,
221
10783
World Cup 2010>Diễn biến
dienbien
/thethao/dienbien/
1289049
"Kẻ đánh cắp" bàn thắng của sư tử Anh là ai?
1
Photo
444
Thể thao
thethao
/thethao/
,

'Kẻ đánh cắp' bàn thắng của sư tử Anh là ai?

Cập nhật lúc 01:45, Thứ Hai, 28/06/2010 (GMT+7)
,

- Với việc không công nhận bàn thắng rõ mười mươi của Lampard vào lưới ĐT Đức, Jorge Larrionda trở thành kẻ bị tất cả những người yêu mến "Tam sư" nguyền rủa bởi trong mắt họ, ông trọng tài này là nguyên nhân khiến ĐT Anh phải gói gém hành lý về nước sớm.

TIN LIÊN QUAN

/chuyenmuc/quangcao/2010/images/vnnmobiad.gif

Phút 39 của trận thư hùng đỉnh cao tại Bloemfontein, "Xe tăng" Đức dẫn trước tuyển Anh 2-1. Các cầu thủ Anh buộc phải dồn đội hình gây sức ép và họ đang chơi những phút hay nhất của mình tại World Cup 2010.

Neuer
Bóng đã qua vạch vôi sau cú sút của Lampard - Ảnh: DM

Trong một thoáng hàng thủ Đức lộ khoảng trống trước vòng cấm, Frank Lampard tung cú sút chân phải hiểm hóc qua đầu thủ môn Neuer dội xà ngang đập vào phía trong vạch vôi chừng nửa mét rồi nảy ra ngoài.

Lampard biết rõ mình vừa mới ghi bàn nên chạy ra đường biên ăn mừng. Nhưng ngay lập tức anh không tin vào điều vừa xảy ra bởi thay vì công nhận bàn thắng, trọng tài Larrionda lại cho trận đấu tiếp tục.

Trên khán đài có chủ tịch FIFA Sepp Blatter dự khán và người đàn ông quyền lực nhất làng bóng đá không bộc lộ bất kì phản ứng nào.

Kết quả cuối cùng của trận đấu có lẽ mọi người đều đã biết, Anh thua chung cuộc 1-4 và đây là thất bại đậm nhất của "Tam sư" trong lịch sử những lần đối đầu với "kì phùng địch thủ" Đức.

Xét toàn diện, người Đức xứng đáng với chiến thắng bởi họ đã chơi hay hơn. Tuy nhiên, người Anh có lý do cho rằng, nếu bàn thắng không bị trọng tài Larrionda "đánh cắp" thì chưa chắc họ đã phải ra về tủi hổ đến thế.

Ngay khi trận đấu nghỉ giải lao, phóng viên Alan Green của kênh radio BBC đã thông báo với Larrionda rằng đó là một bàn thắng mười mươi khi xem trên truyền hình. Vị trọng tài này chỉ thốt lên rằng "Ôi, lạy Chúa".

Với câu cảm thán đó, có lẽ Larrionda đã mường tượng "cái giá" phải trả sau hôm nay, khi giới truyền thông mà nhất là báo chí tại đảo quốc sương mù sẽ không để ông... sống yên thân.

Vậy, Jorge Larrionda là ai?

Tên đầy đủ của ông là Jorge Luis Larrionda Pietrafesa, sinh ngày 9/3/1968 tại thủ đô Montevideo của Uruguay, tự thừa nhận là một người rất yêu quý động vật.

Ông bắt đầu làm nhiệm vụ ở các trận cầu chuyên nghiệp vào năm 1995 trước khi được phong trọng tài cấp FIFA 3 năm sau đó.

larrionda
Cái tên Larrionda gắn với nhiều scandal - Ảnh: Getty

Larrionda trở thành một trọng tài sáng giá tại Nam Mỹ khi ông góp mặt tại rất nhiều sự kiện bóng đá lớn của khu vực cũng như thế giới mà đỉnh cao là World Cup 2006.

Thế nhưng, cái tên Larrionda cũng đi kèm với khá nhiều tai tiếng mà bạn có thể dễ dàng tìm hiểu khi gõ tên ông vào trang tìm kiếm Google.

Chính tại ngày hội bóng đá thế giới 4 năm trước trên đất Đức, Larrionda đã lập một thành tích đầy ấn tượng khi rút ra tới 4 thẻ vàng và 3 thẻ đỏ trong trận đấu giữa Mỹ và Italy tại vòng bảng.

Ngày 17/6/2006 tại Kaiserslautern, trọng tài người Uruguay khi đó mới 38 tuổi đã đuổi trực tiếp tiền vệ Daniele de Rossi của Italy và Pablo Mastroeni của Mỹ. Chưa dừng ở đó, ông tiếp tục truất quyền thi đấu của Eddie Pope bằng hai thẻ vàng.

Đến trận bán kết giữa Pháp và Bồ Đào Nha, Larrionda cho "Les Bleus" hưởng quả phạt đền đầy tranh cãi dẫn đến bàn thắng duy nhất của trận đấu, loại Bồ Đào Nha khỏi cuộc chơi.

Năm 2009, người Mỹ lại gặp vận đen với ông trọng tài này tại Confederations Cup khi tiền vệ Michael Bradley bị đuổi ở trận gặp Tây Ban Nha vì một lỗi do ông "tưởng tượng" ra.

Với chiến tích "rút thẻ không chùn tay", 94 thẻ đỏ trong 140 trận đấu quốc tế, Larrionda được đặt cho biệt danh là "Red Card Larrionda" (Red Card nghĩa là thẻ đỏ - PV).

Ngược dòng thời gian, vào năm 2002, Larrionda là một trong năm trọng tài bị LĐBĐ Uruguay treo còi 6 tháng sau khi bị một số đồng nghiệp tố cáo "các sai phạm quy tắc" mà không được công bố rõ.

Vụ việc này xảy ra chỉ 2 ngày sau khi ông được FIFA chỉ định làm nhiệm vụ tại World Cup trên đất Nhật Bản - Hàn Quốc. Tất nhiên sau đó ông lỡ mất cơ hội ra mắt World Cup đầu tiên trong sự nghiệp.

Điều đặc biệt, Larrionda không phải mới lần đầu mắc lỗi giống như trận Anh - Đức tối qua.

Vào ngày 13/10/2004, trong trận vòng loại World Cup giữa Brazil gặp Colombia, ông cũng từ chối một bàn thắng của chủ nhà Brazil ở phút 70 mà bóng đã vượt qua vạch vôi ít nhất nửa mét. Trận đấu kết thúc với tỷ số hòa.

Sau hàng loạt sai lầm lớn nhỏ kể trên, thật hài hước khi phải nói rằng Larrionda đã có kha khá kinh nghiệm "sống chung" với búa rìu dư luận?!

Phản ứng đa chiều

Là nạn nhân trực tiếp của quyết định không công nhận bàn thắng nhưng HLV trưởng Fabio Capello của "Tam sư" lại không tỏ ra quá gay gắt với trọng tài.

Rooney
Rooney phản ứng với trợ lý trọng tài - Ảnh: AP

Thay vào đó, chiến lược gia người Italy thừa nhận đội bóng của mình đã mắc một số sai lầm nhưng Larrionda còn mắc sai lầm nghiêm trọng hơn.

Bình luận viên David Bond của BBC thì khẳng định đã đến lúc bóng đá không thể chịu đựng nổi những sai lầm như Jorge Larrionda cùng hai trợ lý Pablo Fandino và Mauricio Espinosa vừa gây ra.

Bond nói rằng đã bị sốc trước quyết định của trọng tài.

Trong lúc đó, Steven Goff của tờ Washington Post giật tít "Jorge Larrionda lại lên sàn diễn". Phóng viên này đặt câu hỏi: "Tại sao cái tên này làm rung lên những hồi chuông báo động?"

Tuy nhiên, thất vọng nhất không ai khác ngoài các CĐV Anh, những người luôn tin rằng đội bóng của họ đang sở hữu một thế hệ vàng đủ sức đem về chiếc cúp vô địch thế giới.

Vài ý kiến ủng hộ nên áp dụng công nghệ hiện đại trong các trận đấu nhưng chủ yếu quan tâm tới sự yếu kém của thày trò HLV Capello.

James Furge, một CĐV từ Shropshire đã lặn lội tới Nam Phi cho rằng: "Mọi chuyện đã khác nếu bàn thắng được công nhận. Nhưng đây là một kết quả tất yếu".

Chàng trai 18 tuổi William Steel từ Ipswich nói: "Chúng tôi ngồi gần đường biên ngang và tôi có thể xác định đó là một bàn thắng.

Hàng công của chúng tôi chơi khá ổn nhưng hàng thủ thì vừa đá vừa run".

Adam Wilkinson, từ Coventry, đặt câu hỏi: "Họ sử dụng công nghệ quay chậm trong những trận đấu bóng bầu dục và quần vợt. Tại sao bóng đá lại không thể".

Về phần những fan ĐT Đức, họ không chỉ ăn mừng chiến thắng mà cho rằng đây là sự "đền đáp" khi Goerg Hurst ghi bàn giúp Anh đánh bại Đức 4-2 trong trận chung kết World Cup 1966.

"Đây là sự báo thù ngọt ngào cho năm 66" - George Boesing một CĐV sống gần biên giới Đức và Hà Lan phát biểu.

Theo phóng viên Martin Rogers của Yahoo Sports, tổ trọng tài người Uruguay đã phải nhờ lực lượng an ninh hộ tống về nơi ở do lo ngại bị trả thù.

Trong hai ngày nữa, FIFA sẽ quyết định Larrionda có tiếp tục làm nhiệm vụ tại World Cup 2010 nữa không. Khoảng thời gian này, ông sẽ được bảo vệ tối đa.

  • Song Ngư
,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
,
,
,
,