TBN trong tâm khủng hoảng: Mùa hè không Galactico
Tây Ban Nha đang ngập trong cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất từ trước tới nay và đang đứng trước nguy cơ phải tuyên bố vỡ nợ như Hy Lạp. Khi đất nước lâm nguy, mọi cá thể đều phải theo cách riêng của mình thể hiện được tinh thần trách nhiệm, nói gì tới những cá thể đặc biệt như Real Madrid hay Barca. Sẽ không có chuyện các đội bóng vung tiền ồ ạt và đón về hàng loại siêu sao như mùa Hè năm ngoái. Thậm chí là ngược lại: Sẽ có thêm không ít ngôi sao bị đẩy khỏi Iberia trong mùa Hè này.
* Hết chế độ đặc biệt
Tình trạng phát triển quá nóng trong nhiều năm qua, cộng với ảnh hưởng xấu từ cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp, đang đẩy nền kinh tế Tây Ban Nha, cách nay chưa lâu còn là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển ổn định nhất châu Âu, tới bờ vực sụp đổ.
Hiện tại, thâm hụt ngân sách ở quốc gia Nam Âu này đã lên tới mức cao kỷ lục 11,2% (mức trần của EU chỉ là 3%), hệ thống ngân hàng lung lay, các khoản nợ phồng to, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh lên tới mức 20%, cao nhất trong khu vực đồng euro.
Adriano (phải), bản hợp đồng mới nhất của ĐKVĐ Barcelona. Ảnh: Reuters |
Để đối phó với tình trạng này, chính phủ TBN mới đây đã phải đề ra một chính sách "thắt lưng, buộc bụng" khá hà khắc, trong đó trong đó lương công nhân khu vực nhà nước bị cắt giảm 5%, còn lương của Thủ tướng và các bộ trưởng thì giảm tới 15%.
Từ bao lâu nay, chính phủ TBN luôn giành cho các đội bóng lớn như Real Madrid hay Barca, đặc biệt là Real Madrid, một sự ưu ái đặc biệt, với lý do là các đội bóng này có tác động cực lớn lên sự phát triển của nền kinh tế.
Vì thế, Real và Barca chẳng bao giờ lo phải rơi vào cảnh phá sản, và họ cũng là những đơn vị duy nhất được quyền vung tay trong bối cảnh cả nền kinh tế đang lao đao. Tuy nhiên, đó là chuyện của ngày xưa, khi mọi thứ còn đang nằm trong tầm kiểm soát.
Bây giờ, khi ngay cả các ngân hàng vốn được coi là vững mạnh nhất châu Âu như Santander hay La Caixa cũng đang lung lay dữ dội, Real và Barca biết rằng sự đảm bảo vô điều kiện về tài chính cho họ là không còn nữa. Phải tự thân vận động trước khi chờ người ta cứu mình.
* Mua ít hơn, bán nhiều hơn
Thực tế thì Barca, vốn không được ưu ái nhiều bằng Real Madrid, đã phải tự thân vận động từ lâu. Tình trạng tài chính "tệ hơn so với dự kiến" đã buộc Rosell và đồng sự phải xoay đủ cách.
Ngoài cách "truyền thống" là tìm kiếm sự hỗ trợ từ các ngân hàng (vừa vay được 200 triệu đô từ... 10 ngân hàng), Rosell cũng đã phải viện tới biện pháp vốn chỉ dành cho các đội bóng nhỏ: Bán trước, mua sau. Và bán nhiều, mua ít.
Real thay vì các vụ chuyển nhượng ’bom tấn’ giờ chú tâm hơn đến việc chiêu mộ những cầu thủ trẻ như Leon. Ảnh: AP |
Dù đã thu được gần 50 triệu euro từ vụ bán Chygrinskiy và Yaya Toure, Barca-Rosell tới giờ mới chỉ tiêu có chưa đầy 10 triệu cho vụ Adriano. Quả bom tấn mà Rosell hứa hẹn - Cesc Fabregas - có lẽ sẽ không bao giờ nổ.
Những động thái như sang tận London đàm phán hoàn toàn chỉ là để trấn an dư luận, nên Rosell hẳn đã mừng phát khóc khi Arsenal phản ứng đầy quyết liệt.
Ở Bernabeu, không khí có vẻ êm đềm hơn. Nhưng không phải vì thế mà người ta không nhận ra những thay đổi rất lớn nơi đây.
Cùng kỳ này năm trước, Florentino Perez đã đổ gần 200 triệu euro vào thị trường chuyển nhượng để mang về Bernabeu một loạt siêu sao, từ Ronaldo (94 triệu), Kaka (65) tới Benzema (35).
Tới lúc này, Real Madrid cũng đã có 3 tân binh, nhưng tổng số tiền mà đội bóng này đã tiêu là chỉ bằng 1/5 so với năm ngoái (25 triệu cho Di Maria, 10 triệu cho Pedro Leon và 6 triệu cho Canales).
Real Madrid có thể sẽ chưa dừng lại ở đây; họ vẫn còn vài mục tiêu nữa đang ở trong tầm ngắm. Nhưng có một điều chắc chắn là sẽ không có vụ chuyển nhượng bom tấn nào ở Bernabeu trong Hè này.
Và trước khi mua thêm, Real Madrid sẽ phải làm xong công tác "thanh lý môn hộ" cái đã.
Theo TTVH