(VietNamNet) - Thẳng thắn và quyết liệt, đó là không khí cuộc thảo luận về dự Luật Đất đai (sửa đổi) của Quốc hội diễn ra sáng qua. Xung quanh chủ đề vốn đã quá "nóng hổi" này, ĐB Nguyễn Lân Dũng và Dương Trung Quốc đã không ngần ngại bày tỏ sự lo ngại về tình trạng lạm quyền trong quản lý nhà nước đối với đất đai của một bộ phận cán bộ đương chức. 17 ĐB đăng ký đã phải "ngậm ngùi" để lại báo cáo cho Văn phòng Quốc hội tiếp thu vì không có đủ thời gian trình bày!
"Quyền sở hữu toàn dân chỉ là hư quyền"?
Phát biểu về những điểm bất hợp lý trong cơ chế quản lý đất đai hiện nay của Nhà nước ta, ĐB Nguyễn Lân Dũng (đoàn Đăk Lăk) đã mạnh dạn: "Ở thời điểm này không ai phản đối về việc Nhà nước thực hiện quyền sở hữu chung về đất đai, nhưng chúng ta cũng đừng nên biến quyền này thành đặc quyền của một số ít cán bộ nhà nước đương quyền ở địa phương. Việc đề cao quyết định của UBND tỉnh là quyết định cuối cùng, mà quan hệ tranh chấp đất đai vốn là một quan hệ có tính lâu dài, nếu UBND hết nhiệm kỳ thì sao, khi đó vụ việc sẽ tiếp tục được xử lý thế nào? Đây là một điểm bất hợp lý".
Ông cũng gợi ý về phương án Nhà nước quản lý thị trường bất động sản bằng đánh thuế vào các quan hệ giao dịch bất động sản: "Nhà nước sẽ có khoản tiền to lắm để bổ sung vào cái bánh ngân sách nếu đánh thuế vào các quan hệ buôn bán đất. Nhưng để làm được như vậy thì chúng ta phải chấp nhận tư nhân hoá quyền sở hữu đất đai".
"Ai sẽ là người thay mặt quyền sở hữu đất đai của Nhà nước? Quyền sở hữu toàn dân nghe thì lớn lắm nhưng trên thực tế nó là một hư quyền. Quyền sở hữu toàn dân nhưng toàn dân không được hỏi ý kiến, không được quyết định. Thực quyền chỉ thuộc về một số cán bộ có toàn quyền quyết định những vấn đề về đất đai"- ông nói.
Bày tỏ sự tán đồng của mình về quan điểm này, ĐB Dương Trung Quốc phát biểu: "Tôi đồng ý với ý kiến khái niệm sở hữu toàn dân ở đây chỉ như một hư quyền, mà thực chất ở đây là sở hữu nhà nước. Quyền đại diện sở hữu của toàn dân sẽ dẫn đến đặc quyền. Đặc quyền tức là Nhà nước sẽ phụ trách, nhưng cũng có thể tạo ra sự lạm dụng. Luật này của chúng ta còn nhiều kẽ hở, nếu không khắc phục được điều này nó sẽ như một thứ lợi khí cho một bộ phận cán bộ có chức quyền lợi dụng".
Với đánh giá của một nhà sử học, ĐB Dương Trung Quốc cũng cảnh báo về việc dự luật này chưa có quy định chặt chẽ để tạo cơ chế "hạn điền". "Quy định giới hạn tối đa diện tích đất người dân được sử dụng không những hạn chế những trường hợp sở hữu đất vô hạn độ của tư nhân, mà chúng ta còn đảm bảo được sự kiểm soát cho an ninh đất nước"- ông quả quyết.
"Được" tăng thẩm quyền - toà án ngại?
Một "sự tiến bộ rất mới" - theo đánh giá của ĐB Nguyễn Văn Hiện (Chánh án TAND Tối cao) - của dự luật này là ngành toà án sẽ được "trao" thêm thẩm quyền trong giải quyết tranh chấp đất đai. Có khả năng sẽ được nhận thêm "cây bảo kiếm" mới này, thế nhưng phía đại diện ngành toà án lại tỏ ra không mặn mà gì cho lắm(?).
Đại diện đầu tiên của ngành toà án đứng lên phát biểu là ĐB Phạm Quý Ty (Chánh án TAND TP.Hà Nội). Ông bắt đầu bằng việc phản đối kịch liệt về quy định tại khoản 2, Điều 136 dự Luật Đất đai (sửa đổi): "Quy định khi đương sự không đồng ý với quyết định cuối cùng của UBND cấp tỉnh có quyền khởi kiện tại toà án là không hợp lý. Trước hết, đã là quyết định cuối cùng thì thì phải chấm dứt giải quyết ở đó, đằng này còn tiếp tục giải quyết theo một trình tự khác là toà án. Hơn nữa, nếu quy định như vậy thì sẽ tạo điều kiện làm tăng các vụ việc khiếu nại nhiều cấp, không thể kết thúc được. Quy định như vậy sẽ làm giảm số vụ việc phải giải quyết của cơ quan hành chính nhưng lại làm tràn sang "sân" của toà án.
Ông đưa ra số lượng các vụ việc tranh chấp đất đai ngành toà án tiếp nhận xử lý trong năm trước là 8.664 vụ, nhưng chỉ giải quyết được 4.761 vụ và cho rằng: "trong trường hợp quyết định cuối cùng của UBND tỉnh sai trái, ta có thể kết thúc vụ việc bằng một quyết định hành chính khác, tránh tình trạng làm việc quá tải của ngành toà án".
Sôi nổi và quyết liệt hơn, ĐB Hà Nội Nguyễn Văn Hiện (Chánh án TAND Tối cao) dạo đầu bằng một câu khẳng định: "Ý kiến tôi sẽ trình bày sau đây là ý kiến đại diện cho cả ngành toà án". Sau khi nhận xét bằng một giọng bình tĩnh về "sự tiến bộ rất mới" của dự luật lần này trong việc "giao thêm thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cho toà án", ĐB Hiện bắt đầu chứng minh về sự bất hợp lý của "tiến bộ rất mới" này: "Khi tiếp nhận giải quyết một vụ án tranh chấp đất đai, toà án ắt hẳn phải có quyết định về việc quyền sử dụng đất sẽ thuộc về bên nào. Quyết định này bắt buộc các bên phải thực hiện. Như vậy, xét về mặt nào đó, toà án cũng có quyền quyết định quyền sử dụng đất đối với các đương sự, mà thẩm quyền này là của các cơ quan hành chính. Thế có phải vô hình trung toà án đã làm thay công việc của cơ quan hành chính không? Chưa kể dự luật này còn mâu thuẫn với Luật Khiếu nại tố cáo. Luật Khiếu nại tố cáo cho phép công dân có quyền khiếu nại ra toà án ngay sau khi không đồng ý với quyết định của cơ quan hành chính cấp cơ sở, nhưng Luật Đất đai lại quy định trong trường hợp công dân không thoả mãn với quyết định cuối cũng của UNBD tỉnh thì mới được quyền khiếu nại ra toà".
ĐB Nguyễn Văn Hiện tỏ ra bất bình: "Ngay từ đầu, chúng tôi đã yêu cầu ban soan thảo, nếu giao thẩm quyền mới này cho toà án thì trước hết các cơ quan hành chính địa phương phải tổng kết đầy đủ số vụ đã tiếp nhận và giải quyết hơn 3 năm qua để bàn giao lại cho toà án xem cụ thể là bao nhiêu. Thế nhưng ban soạn thảo không thực hiện. Chúng tôi xin khiếu nại vấn đề này!".
Ông còn đưa ra một phép tính với những con số giật mình: "Mỗi năm cơ quan hành chính nhà nước các cấp nhận 120.000 vụ việc về đất đai. Theo tính toán của chúng tôi thì cùng lắm các cơ quan này có thể giải quyết được một nửa. Tức là toà án sẽ "được" bàn giao tới 6.000 vụ việc. Thế nhưng, chỉ có điều là mỗi thẩm phán của ngành toà án dù có năng lực đến đâu cũng chỉ có thể giải quyết được 6 vụ/tháng. Tức là tối thiểu phải có 1.000 thẩm phán cấp huyện đứng ra giải quyết 6.000 vụ việc đất đai này. Mà chúng ta đã biết năng lực của các thẩm phán cấp huyện hiện nay là như thế nào rồi đấy, trong khi các vụ việc này trước đó đều đã qua các ngành cấp cao, có trình độ xử lý".
Ông "tính" tiếp: "Như vậy, với 6.000 vụ được toà sơ thẩm cấp huyện thì ít nhất 3.000 vụ trong số đó sẽ tiếp tục được giải quyết bằng thủ tục phúc thẩm. Tức là phải có khoảng 1.500 thẩm phán toà án cấp tỉnh tham gia giải quyết. Chưa kể đến sẽ có khoảng 3.000 nhân viên giúp việc cho những thẩm phán này. Tóm lại, mỗi năm ngành toà án phải dành 8.000 nhân sự giải quyết khiếu nại. Trước đây các toà án huyện giải quyết có 8.000 vụ tranh chấp đất đai mà phải mất đến 1 năm, nay giao tới 60.000 việc/năm thì giải quyết thế nào?".
Cũng với những bức xúc trên, ĐB Cần Thơ Lê Văn Tâm (Chánh án TAND tỉnh Cần Thơ) lại tiếp tục quan điểm không nhất trí với "thẩm quyền mới" của ngành mình: "Nếu làm như vậy thì một vụ tranh chấp đất đai có thể qua tới 7 cấp trở lên (4 cấp UBND và trên 3 cấp xét xử của toà án). Như vậy là quá nhiều và bất hợp lý. Vì vậy tôi cho rằng chỉ nên giải quyết dừng lại ở UBND cấp tỉnh. Còn nếu như quyết định của UBND tỉnh chưa thoả đáng thì nên giao cho thanh tra giải quyết. Quyết định của thanh tra sẽ là quyết định cuối cùng!".
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) lại có ý kiến tham gia: "Toà nói không đủ sức giải quyết các vụ tranh chấp đất đai thì phải làm cho mình đủ sức chứ! Đủ sức hay không thì là việc của toà, toà vẫn phải làm!".
Điểm mới đáng chú ý trong giải trình tiếp thu ý kiến của Quốc hội về Luật Đất đai (sửa đổi): Về thị trường bất động sản, theo ý kiến của UBTVQH: việc quản lý thị trường bất động sản không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này. Do vậy, trong luật này chỉ có một số quy định về quyền sử dụng đất liên quan đến thị trường bất động sản để hỗ trợ cho việc quản lý, sử dụng đất đai, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển. Về quyền tặng cho quyền sử dụng đất: Quốc hội xin được tiếp thu và sửa đổi theo hướng: Tổ chức kinh tế được giao đất có thu tiền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất được tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cộng đồng dân cư, xây dựng nhà tình nghĩa; hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất được tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cộng đồng dân cư, xây dựng nhà tình nghĩa, tặng cho hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng mua nhà ở gắn liền với đất. |
-
Lan Anh