Trọng tài liên tiếp mắc sai lầm: Thảm họa Vua áo đen!
TIN LIÊN QUAN |
---|
1. Nếu một CĐV bóng đá trung lập chỉ coi niềm vui là những bàn thắng đẹp mắt, có lẽ họ sẽ không thể tìm kiếm được ở World Cup 2010 (ít nhất tới thời điểm này). Bởi với hiệu suất 2,23 bàn/trận, đây đang là giải đấu có số bàn thắng thấp thứ 2 trong lịch sử các kỳ World Cup, chỉ tạm hơn mỗi Italia ‘90 (2,21 bàn/trận), giải đấu mà hầu hết các đội tuyển đều chọn lối chơi phòng ngự. Nghèo nàn bàn thắng đã đành, nhưng vấn đề nhức nhối nhất là chuyện sai lầm của các trọng tài ngày càng nhiều.
Đỉnh điểm của thất vọng là 2 cặp đấu vòng 1/8 ngày 27 và 28/6. Trong cuộc đối đầu giữa Anh và Đức, trọng tài Larrionda đã từ chối bàn thắng của Lampard, dù bóng đã đi qua vạch vôi đến hơn 30cm. Rồi ngay sau đó, để Larrionda không “cô đơn” trong làn sóng chỉ trích, đến lượt Rosetti mắc sai lầm nghiêm trọng khi công nhận cú đánh đầu thành bàn của Tevez, khi mà tiền đạo của Argentina đã rơi vào tư thế việt vị hơn 2m. Trầm trọng ở chỗ sai lầm của các Vua áo đen toàn diễn ra ở các thời điểm nhạy cảm, mang tính quyết định.
Nếu Larrionda công nhận bàn thắng của Lampard, chắc gì Anh đã bị loại! Còn nếu Rosetti thổi việt vị Tevez chắc gì Argentina đã thắng được Mexico bởi những phút trước đó, El Tri đang chơi phòng ngự rất tốt! Những người đa nghi cho rằng vì chủ tịch LĐBĐ Argentina, ông Grondona đang là phó chủ tịch FIFA, đồng thời là bạn thân của đương kim chủ tịch FIFA - Sepp Blatter, nên Argentina được trọng tài hậu thuẫn. Chưa kể Albiceleste lại đang mặc áo đấu của Adidas, một trong những nhà tài trợ chính thức của World Cup 2010.
2. Tờ AS vừa lập hẳn một chuyên đề tổng kết những sai lầm từ đầu World Cup 2010. Theo đó, có gần 10 lần các trọng tài đưa ra quyết định sai nghiêm trọng (xem bảng), trong đó ĐT Tây Ban Nha là chịu thiệt nhất với 5 quả penalty bị từ chối.
Đến đây, không thể không đặt câu hỏi về công tác tổ chức trọng tài của FIFA. Trong số 29 trọng tài được FIFA phân công nhiệm vụ bắt các trận đấu ở World Cup, không hiểu sao có cả những Vua áo đen đến từ vùng trũng bóng đá như Subkhiddin Mohd Salleh (Malaysia) và Eddy Maillet (Seychelles, một quần đảo ở châu Phi với dân số vỏn vẹn 84.000 người). Thử hỏi Subkhiddin Mohd Salleh và Eddy Maillet lấy đâu ra kinh nghiệm để cầm còi ở giải đấu đẳng cấp thế giới như World Cup? Chưa hết, công tác xét duyệt trọng tài của FIFA cũng có vấn đề, bởi lật lại hồ sơ mới thấy trọng tài Jorge Larrionda (vừa bắt trận Anh-Đức) đã từng từ chối một bàn thắng của Adriano, trong trận đấu giữa Brazil và Colombia ở vòng loại World Cup 2006, dù bóng đã đi qua vạch vôi... 58cm!
Ngay sau 2 sai lầm tồi tệ của Larrionda và Rosetti, Marca đã khảo sát ý kiến của 25.000 độc giả và 92% cho rằng FIFA nên áp dụng công nghệ Hawkeye (đang áp dụng trong tennis) vào trận đấu. Tuy nhiên, tổng thư ký FIFA - Jerome Valcke chưa đưa ra bất cứ bình luận nào. Nhưng chắc chắn FIFA không thể im lặng lâu hơn…
Trọng tài Jorge Larrionda: Sai lầm từ đâu?
Đến các cây viết đồng hương của Larrionda cũng phải cho rằng sai lầm không công nhận bàn thắng của Lampard là “nỗi hổ thẹn tột cùng” hay “vết đen vĩnh viễn trong lịch sử World Cup”, thì đủ thấy vị trọng tài 42 tuổi người Uruguay kém cỏi thế nào. Người Anh hay người Đức có thể ngạc nhiên về “trình còi” của Larrionda, nhưng người Uruguay thì không.
Tám năm trước, chính LĐBĐ Uruguay đã treo còi Larrionda 6 tháng vì những sai phạm không được công bố cụ thể (dư luận nước này vẫn cho rằng ông dính “phốt” vì liên can đến scandal dàn xếp tỷ số của một nhóm 5 trọng tài). Án phạt ấy được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi Larrionda được FIFA lựa chọn cầm còi tại World Cup 2002 (tất nhiên FIFA phải rút lại quyết định triệu tập này).
Và 2 năm sau đó, ông mắc sai lầm tương tự khi không công nhận bàn thắng của Adriano (bóng đã qua vạch vôi hơn nửa mét) trong trận Brazil gặp Colombia tại vòng loại World Cup 2006. Và tại kỳ World Cup này, ông lại không nhìn thấy tình huống chạm tay trong vòng cấm của Tim Cahill, khiến Serbia mất suất vào vòng 1/8 ít ngày trước. Nhưng không hiểu sao Larrionda vẫn được bắt trận cầu đinh Anh - Đức và càng được FIFA ưu ái thì Larrionda lại càng mắc nhiều sai lầm.
Nhưng lúc nào ông cũng mạnh miệng: “Tôi hy vọng sẽ không bao giờ phải thấy ngày công nghệ trợ giúp hay làm thay công việc mà mình đang làm”. Chưa hết, Larrionda luôn gân cổ mỗi khi bị chỉ trích: “Các BLV đâu nói được câu nào cho tới khi họ xem lại các tình huống chiếu chậm”.
Ông thừa nhận thường đóng kín cửa vào mỗi thứ Hai, vừa để tận hưởng thú vui… chăm sóc động vật, vừa để trốn tránh búa rìu dư luận. Nhưng với sai lầm đặc biệt nghiêm trọng lần này, nhất là sau khi ê kíp của ông phải nhờ đến nhân viên an ninh hộ tống mới có thể rời sân an toàn, chẳng biết Jorge Larrionda sẽ còn phải đóng cửa trốn chạy dư luận đến bao giờ…
(Theo Bóng đá)