BLTTDS không 'ôm' hết vụ án dân sự?
(VietNamNet) - "Vụ án dân sự" theo dự luật gồm vụ án dân sự(?), vụ án hôn nhân và gia đình, vụ án kinh tế, vụ án lao động. Trong buổi thảo luận ngày 19/11, nhiều ĐB cho rằng, nếu để những vụ án này "trùm" chung trong một bộ luật hình thức (BLTTDS) sẽ khó khả thi...
Luật "3 trong 1"?
Ông Lê Văn Tâm phát biểu tại hội trường. |
BLTTDS là không phải là sự gộp lại của 3 pháp lệnh về thủ tục tố tụng dân sự trước, bởi luật không chỉ thể hiện tính kết dính giữa 3 pháp lệnh, mà là sự nâng cấp, bổ sung khá hoàn chỉnh với những chế định, quy phạm cụ thể, thống nhất, đáp ứng kịp thời sự phát triển của các quan hệ kinh tế - xã hội...- nhiều ĐB đã nhận xét như vậy. Tuy nhiên, "tác phẩm" lớn có ý nghĩa đánh dấu cuộc cách mạng về thủ tục tố tụng dân sự này vẫn còn một số vấn đề khiến không ít ĐB "vừa đồng tình, vừa không đồng tình" (ĐB Nguyễn Thị Thanh Hưng).
Còn theo ĐB Lê Xuân Thân: "Với 36 chương, 426 điều, BLTTDS có thể nói là một số gắng lớn của Ban soạn thảo. Luật đã có dấu vết của 3 pháp lệnh, tức là đã có ba trong một. Thế nhưng, một ở đây vẫn chưa là một, bởi bộ luật vẫn chưa đạt tới là một thủ tục tố tụng thống nhất, bao trùm đối với toàn bộ việc giải quyết tranh chấp của các quan hệ dân sự, kinh tế, lao động, hôn nhân gia đình"...
3 toà chung một trình tự tố tụng!
ĐB Nguyễn Đình Quang (Tuyên Quang) |
Quy định Toà án phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu việc áp dụng biện pháp của mình là sai và gây thiệt hai cho người bị áp dụng là không chặt chẽ. Luật phải bổ sung thêm một chế tài nữa, theo đó quy định: nếu toà không áp dụng biện pháp khẩn cấp mà gây ra thiệt hại đối với người yêu cầu áp dụng thì toà cũng phải có trách nhiệm một chiều. Việc chỉ quy định một chiều như vậy sẽ dẫn tới trường hợp toà án chẳng bao giờ muốn thực hiện biện pháp ngăn chặn cả, vì thực hiện có thể bị bồi thường, còn nếu không ai bắt buộc thì tội gì chẳng áp dụng?! |
Do các ngành luật này có đối tượng, phạm vi, phương pháp điều chỉnh riêng biệt và "nằm" trong những luật nội dung khác nhau như: Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân gia đình, Bộ luật Lao động, Luật thương mại, các quy phạm pháp luật kinh tế, nên việc đưa ra một bộ luật hình thức chung cho cả 4 loại vụ án đã làm nhiều ĐB băn khoăn.
ĐB Lê Thị Nga mở đầu cuộc thảo luận bằng những thắc mắc: "Mỗi nhóm quan hệ kinh tế, dân sự, lao động, hôn nhân gia đình đều có luật nội dung khác nhau, nếu đưa vào cùng BLTTDS thì có phù hợp không, hay vẫn cần những quy định đặc thù cho từng loại án đó?".
ĐB Nga còn đưa ra phương án: "Vậy chúng ta có nên đưa nội dung của các Luật Lao động, Kinh tế, Dân sự vào chung Bộ luật Dân sự để đảm bảo tính thống nhất giữa luật nội dung và hình thức không?".
"Hiện nay, TAND Tối cao và TAND cấp tỉnh vẫn có các toà chuyên trách như Toà dân sự, Toà kinh tế, Toà lao động và sắp tới sẽ có Toà hôn nhân và gia đình, việc xây dựng BLTTDS với phạm vi điều chỉnh như vậy có làm thay đổi cơ cấu tổ chức của các toà án này không?" - ĐB Lê Thị Nga tiếp tục hỏi.
Một trong số ĐB nhiệt tình nhất trong đóng góp ý kiến xây dựng luật, ĐB Nguyễn Đình Lộc cũng có chung mối quan tâm: "Nếu dự luật này được thông qua, 3 toà án là TA lao động, TA kinh tế, TA dân sự sẽ áp dụng chung một bộ luật hình thức chăng? Mà quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế, lao động... rõ ràng là khác nhau!".
Ông có ý kiến thêm: "Kể cả khi để các vụ án này cùng chung một luật hình thức là BLTTDS, thì chúng ta lại chưa có luật nội dung tương ứng. Bởi ngoài các Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Hôn nhân và gia đình, chúng ta lại chưa có "Luật Kinh tế". Thực tế, pháp luật về kinh tế hiện chỉ là những văn bản dưới luật rải rác. Thậm chí, do quan hệ kinh tế và thương mại có nhiều điểm tương đồng nhau nên nhiều người đã coi Luật Thương mại như một văn bản luật chính về kinh tế. Vấn đề này cần được điều chỉnh lại".
ĐB Lộc lưu ý Ban soạn thảo: "Trong Điều 23 của dự luật có một điểm khiến tôi rất buồn cười. Tại sao luật có thể ghi: Vụ án dân sự bao gồm vụ án dân sự, vụ án hôn nhân và gia đình, vụ án kinh tế, vụ án lao động. Về mặt logic hình thức như vậy là chưa chặt chẽ...". Trước đó, ĐB Nga cũng bày tỏ sự "khó hiểu" đối với quy định này.
Thủ tục tố tụng hành chính "lẫn" trong BLTTDS?
"Chúng ta nói không có quan hệ hành chính trong tố tụng dân sự nhưng lại chưa phân biệt được một cách rạch ròi" - ĐB Nguyễn Hữu Nhơn phát biểu về ranh giới mơ hồ giữa các quan hệ dân sự, lao động... với quan hệ hành chính.
Do "sự chưa rạch ròi" này, nhiều ĐB vẫn "loay hoay" trong việc xác định nên hay không quy định những vụ việc lẫn lộn giữa quan hệ hành chính và dân sự như: khiếu nại về danh sách cử tri, danh sách đăng ký hộ tịch, thủ tục giải quyết đình công... trong tố tụng dân sự.
ĐB Nguyễn Văn Ngàng cho rằng: Không nên đưa đình công vào tố tụng dân sự, kể cả việc xem xét tính hợp pháp hay không hợp pháp của các cuộc đình công", với lý do: "Năm trước, cả nước có 500 cuộc đình công nhưng nếu xét theo các quy định về lao động thì không cuộc đình công nào là hợp pháp cả, vì không đảm bảo đầy đủ quy trình luật định".
ĐB Ngàng lập luận tiếp: "Một thực tế nữa là năm 2002, toà án đã giải quyết 450 vụ nhưng đó đều là những tranh chấp giữa cá nhân, không có yêu cầu nào của tổ chức, doanh nghiệp... Các vụ án này đều hoà giải được. Thế nên, nếu BLTTDS điều chỉnh việc xem xét tính hợp pháp hay không của các vụ đình công thì các thẩm phán đảm nhiệm công việc này sẽ chẳng có việc mà làm!". Như một số ĐB khác, ĐB Ngàng đề nghị chỉ nên xem xét các vụ đình công theo thủ tục hành chính...
ĐB Huỳnh Thị Nga lại có "sáng kiến: "Nếu các quan hệ dân sự, lao động, kinh tế, hôn nhân và gia đình được điều chỉnh trong BLTTDS thì quan hệ hành chính cũng nên đưa vào, vì về cơ bản, các loại việc này có thủ tục gần giống nhau. Như vậy các vấn đề về khiếu nại đăng ký hộ tịch, danh sách cử tri... cũng thuộc điều chỉnh của bộ luật". Cảm thấy chưa được yên tâm, ĐB Nga kiến nghị thêm: "Khi đó, nếu ta vẫn gọi BLTTDS thì chưa trọn vẹn mà phải điều chỉnh thành: BLTT về dân sự, BLTT về kinh tế, BLTT về lao động...".
"Tôi hơi ngoan cố chăng?..."
ĐB Nguyễn Đức Chính (TP.HCM) |
Điều 222 về nghe lời trình bày của các đương sự quy định Toà án sẽ nghe luật sư trình bày yêu cầu của nguyên đơn và các chứng cứ chứng minh... Tôi nghĩ những người có tranh chấp thì hiểu hơn ai hết về vụ việc đó, vì vậy, nên để các đương sự được trình bày trước, rồi sau đó mới đến người bảo vệ quyền lợi đương sự phát biểu bổ sung. Bây giờ chuyện của người ta không để cho người ta nói trước mà để luật sư phát biểu trước thì đâu phải khách quan, đâu phải thuê mướn luật sư đi làm chuyện tranh cãi tại phiên toà... |
Tự đặt câu hỏi này trước hội trường, ĐB Nguyễn Đình Lộc ái ngại: "Không biết tôi có hơi ngoan cố chăng nhưng lần này tôi vẫn xin tiếp tục đề xuất ý kiến: đưa tranh tụng như một nguyên tắc của tố tụng dân sự". Ông cho biết, trước đó đã đề nghị tương tự với Ban soạn thảo BLTTHS nhưng không được chấp nhận. "Nếu không chấp nhận thì phải có giải thích tại sao chứ! Lần này tôi lại đưa ra yêu cầu như trước" - ĐB Lộc nói.
Tiếp đó, ĐB Nguyễn Đình Lộc nhận xét: Cả một bộ luật đồ sộ như vậy mà chỉ có 5 mục giải thích từ ngữ. Đây là một điều đáng tiếc bởi còn nhiều thuật ngữ chưa được lý giải. Trong khi đó, có luật chỉ vẻn vẹn 50-60 điều nhưng có tới cả chục giải thích. Về chủ thể quan hệ tố tụng dân sự quy định trong dự luật, ông băn khoăn: "Luật chỉ quy định chủ thể gồm cá nhân và tổ chức. Thế nếu trong trường hợp đương sự là cả một dòng họ, hay một cộng đồng dân cư thì chúng ta biết quy ra đó là loại chủ thể gì?"
Do sắp hết thời gian phát biểu mà vẫn chưa "truyền tải" trọn vẹn ý kiến tới các ĐB Quốc hội và Ban soạn thảo, ĐB Nguyễn Đình Lộc quyết định chấm dứt bài phát biểu của mình trước 3 phút để... đăng ký phát biểu thêm lần nữa.
Nếu nói như ĐB Lộc, một số ĐB khác cũng "ngoan cố" không kém khi tiếp tục đưa ra ý kiến phản đối việc thực hiện song song chức năng khởi tố, thu thập chứng cứ... và chức năng giám sát tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng của Viện KS. Có ĐB cho rằng: "Trước đây Viện KS được đảm nhiệm chức năng giám sát việc tuân theo pháp luật của các cá nhân, tổ chức. Nay chức năng này đã không còn thì Viện KS lấy căn cứ đâu để biết một hành vi là vi phạm để tiến hành khởi tố. Chưa kể việc Viện KS tự giám sát hoạt động khởi tố, thu thập chứng cứ, tham gia phiên toà của chính mình thì liệu có đảm bảo được khách quan?".
ĐB Huỳnh Thị Nga lại đưa ra một điểm "bất hợp lý": Dự thảo luật quy định Toà án phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời không đúng, gây thiệt hại cho người bị áp dụng. Quan điểm như vậy là được rồi, tuy vậy, cần phải quy định trong trường hợp Toà án thực hiện biện pháp ngăn chặn theo yêu cầu của Viện KS mà gây thiệt hại cho các đương sự thì Viện KS cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường. Lý ra luật còn phải cho phép Toà án có quyền bác bỏ kiến nghị này của Viện KS khi thấy có biểu hiện vô lý hay vi phạm pháp luật!.
Những bất cập về sự "khấp khểnh" giữa năng lực và chức năng, khối lượng công việc của toà án cấp huyện vẫn được các ĐB quan tâm bàn luận sôi nổi. Có ĐB không giấu được sự bất an: "Chúng ta biết năng lực của các toà án cấp huyện thế nào rồi đấy", nhưng cũng nhiều ý kiến nhất trí với quan điểm nâng thẩm quyền cho toà án huyện với một số điều kiện: đầu tư đào tạo, bổ sung cán bộ toà án, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng...
Do tầm quan trọng của BLTTDS đối với hệ thống pháp luật và đời sống, Quốc hội đã quyết định dành riêng 2 ngày để tập trung thảo luận về dự luật này. Vì vậy, theo chương trình làm việc, cả ngày hôm nay Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận về dự thảo BLTTDS.
ĐB Lê Văn Tâm (Cần Thơ): |
Luật chưa đảm bảo cho nguyên tắc hoà giải, thoả thuận giữa các đương sự vì chưa có cơ chế tạo điều kiện cho người dân thu thập chứng cứ. Tôi và ĐB Phạm Anh Minh có giải pháp thành lạp một tổ chức tạm gọi là Tổ chức thừa phát lại - còn gọi là thừa hành viên. Tổ chức này có nhiệm vụ lập chứng thư (vi bằng có giá trị chứng cứ) yêu cầu các đương sự ghi nhận sự kiện pháp lý làm bằng chứng; lập chứng thư phản đối hoặc đốc thúc người có nghĩa vụ phải thi hành các cam kết trong quan hệ hợp đồng dân sự, nếu họ không thực hiện thì lập biên bản về sự từ chối đó. Ngoài ra, tổ chức còn nhiệm vụ chuyển các văn kiện đến các bên liên quan, trong đó tống đạt giấy tờ liên quan trực tiếp đến công tác xét xử và thi hành án dân sự; thông báo cho các bên liên quan về yêu cầu, khiếu nại của đương sự. Thừa phát nại là một hoạt động dịch vụ không theo giờ hành chính, được sự công nhận của Nhà nước. Tổ chức này hoạt động khách quan, không thuộc biên chế Nhà nước, sẽ góp phần hạn chế đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực vốn là mặt trái trong hoạt động của cơ quan nhà nước... |
-
Lan Anh