Công khai ngân sách sẽ giảm được nạn tham nhũng và xin cho!
(VietNamNet) - Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XI khai mạc sáng 21/10 là một kỳ họp được đánh giá có nhiều điểm đáng chú ý, cả về cách làm việc của các đại biểu QH, cũng như nội dung được thảo luận và quyết định. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã dành cho phóng viên VietNamNet cuộc trao đổi quanh những vấn đề này.
Chủ tịch QH Nguyễn Văn An |
- Những điểm đổi mới nào được coi là quan trọng nhất của hoạt động Quốc hội khoá này?
- Hiện ta mới có tất cả khoảng 200 luật được thông qua, trong khi nhu cầu cần phải có khoảng 700-800 luật. (Có nước có đến hàng nghìn luật). Nếu làm với tốc độ này thì 50 năm nữa mới làm xong luật. Vì thế, QH phải tăng tốc lên rất nhiều mới có thể rút ngắn chặng đường đó lại một nửa: hoàn thành việc này trong 25 năm - bằng quá trình công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước. Nâng cao hiệu quả của hoạt động lập pháp là một trong nhiệm vụ quan trọng của hoạt động Quốc hội khoá này. Vì thế, trong thời gian nối giữa kỳ họp lần trước tới lần này, Quốc hội đã có rất nhiều hoạt động nhằm nâng cao số lượng và chất lượng của hoạt động lập pháp. Nhờ sự chuẩn bị kỹ càng, thời gian bàn về các dự thảo luật tại nghị trường cũng ngắn hơn.
Từ khi có cương lĩnh đổi mới (1991) và Hiến pháp năm 1992, Quốc hội khoá 9 và khoá 10 đã có sự chuyển biến rõ nét. Cụ thể: Chất lượng và hiệu quả hoạt động được tăng cường; Tính chuyên nghiệp được nâng cao; Dân chủ được mở rộng; Tính công khai và minh bạch được tăng cường. Tất cả những điều này đã có tác động tích cực lên quá trình phát triển của đất nước. Những thành tựu chúng ta đạt được trong thời gian qua nhờ nhiều nguyên nhân, trong đó có sự đóng góp của hoạt động lập pháp.
- Theo Chủ tịch thì chất lượng làm luật hiện nay đã đáp ứng được đến đâu so với yêu cầu?
- Nhận thức về chất lượng làm luật cũng còn nhiều vấn đề phải bàn. Đội ngũ làm luật của ta nói chung chưa chuyên nghiệp. Riêng Nhật Bản - thượng nghị viện có Cục lập pháp riêng gồm 75 người. Quốc hội của ta chỉ mới có một Vụ xây dựng luật chỉ có mười mấy người, thư viện sách chưa có, thư viện điện tử cũng chưa. Hiện, Quốc hội mới thành lập Ban công tác lập pháp để giảm bớt thời gian bàn về câu chữ trước nghị trường. Phương hướng chung là Thường vụ Quốc hội chỉ quyết những chính sách luật, chữ nghĩa để anh em chuyên trách họ làm.
Trước kỳ họp này, Quốc hội cũng đã có nhiều công việc chuẩn bị như hội nghị Đại biểu chuyên trách, đưa ra các dự thảo luật để nhân dân góp ý… nhằm tránh triệt để tình trạng “làm văn trước nghị trường” (chữ mà các nhà báo hay dùng). Để các đại biểu đều có cơ hội phát biểu trước nghị trường là phát huy dân chủ, phát huy năng lực của người đại biểu dân bầu. Nhưng muốn rút ngắn thời gian làm luật và nâng cao chất lượng của việc làm luật thì phải có đội ngũ đại biểu chuyên trách làm luật. Vài khoá nữa, chắc là chúng ta phải nâng cao đội ngũ đại biểu chuyên trách lên tới 40%.
- Trong kỳ họp cuối năm nay, đây là lần đầu tiên, Quốc hội thông qua ngân sách. Và việc phân bổ ngân sách được đưa ra công khai để mọi người tranh luận. Thưa Chủ tịch, liệu có tình trạng phiên họp để bàn về ngân sách sẽ biến thể thành phiên họp Chính phủ mở rộng: đại biểu ngành nào, tỉnh nào thì “giành phần hơn” về ngân sách cho ngành đó hoặc địa phương mà họ giữ chức vụ?
- Năm nay là năm đầu tiên Quốc hội thực tập việc làm chủ ngân sách. Dân làm chủ ngân sách như thế nào? Dân đóng góp thuế, dân có quyền giám sát ngân sách. Việc giám sát này sẽ hạn chế tham nhũng và hạn chế xin cho. Việc này sẽ phát huy dân chủ, công khai. Quan trọng nhất là lý lẽ công khai. Chia cho ai, ngần nào, thì lý lẽ phải thuyết phục.
Để tránh tình trạng này thì phải làm kỹ với các nghành, các địa phương. Điều quan trọng nhất là Chính phủ phải bảo vệ được lý lẽ của mình trước Quốc hội. Công khai, minh bạch là mục đích lớn nhất của chúng ta. Phải có những định mức, tiêu chí, tiêu chuẩn để phân bổ ngân sách. Chính phủ bàn, Quốc hội quyết về định mức ngân sách. Năm nay là năm đầu tiên Quốc hội công khai bàn và quyết ngân sách. Dân nộp thuế thì dân phải được giám sát về ngân sách. Phải minh bạch mới hạn chế được nạn tham nhũng, xin cho.
- Thưa Chủ tịch, cánh cửa nghị trường ngày càng mở rộng để Quốc hội gần với dân hơn và phản ánh được tiếng nói của cử tri nhiều hơn. Theo Chủ tịch, để làm tốt điều đó hơn nữa, chúng ta phải chú ý đến khâu nào nhiều nhất?
- Là phải mở rộng “cửa” Quốc hội hơn nữa đối với báo chí. Tiếp tục phát huy dân chủ, công khai. Bước đầu đã gặt hái được một số thành công: họp thường vụ Quốc hội, Thường vụ chủ trương mời báo chí vào hết. Và báo chí cũng đã công khai mọi vấn đề mà Quốc hội đang bàn để người dân biết. Sau này cái gì đụng đến luật, luật đụng đến dân, phải đưa ra cho dân biết để người dân ý thức được rằng Quốc hội đang làm gì để phát huy quyền dân chủ của người dân.
· Lương Bích Ngọc