,
221
862
Ngân sách
ngansach
/thoisuquochoi/ngansach/
133897
Vẫn là... ''điệp khúc xin vốn"
1
Article
861
Thời sự Quốc hội
thoisuquochoi
/thoisuquochoi/
,
Thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ KT - XH của các địa phương:

Vẫn là... ''điệp khúc xin vốn'

Cập nhật lúc 07:38, Thứ Tư, 29/10/2003 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Vẫn bắt đầu bằng "nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ", tiếp theo là thông báo về những thành tựu kinh tế xã hội, nguyên nhân và hạn chế tồn tại trong năm qua của địa phương. Sau đó, cùng với việc trình bày "phương hướng phát triển cho năm tới", gần như không đại biểu nào bỏ sót một đề xuất "tế nhị" - đề nghị cấp thêm kinh phí cho địa phương mình, ngành mình! Khoảng 40 ĐB, đại diện cho ngần ấy tỉnh, thành đã phát biểu trong buổi thảo luận ngày hôm qua (28/10).

Quốc hội thảo luận tại hội trường. Ảnh: Nguyên Vũ

Mặc dù theo quan điểm của Chính phủ, nền kinh tế còn nhiều yếu kém "không phải do chúng ta không có vốn, mà do chúng ta quản lý thiếu năng động, tiêu xài lãng phí", thế nhưng, với các địa phương, mấu chốt của sự tăng triển kinh tế xã hội phải là vốn - tức là được đầu tư! Vậy nên, từ các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, an ninh cho đến những vấn đề thuộc về chính sách, trợ cấp..., có vẻ như trong năm tới, nếu không được "Chính phủ ưu tiên đầu tư" thì các địa phương sẽ không thể khắc phục khó khăn và vươn lên phát triển (?!).

ĐB Dương Kim Anh (tỉnh Trà Vinh): "Trên địa bàn tỉnh chúng tôi còn tới 20% hộ nghèo, trong đó có nhiều hộ gia đình chính sách đang cần sự quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ... Tuy nhiên, nguồn vốn tập trung trong ngân hàng chính sách không nhiều... Đề nghị Chính phủ chỉ đạo vận động bổ sung phát triển nguồn vốn ngân hàng chính sách, tăng nguồn vốn thời hạn và cho vay vốn".

ĐB Phạm Văn Tích (tỉnh Thanh Hoá): "Trong những năm qua Chính phủ đã dành một tỷ lệ nhất định từ ngân sách đầu tư cho khu vực miền núi trong địa bàn tỉnh nhưng mới đáp ứng được phần nhỏ yêu cầu... Nếu không có sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ thì miền núi nói chung và miền núi tỉnh Thanh Hoá nói riêng khó có thể tự vượt qua được khó khăn để thoát được đói, giảm được nghèo".

ĐB Hoàng Văn Lợi (tỉnh Bắc Giang): "Việc đầu tư của Trung ương cho tỉnh chúng tôi phát triển kinh tế xã hội tuy có nhưng còn hạn chế. Nhân đây chúng tôi cũng mong được sự quan tâm hơn nữa của Chính phủ cũng như các bộ ngành Trung ương đối với tỉnh Bắc Giang trong những năm tới".

ĐB Điểu K'Ré (tỉnh Đăk Lăk): "Để thực hiện QĐ 168 của Thủ tướng Chính phủ về định hướng dài hạn kế hoạch 5 năm 2001 - 2005 một cách hiệu quả, chúng tôi đề nghị trong năm 2004 Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm hơn nữa. Nhất là việc phân bổ ngân sách và đầu tư phát triển kinh tế xã hội... Có sự điều chỉnh hợp lý về tiền hỗ trợ mua lại vườn cây để giao lại cho đồng bào thiếu sản xuất...".

ĐB Nguyễn Xuân Phúc (tỉnh Quảng Nam): "Quảng Nam có 2 di sản thế giới trong số 5 di sản của cả nước. Do thời gian quá lâu, cộng với thời tiết khắc nghiệt nên phố cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn đã xuống cấp rất nghiêm trọng. Vì vậy chúng tôi đề nghị cần có một cơ chế của Nhà nước hỗ trợ cùng với nguồn lực của địa phương để bảo vệ giữ gìn trung tu tôn tạo. Do đó tôi xin kiến nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Văn hoá, Bộ Tài chính giúp đỡ để xử lý sớm việc này, nhất là trong tình trạng bão lũ ở miền Trung đang ở tần suất cao".

ĐB Trương Công Đặng (tỉnh Bạc Liêu): "Khả năng của tỉnh có hạn, do vậy rất cần có sự chỉ đạo đầu tư của Chính phủ để phát triển. Thực tế những năm qua cho thấy, riêng những lĩnh vực được Chính phủ quan tâm đầu tư thì hoạt động rất tốt".

ĐB Lê Thanh Phong (tỉnh Lâm Đồng): "...Thứ nhất, chúng tôi đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo đầu tư hơn nữa cho các công trình theo quyết định 168 của Chính phủ cho các tỉnh Tây Nguyên. Theo chúng tôi nhận thấy, tốc độ đầu tư vừa qua không biết với các tỉnh thể nào, riêng với Lâm Đồng, theo kế hoạch 2001 - 2005 được phân bổ cho các công trình là 12.084 tỷ, trong đó có 3.600 vốn thuộc NSNN. Tuy nhiên 3 năm qua tỉnh mới chỉ nhận được 1.600 tỷ (chỉ đạt 41% kế hoạch). Với tiến độ phân bổ ngân sách nhỏ giọt như hiện nay chúng tôi e rằng khó thực hiện đúng các mục tiêu của Chính phủ và Bộ Chính trị đã đề ra... Đồng thời chúng tôi cũng đề nghị xem xét lại mức đầu tư cho chương trình 135 cho các xã đặc biệt khó khăn, tăng cho mỗi xã từ 800 đến 1 tỷ đồng để thực hiện chủ động đầu tư cho các vùng đặc biệt khó khăn... Thứ hai, chúng tôi đề nghị Chính phủ hỗ trợ ngân sách đầu tư cho các địa phương với mục tiêu đến năm 2005 giải quyết cơ bản nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số... Thứ ba, chúng tôi đề nghị Chính phủ có cơ chế chính sách triển khai chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và thuỷ lợi. Thứ tư, để bảo vệ diện tích đất rừng thì nguồn chi từ lấy rừng nuôi rừng và vốn 661 đã được Chính phủ phân bổ là không đủ...".

ĐB Lê Nguyệt Hân (tỉnh Cà Mau): "Địa bàn tỉnh Cà Mau có nền đất yếu nên chi phí xây dựng ở đây rất cao. Nếu cùng một số tiền thì tỉnh khác có thể xây được hai công trình, còn ở địa phương chúng tôi chỉ được một. Bên cạnh đó, năng suất tôm của tỉnh còn thấp do chưa có đầu tư thoả đáng cho hệ thống thuỷ lợi. Nếu được quan tâm đầu tư thì ngành thuỷ sản Cà Mau sẽ phát triển rất cao, đóng góp đáng kể cho năng suất thuỷ sản của cả nước".

ĐB Mai Thế Dương (tỉnh Bắc Cạn): "Tỉnh Bắc Cạn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác, trong đó có hồ Ba Bể, vì chưa có kinh phí xây dựng. Ở địa phương chúng tôi thường xuyên gặp thiên tai, gây thiệt hại rất nặng nề. Do đó, chúng tôi xin được Chính phủ đầu tư phát triển và xây dựng hệ thống kiên cố hoá kênh mương... Tỷ lệ đói nghèo trong tỉnh còn cao, chúng tôi đã có dự án sắp xếp phân loại các hộ đói nghèo để có chính sách hỗ trợ hợp lý, nhưng vì kinh phí chưa có nên chưa làm được...".

ĐB Nguyễn Thế Thảo (tỉnh Bắc Ninh): "NSNN cần phải đầu tư cao hơn nữa cho kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn". ĐB Thảo còn "chua" thêm: "Các cử tri hay hỏi tôi: Tại sao ở đô thị cái gì cũng được đầu tư từ ngân sách, còn ở nông thôn thì cái gì cũng là Nhà nước và nhân dân cũng làm?" (?).

Vài ngày làm việc trước đây, trong buổi thảo luận ở tổ Hà Nội, ĐB Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã nói chuyện về "cái bánh" ngân sách: "Cái bánh thì nhỏ, nhưng ai cũng muốn miếng to. Vấn đề là phải làm cho cái bánh lớn lên, chưa kể phải làm thế nào để giữ bánh cho chuột không ăn mất"... Với tình hình này, Chính phủ có lẽ sẽ lại gặp nhiều khó khăn trong việc giải bài toán "chia bánh" này...

  • Lan Anh

,

Tin khác

Tin khác của 'Ngân sách'

,
,