,
221
505
Thư Thăng Long
thuhanoi
/thuhanoi/
119962
Trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm chính trị
1
Article
null
,

Trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm chính trị

Cập nhật lúc 17:38, Thứ Hai, 06/10/2003 (GMT+7)
,

Trách nhiệm pháp lý là trách nhiệm trước pháp luật. Trách nhiệm chính trị là trách nhiệm trước cử tri. Tất cả mọi công dân ai cũng đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, không phải ai cũng phải chịu trách nhiệm trước cử tri. Những người không nắm giữ các chức vụ cao cấp của nhà nước thì không phải chịu loại trách nhiệm này.

Trách nhiệm chính trị được xác lập dựa trên sự tín nhiệm. Và sự bất tín nhiệm là loại chế tài duy nhất ở đây. Tuy nhiên, đây là loại chế tài mang nặng tính “xa xỉ”: nó chỉ phát huy tác dụng trong một hệ thống chính trị có lương tâm. 

Trách nhiệm chính trị được bảo đảm bằng hai cách: Một là thông qua bầu cử; Hai là, thông qua hoạt động của cơ quan đại diện cho cử tri.

Qua bầu cử, cử tri thể hiện sự tín nhiệm, cũng như sự bất tín nhiệm của mình bằng lá phiếu. Những người không nhận đủ phiếu của cử tri thì cũng có nghĩa là không được cử tri tín nhiệm trong việc điều hành đất nước. Ngược lại, những người nhận đủ phiếu của cử tri có nghĩa đồng thời nhận được sự uỷ quyền. Một chính phủ được uỷ quyền là một chính phủ có sự hỗ trợ mạnh mẽ của nhân dân cho chương trình nghị sự mà chính phủ đó đề ra.

Thực tế cho thấy, không phải một chính phủ nào cũng có được sự uỷ quyền của cử tri. Ví dụ, chính phủ của Tổng thống Mỹ Bu-sơ hiện nay là một chính phủ không có sự uỷ quyền. Đơn giản, ông Bu-sơ đã nhận được ít phiếu của cử tri hơn là đối thủ của mình trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua. Ông Bu-sơ đã thắng cử theo luật (nhận được nhiều phiếu hơn từ các đại cử tri), chứ không phải theo tín nhiệm của đa số cử tri Mỹ. Đây là một sự trớ trêu của luật bầu cử Mỹ. Vì vậy, rất nhiều người Mỹ muốn cải cách luật bầu cử tổng thống. Thực tế cho thấy, đây không phải một công việc dễ dàng. Tuy nhiên, điều hành đất nước mà không được uỷ quyền thì có lẽ chỉ có ở Mỹ!.
Cử tri có thể uỷ quyền theo hai cách: uỷ quyền theo lệnh và uỷ quyền theo chế độ uỷ trị. Uỷ quyền theo lệnh, cũng như uỷ quyền theo chế độ uỷ trị là những khái niệm nghe rất lạ tai. Có lẽ, nguyên nhân chính là do những khái niệm này chưa được nhắc tới nhiều trong khoa học chính trị ở nước ta. Tuy nhiên, nếu thuật ngữ “sức khoẻ sinh sản” được chấp nhận, hai thuật ngữ nói trên hoàn toàn có cơ hội để được “nhập quốc tịch” vào một ngày nào đó.

Uỷ quyền theo lệnh nghĩa là việc cử tri bầu ra đại diện của mình, và đại diện đó chỉ được làm theo lệnh của cử tri (Các nước xã hội chủ nghĩa trước đây thường áp dụng loại uỷ quyền này). Uỷ quyền theo chế độ uỷ trị là việc cử tri bầu ra đại diện của mình, và đại diện đó được toàn quyền quyết định mọi công việc theo cách mà đại diện đó cho là tốt nhất. Luật bầu cử ở ta chưa quy định tương đối rõ về loại uỷ quyền mà các vị đại biểu Quốc hội của chúng ta có được qua bầu cử. Tuy nhiên, không làm rõ điều này, thì bảo đảm trách nhiệm chính trị là điều không dễ.

Nhiều quan chức cao cấp của nhà nước không phải do cử tri trực tiếp bầu ra, vì vậy chế tài về trách nhiệm chính trị được thực hiện thông qua hoạt động của cơ quan đại diện cho cử tri. ở nước ta cơ quan này là Quốc hội (ở  địa phương là Hội đồng nhân dân các cấp).

Hoạt động giám sát của Quốc hội mà quan trọng nhất là chất vấn, nghe báo cáo và bỏ phiếu tín nhiệm chính là công cụ để bảo đảm trách nhiệm chính trị. Và trách nhiệm chính trị mới là mối quan tâm của Quốc hội, không phải trách nhiệm pháp lý.(Quốc hội không phải là thiết chế được sinh ra để áp đặt trách nhiệm pháp lý). Tuy nhiên, đối với các quan chức chính trị, không xử lý được trách nhiệm chính trị, thì việc xử lý trách nhiệm pháp lý sẽ rất khó khăn. Xin phân tích việc xét xử cựu Bộ trưởng Năng lượng Vũ Ngọc Hải để làm rõ điều này. Do trách nhiệm chính trị đã không được xử lý trước, nên vị cựu bộ trưởng này đã bị đưa ra xét xử ở Toà án nhân dân tối cao (Không thể để Toàn án quận hoặc thành phố xét xử  một bộ trưởng). Lúc đó ở Toà án tối cao chỉ có một loại thủ tục để áp dụng cho trường hợp này là xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm, nghĩa là bị cáo không có quyền kháng án. ông Hải đã không “tâm phục, khẩu phục” với bản án 3 năm tù (và không chỉ một mình ông Hải), nhưng đã không thể kháng cáo. Rủi ro lớn nhất ở đây là: một tên tội phạm hình sự vẫn có quyền kháng cáo, còn một vị bộ trưởng lại không có được quyền này. Nếu trách nhiệm chính trị của vị bộ trưởng này được xử lý trước ở Quốc hội, sau đó như một công dân bình thường, bị cáo Vũ Ngọc Hải được đưa ra xét xử ở toàn án quận,  thì điều đáng tiếc nói trên đã không xẩy ra.

Mới đây, khi bị Quốc hội chất vấn về những bê bối xẩy ra ở một bộ, vị bộ trưởng có liên quan đã trả lời là ông đang hợp tác tối đa với các cơ quan tư pháp để làm rõ vụ việc và trách nhiệm đến đâu sẽ xin chịu đến đấy. Các vị đại biểu Quốc hội có vẻ đã hài lòng  với câu trả lời này. Tuy nhiên, trách nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp lý là hai vấn đề khác nhau. Các cơ quan tư pháp không thể giúp Quốc hội làm rõ trách nhiệm chính trị của một quan chức. Quốc hội chính là cơ quan có thẩm quyền và có trách nhiệm đối với công việc này.

Trách nhiệm chính trị là một loại trách nhiệm rất quan trọng. Bảo đảm trách nhiệm chính trị là bảo đảm sự trong sạch và vững mạnh của nhà nước.

  • TS. Nguyễn Sĩ Dũng
,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,