Bệ và tượng
Mỗi thế hệ chỉ làm nên cái bệ, còn đời sau sẽ làm nên cái tượng. Chiến công 60 ngày đêm của quân dân Thủ đô Hà Nội (12/1946 - 2/1947) đã là một cái bệ cao vời vợi rồi, thì cái tượng "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" thế nào cho tương xứng là phần việc còn lại của thế hệ sau.
Chiều hôm rồi ở Nhà Triển lãm Tràng Tiền khai mạc trưng bày các mẫu tượng đài “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” mà thành phố Hà Nội đặt hy vọng thay thế cho bức tượng cùng chủ đề vốn đã tại vị hơn 2 thập niên nay trước cửa Đền Ngọc Sơn và bên hông Đền Bà Kiệu.
Người đến dự, ngoài quan chức có trách nhiệm, giới kiến trúc, tạo hình, còn có một số khá đông khách mời hoặc không mời mà đến. Đó là những ông già bà cả, số đông đều ngót nghét bát tuần. Đó là những người từng quyết tử, tham dự vào chiến công đánh thực dân Pháp 60 ngày đêm, “sống mái với Thủ đô”, cách nay cũng sắp tròn sáu mươi năm. Một cậu bé “Ga-vơ-rốt” của Victor Hugo trên các “lũy hoa” của Nguyễn Huy Tưởng năm xưa, nay cũng vượt ngưỡng tuổi “cổ lai hy” rồi. Những ông già, bà cả ấy cũng chính là những nguyên mẫu của tượng đài được hiện thân bằng những chàng trai, cô gái xinh tươi tuấn tú, bước vào trận đánh vẫn toát lên vẻ thanh lịch hào hoa. Để có một bức tượng toát lên được thần sắc ấy, thật không dễ.
Về tượng đài cảm tử cũ đã tại vị hai thập niên bên bờ Hồ Gươm, đã từng lưu truyền một bài vè: “Một người, một người, lại một người - Khen ai khéo tạc tượng trêu ngươi - Thiếu nữ cầm gươm như quét rác - Chàng trai đánh giặc tựa ngồi chơi - Giặc đến từ đâu mà không ngắm - Ba càng lại đem chĩa lên trời...”. Tất nhiên đã ve vẻ vè ve là có sự sâu cay, có chút bỡn cợt và có nhiều dị bản. Và có thêm một sự thật đã được tâm linh hóa, về cái chết bất đắc kỳ tử của nghệ sĩ Kim Giao, tác giả mẫu tượng, ngay sau khi tượng đài mới khánh thành không lâu. Người ta nói đến phong thủy, đến việc chặt cành đa cổ thụ, nhưng cùng với thời gian, người ta chia sẻ ngày càng nhiều hơn với người nghệ sĩ bất hạnh này.
Tác giả đã chết, nay bức tượng của ông cũng sắp phải đưa vào khuôn viên bảo tàng như phương án của những người có trách nhiệm của Thủ đô giải thích, mặc dầu ai cũng biết rằng làm sao dịch chuyển một tượng đài bằng xi măng đúc, và Hà Nội đến nay vẫn chưa có đất cắm cho bảo tàng. Nhưng điều an ủi lớn nhất với tác giả đã quá cố Kim Giao là ngày càng có nhiều người biết rằng mẫu tượng "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" mà ông sáng tác không hoàn toàn giống như bức tượng tại vị bên Hồ Gươm hai thập niên nay. Bức tượng đã tồn tại hai thập niên đó chỉ là sản phẩm một thời của thói sáng tác tập thể, hay nôm na ta thường gọi là “đẽo cày giữa chợ”.
Người biết chuyện kể lại rằng, phác thảo tượng lúc đầu chỉ có hai nhân vật là anh lính vệ quốc đoàn ôm bom ba càng và chị tự vệ chiến đấu cầm gươm trong bộ áo dài không thể lẫn của con gái Hà Thành, còn phía sau lưng làm nền là những mảng tường đổ vỡ vì bom đạn và những lỗ đục thông tường đặc trưng của trận địa thép Thủ đô... (Cái mẫu sáng tác được tuyển chọn, may mắn thay còn lưu được qua tấm ảnh nhỏ, rồi sau này còn tìm thấy cả phác thảo thạch cao lưu lạc lên một tỉnh xa, được một người anh em lưu giữ)... Phác thảo ấy đương nhiên phải được thông qua các nhà lãnh đạo, thường là người quyết định tối hậu. Nhận xét đầu tiên là không thấy bóng dáng của người công nhân, biểu tượng cho giai cấp lãnh đạo. Không có lãnh đạo thì làm sao có chiến thắng? Thế là xuất hiện nhân vật thứ ba, một tự vệ công nhân, đương nhiên phải là người được trang bị một thứ vũ khí hiện đại hơn hai nhân vật kia và phải đứng ở một vị trí tương xứng... Có thêm một nhân vật quan trọng, phải đứng hay ngồi ở giữa, thế là bố cục phải đảo, tư thế phải thích hợp, nền cảnh phải thay đổi, thậm chí bỏ đi... Và cứ thế, lời bình có gang, có thép dần dần khiến cho bức tượng của Kim Giao biến thể, trở thành như ta đang thấy...
Thế rồi, nhờ việc một tờ báo in lại bức phác họa ban đầu của Kim Giao, vị lãnh đạo Hà Nội chủ trì việc làm lại tượng Quyết tử lần này đã giành được một sự đặc cách và được các vị thành viên hội đồng chia sẻ là chấp nhận phác thảo ban đầu của cố nghệ sĩ Kim Giao vào vòng trong và cho phép các bạn nghề của nghệ sĩ Kim Giao thể hiện thành mẫu như quy định của kỳ tuyển chọn vòng trong. Tại cuộc trưng bày lần này thấy có phác thảo của Kim Giao, không chỉ phục dựng lại những ý tưởng ban đầu mà còn được nâng lên bởi trái tim bạn bè và tay nghề của giới tạo hình đã có thêm hai mươi năm tôi luyện so với trình độ thời anh Kim Giao làm tượng.
Tôi đã quan sát và lắng nghe những lời bình sôi nổi qua giọng nói lào thào của những người cao tuổi về những mẫu tượng tạc lại chiến công mà chính thế hệ của họ đã làm nên gần sáu mươi năm trước. Lớp người ấy dù vẫn đưa ra những lời nhận xét về sự bất cập của các tác phẩm nghệ thuật so với hiện thực lịch sử mà họ đã từng trải, nhưng trái tim họ đã run lên khi nhận biết rằng những đóng góp của họ cho lịch sử đất nước và thủ đô sẽ không bị lãng quên. Các thế hệ sau sẽ luôn hướng tới những gì tốt đẹp nhất mà họ có thể làm được để tôn vinh chiến công của người xưa. Bởi lẽ, mỗi người, mỗi thế hệ chỉ làm nên cái bệ, còn người đời sau sẽ làm nên cái tượng. Chiến công 60 ngày đêm của quân dân Thủ đô Hà Nội (12/1946 - 2/1947) đã là một cái bệ cao vời vợi rồi thì cái tượng chỉ còn là phần việc còn lại của thế hệ sau.