'Lấn cấn' từ tên gọi!
(VietNamNet) - "Chắc chắn anh soạn thảo còn lấn cấn trong việc đặt tên" - ĐB Hà Nội Phạm Quý Tỵ phát biểu khi bàn về sự bất hợp lý của tên gọi thanh tra nhà nước,. Nhiếu ý kiến cho rằng, nên xem xét lại cơ chế thanh tra nhân dân, vì cơ quan này thực tế như một công cụ để nội bộ dùng... chơi nhau. Đa phần ĐB phàn nàn về những quy định chưa rõ ràng của dự Luật Thanh tra trong phân định giữa thanh tra, kiểm tra và giám sát.
Dùng thanh tra nhân dân để... chơi nhau
"Thanh tra nhân dân mà phanh phui ra vụ nào thì hoặc là làm theo ý thủ trưởng, hoặc là cũng ông phó muốn chơi thủ trưởng. Vậy có nên để tồn tại một cơ quan như thế?" - ĐB Hà Nội Tôn Thất Bách lớn tiếng hỏi.
Trước đó, ĐB Hà Nội Nguyễn Ngọc Đào cũng không kém phần bức xúc: "Từ trước đến nay tôi chỉ thấy những vụ được thanh tra nhân dân phát hiện là vì mục đích nội bộ muốn chơi nhau mà thôi!".
ĐB Hà Nội Hoàng Văn Nghiên hưởng ứng thêm: "Còn có trường hợp ông thủ trưởng kiêm làm thanh tra nhân dân, khi xảy ra chuyện liên quan đến lợi ích của mình thì nhân danh thanh tranh nhân dân để phán xét. Vậy mà cũng không ai làm gì được, vì ông là thanh tra nhân dân mà!".
ĐB Trần Khanh Chương lại đưa ra một nhận xét: "Luật giao cho thanh tra phòng ngừa và chống tham ô, tham nhũng. Nghe thì oai thế nhưng thực tế không làm được gì!".
Trong khi đó, ĐB Lương Phan Cừ (tỉnh Đăk Lăk) thì cho rằng: "Một chủ tịch tỉnh sẽ không làm được gì nếu trong tay mình không có một cơ quan thanh tra. Bởi thời gian qua, các cơ quan giám sát của HĐND, đoàn nhân dân, các đoàn kiểm tra thường xuyên hoạt động không có hiệu quả".
Tỏ rõ sự không đồng tình với ý kiến này, ĐB linh mục Vũ Thanh Lịch phản đối: "Nếu lãnh đạo tỉnh và cơ quan thanh tra cấu kết với nhau thì sao? Ông thanh tra đã làm việc cho ông tỉnh thì không thể trái lời được. Nhất thiết phải độc lập riêng ra!".
Làm sao để thanh tra lại thanh tra?
Một hiện tượng người ta đã nói nhiều, nghe nhiều nhưng mãi không thấy thay đổi là cung cách làm ăn tuỳ tiện của nhiều đoàn thanh tra. Có quyền làm ảnh hưởng đến hoạt động làm ăn của doanh nghiệp nên nhiều đoàn thanh tra cứ "ghé thăm" doanh nghiệp đều đều, không theo quy chế, lịch trình cụ thể nào. Theo báo cáo tổng kết hoạt động thanh tra, có doanh nghiệp một năm "được" thanh, kiểm tra tới... 28 lần (trường hợp của Nhà máy thuốc lá Bắc Sơn - thuộc TCCT Thuốc lá Việt Nam).
Còn theo như ĐB Đặng Như Lợi (đoàn Cà Mau): "Qua tài liệu tổng kết hoạt động thanh tra của Chính phủ phát cho các ĐB Quốc hội, thấy có hiện tượng chỉ một năm, 90 DN có từ 6 - 9 cuộc thanh tra, 23 DN có từ 10 cuộc trở lên". "Cứ thanh tra, kiểm tra nhiều như thế thì các doanh nghiệp làm ăn thế nào được?" - ông Lợi xót xa hỏi.
ĐB Nguyễn Lân Dũng (đoàn Đăk Lăk) có ý kiến: "Thanh tra sai thì làm sao thanh tra lại thanh tra? Phải có chế tài đối với những hoạt động sai trái của thanh tra viên để họ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Xử lý được tiêu cực của cơ quan thanh tra rất khó! Theo tôi nên làm theo nguyên tắc: nếu thanh tra viên làm sai vì trình độ non kém thì có thể khắc phục. Còn nếu đã vì tiền mà vi phạm thì cương quyết xử lý luôn!".
ĐB Hà Nội Trần Khanh Chương cũng lo lắng: "Ai sẽ giải quyết "hậu thanh tra" khi cơ quan thanh tra làm sai? Quyết định đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp mà sai trái sẽ kéo theo hàng loạt hậu quả sa sút về kinh tế. Thanh tra sẽ lấy tiền đâu để bồi hoàn cho những tổn thất ấy, phải chăng lấy từ NSNN?".
Tỏ ra lạc quan hơn, ĐB Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh nói: "Ở Đà Nẵng thì 7 năm nay không có chuyện thanh tra tuỳ ý. Muốn thanh tra cái gì thì phải lập đoàn, có quy chế hoạt động rõ ràng. Ai cũng nói là bị thanh tra chứ chưa ai nói là được thanh tra cả, nhưng không vì thế mà buông lỏng thanh tra, giám sát".
"Một doanh nghiệp mỗi năm phải cõng mấy lần thanh tra, kiểm tra thì làm ăn sao được? Mà thanh tra nhiều nhưng có giải quyết được gì đâu. Rồi lại phong bì, ''thanh kiu'' trước khi về thôi" - ĐB Lương Phan Cừ kết luận.
Có luật, thanh tra có mạnh hơn?
"Có Luật Thanh tra là tốt rồi, nhưng thanh tra có mạnh hơn được không? Hiện nay, ở Trung ương còn tồn đọng từ 7.000 - 8.000 vụ thanh tra đất đai, nhưng chúng ta không đủ sức làm, vì có những vụ phải từ 2 thanh tra trở lên mới giải quyết được"- ĐB Nguyễn Lân Dũng (đoàn Đăk Lăk) bắt đầu quan tâm đến khả năng thực hiện trọng trách luật sẽ giao cho cơ quan thanh tra.
ĐB Hà Nội Tôn Thất Bách thì phản ánh: "Hiện nay, riêng các sở y tế không có đủ thanh tra để thanh tra các cửa hàng thuốc trên địa bàn". ĐB Lương Phan Cừ (tỉnh Đăk Lăk) nêu một ví dụ: "Như thanh tra ngành dược, có chuyện trớ trêu là nhiều khi bác sĩ mới ra trường lại đi thanh tra bác sĩ làm nghề tới mấy chục năm. Đã không có chuyên môn sâu thì làm sao đưa ra được kết quả chính xác!".
Theo ĐB Đặng Như Lợi: "Ở ngành bảo hiểm xã hội còn có trường hợp một tỉnh mà 3 cán bộ thanh tra phải thanh tra tới 6.000 doanh nghiệp, quá tải đến mức thanh tra nản quá không làm nữa. Nên chăng chúng ta phải có một cuộc cách mạng để thay đổi?".
"Lấn cấn" từ tên gọi
Không mấy hài lòng với cụm từ thanh tra nhà nước trong dự luật, ĐB Phạm Quý Tỵ cho rằng: "TAND Tối cao và Viện KSND Tối cao đều có cơ quan thanh tra, nhưng Luật Thanh tra lại không điều chỉnh hoạt động của những cơ quan này. Vậy có nên gọi là thanh tra nhà nước không? Hay cứ gọi thẳng ra là thanh tra nhà nước các cấp. Nếu không, cùng lắm thì gọi là thanh tra Chính phủ. Còn nếu cứ để là thanh tra nhà nước, hoá ra hai anh TAND và Viện KS không phải cơ quan nhà nước à?".
ĐB Tỵ góp ý thêm: "Ngay trong Điều 2 của luật quy định về phạm vi thanh tra rất chung chung, chẳng thấy đối tượng điều chỉnh cụ thể nào. Tôi nghĩ, vì ta cứ cố đặt cơ quan thanh tra nhân dân vào luật, mà thanh tra nhân dân và thanh tra nhà nước có phạm vi hoạt động khác nhau, thành thử ông Thanh (Tổng thanh tra nhà nước Quách Lê Thanh) mới không biết ghi đối tượng như thế nào cho hợp lý cả. Chắc chắn các anh soạn thảo còn lấn cấn trong việc đặt tên thanh tra nhà nước hay thanh tra Chính phủ".
ĐB Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh đồng tình: "Nên đổi tên thanh tra nhà nước thành thanh tra Chính phủ thì hợp lý hơn. Có nên đưa thanh tra nhân dân vào thanh tra nhà nước không khi thanh tra nhân dân thực chất là hoạt động giám sát của nhân dân. Theo tôi gọi thanh tra nhân dân là giám sát nhân dân thì chuẩn hơn".
Chia sẻ với những quan điểm này, ĐB Hà Nội Hoàng Văn Nghiên nhất trí: "Tôi thống nhất nên đổi tên thanh tra nhà nước thành thanh tra Chính phủ. Nếu thanh tra nhà nước thì cấp nào cũng phải có. Ta cần quan tâm đến tính nhân dân, dân chủ, nhưng nếu gượng đặt cơ quan thanh tra nhân dân vào Luật Thanh tra thì sẽ làm lệch cơ cấu tổ chức và chức năng thanh tra nhà nước"...
Ngoài bàn cãi về tên gọi và việc nên hay không nên "đặt" thanh tra nhân dân trong cùng một dự luật với thanh tra nhà nước, các ĐB còn có nhiều ý kiến thắc mắc về cơ cấu tổ chức và hoạt động của hệ thống thanh tra.
ĐB Đặng Như Lợi (đoàn Cà Mau) phát biểu: "Phải có cách nào để phân biệt thanh tra, không để lẫn với kiểm tra, giám sát. Liệu luật này đề ra có giải quyết được sự chồng chéo, không rõ ràng này không? Tôi thì thấy, lẽ ra luật phải đi từ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn mà quy định cơ cấu tổ chức, hoạt động phù hợp, đằng này lại làm ngược lại. Ngay quy định về thanh tra nhà nước, luật chia ra gồm thanh tra theo hành chính và thanh tra chuyên ngành".
Ông nói thêm: "Thử phân tích một chút, hành chính là ở Trung ương, tỉnh, huyện; chuyên ngành là ở Bộ, Sở. Vậy Bộ thì không thuộc Trung ương à? còn Sở không phải là cơ quan của tỉnh sao? Thế nên ngay việc chia như vậy đã thấy lẫn lộn rồi. Theo tôi chỉ nên để tất cả thanh tra thuộc về một anh thôi, như vậy mới tập hợp được sức mạnh để làm việc. Riêng về thanh tra nhân dân, nếu không có định nghĩa rõ về cụm từ này sẽ dẫn tới trùng lặp với chức năng giám sát của Quốc hội, HĐND, Mặt trận Tổ quốc".
ĐB Lương Phan Cừ lại cho rằng: "Phải tách thanh tra nhà nước và thanh tra chuyên ngành. Thanh tra nên thuộc cơ quan quản lý hành chính nhà nước các cấp để hỗ trợ chức năng quản lý".
ĐB Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh thì có nhận xét: "Ông thanh tra chịu trách nhiệm với chính quyền địa phương nhưng cũng phải chịu trách nhiệm với cấp trên ngành dọc của ổng. Nếu cán bộ tỉnh có sai phạm gì thì ông cũng có thể báo cáo lên cấp trên là tổng thanh tra cơ mà. Theo tôi, thanh tra chuyên ngành chỉ dùng với một số bộ, ngành hoạt động trong lĩnh vực đặc thù như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, vì những Bộ này có quá nhiều cấp".
"Mắc mớ nhất là ở Điều 43. Phải nói rõ trách nhiệm liên đới của thanh tra viên và điều tra viên như thế nào. Nhiều khi thanh tra viên chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra nhưng điều tra viên không nhận thì cũng chẳng làm gì được, lắm lúc điều tra viên muốn hỏi thêm thông tin về vụ việc được bàn giao thì thanh tra viên cũng chẳng chịu cung cấp cho. Hai bên cứ lý nọ, lý kia, chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi người dân. Nên có quy định về trách nhiệm cụ thể của từng người..." - ông Thanh kiến nghị.
-
Lan Anh