỳ SEA Games gian khổ tại Lào, Lương "dị" cũng là điểm sáng cho dù Việt Nam đã... hụt đăng quang.

Cho đến tận bây giờ, Lương "dị" đã là một tuyển thủ thành danh, nhưng anh vẫn biết ơn thầy Tô vì đã "chấm" anh cho một trận giao hữu. Đấy lại là trận đấu với Olympic Brazil. "Em quá may mắn, không phải ai cũng có cơ hội được ngồi trong sân ở một trận cầu như thế, đừng nói đến chuyện xỏ giày, khoác áo..."

Ở trận đấu đó, chú sóc nhỏ Thành Lương để lại ấn tượng đến nỗi siêu sao Pato đã chủ động sang đổi áo cho anh. Chiếc áo vô giá đó, Lương về cất giữ như một bảo bối của đời mình. Nó như một niềm an ủi, giúp anh vượt qua thực tế phũ phàng là sang năm phải xuống chơi hạng Nhất.

"Thương hiệu" như Lương mà vẫn miệt mài "cày" hạng Nhất kể cũng lạ. Không thiếu gì những lời chèo kéo, Lương cũng nhiều lần toan đi tìm bến mới để tự cải thiện "số phận" mình. Nhưng ở HN.ACB, người nắm quyền sinh quyền sát là bầu Kiên. Một tiếng nói của bầu Kiên đủ đánh bạt tham vọng của những đối thủ hàng đầu, và cũng đủ đè bẹp ý định "đào tẩu" của những ngôi sao như Lương.

Bầu Kiên quyết chí giữ chân Lương "dị", cho mục tiêu thăng hạng của CLB. Và lúc này, gần như điều đó sắp thành hiện thực, dù giải mới đi được gần nửa chặng đường. HN.ACB, với 6 bàn thắng của Lương, giờ đã được gọi là Lương "siêu dị", đang độc chiếm ngôi đầu và sẽ vô địch lượt đi sớm 2 vòng.

Nhưng nếu HN.ACB không chơi hạng Nhất, hoặc Lương không ở lại, thì đã không thể nào có một Quả bóng Vàng đặc biệt nhất từ trước đến nay. Một quả bóng Vàng không V-League.

Trước Thành Lương, đã có một quả bóng Vàng khác thành danh từ hạng Nhất: thủ môn Hồng Sơn. Nhưng khi được nhận danh hiệu này của năm 2008, Sơn "miền núi" đang cùng T&T HN lên chơi ở sân chuyên nghiệp rồi.

21 tuổi, Lương cũng là một trong những Quả bóng Vàng trẻ nhất trong lịch sử, cùng với Văn Quyến, Công Vinh. Nhưng nếu Quyến và Vinh đã có dấu hiệu chững lại hoặc tụt lùi, thì Lương mới chỉ bắt đầu. Khát khao của Lương "dị" vẫn còn rất tràn trề, và điều quan trọng nhất là một chú "gà gô" như Lương "dị" cũng miễn dịch khá xa với những đam mê ngoài bóng đá.

Lương không phải không biết tính cho tương lai. Anh cũng đã thành ông chủ với một quán ăn nhanh ở Hà Nội, dự kiến còn mở rộng "địa bàn" sang các thành phố khác. Nhưng cái gốc gác nhà quê vẫn giữ Lương lại với một cuộc sống giản đơn và trong sáng.

Đi "thoát ly" đã gần chục năm trời, là cái "máy in tiền" cho gia đình, nhưng nếp nhà hồi bé thế nào, bây giờ Lương vẫn giữ nguyên như vậy. Lương bảo anh sẽ báo tin vui về quả bóng Vàng cho bố mẹ trước tiên, như tất cả những thành công anh đã từng đạt được. Và Lương cũng bảo rằng anh sẽ cố gắng đứng vững trên đỉnh vinh quang, vì từ giờ phút này, trên vai anh sẽ là những áp lực mới, áp lực từ trái bóng Vàng...

Vài nét về Phạm Thành Lương

- Sinh ngày 10/9/1988 tại Ứng Hoà, Hà Tây cũ, nay là Hà Nội
- Cao 1m61, nặng 53kg
- Danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giải U-21 năm 2005
- Danh hiệu vô địch AFF Cup 2008 cùng ĐTVN

  • Anh Đức

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
,
,
,
,