,
221
505
Thư Thăng Long
thuhanoi
/thuhanoi/
500200
Phải nâng cao năng lực sử dụng nhân tài!
1
Article
null
,

Phải nâng cao năng lực sử dụng nhân tài!

Cập nhật lúc 10:09, Thứ Hai, 16/08/2004 (GMT+7)
,

Một chính sách đào tạo nhân tài với sự đầu tư tính bằng bạc triệu đôla vừa làm phấn chấn vừa gây băn khoăn cho dư luận. Phấn chấn vì sự quan tâm của các nhà lãnh đạo đất nước, nhưng băn khoăn một nỗi liệu tiền bạc có thể là yếu tố quyết định việc đất nước sẽ có thêm nhân tài hay không?

Lại nhớ về một thời cách nay ngót nghét sáu chục năm. Khi đất nước mới độc lập, trừ lĩnh vực chính trị, còn tất thảy các lĩnh vực khác, nguồn nhân lực duy nhất cho đất nước đều được đào tạo trong hệ thống các trường học của đế quốc, ở chính quốc cũng như ở thuộc địa. Lấy đâu ra nhân tài để kháng chiến và kiến quốc đây? Cụ Hồ đã đưa ra một nguyên lý, đến nay đọc lại vẫn thấy chẳng hề cũ. Cụ không nói đến việc đào tạo nhân tài, vì lúc đó nhà nước cách mạng mới bắt tay vào đào tạo thì bao giờ mới có nhân tài. Mà không có nhân tài thì những thành quả cách mạng sẽ tiêu vong. Cụ nói đến việc "khéo chọn""khéo sử dụng nhân tài". Chữ "khéo" cụ dùng thật là … "khéo".

Trên báo Cứu Quốc, vị Chủ tịch nước giải thích rõ quan điểm của mình: "Việc dùng nhân tài không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe". Trong bài viết tác giả không giải thích khái niệm “những điều kiện quá khắt khe". Nhưng đọc câu tiếp theo thì sẽ hiểu rõ hơn: "Tài to thì ta dùng vào việc to, tài nhỏ ta cắt vào việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì thì ta đặt vào việc ấy… Người nói giỏi lại cho vào việc chỉ cần khéo chân tay, người viết giỏi lại cho làm việc về lao động thì nhất định không thể nào thành công được. Biết dùng người ta sẽ không lo thiếu cán bộ" (Báo Cứu Quốc 4/10/1945)

Như thế trong quan niệm của Cụ Hồ, nhân tài không chỉ hiểu theo nghĩa là một lớp người đặc biệt nào đó (toàn tài), mà quan trọng hơn là phải nhận biết và khai thác năng lực của mỗi người vào những mục tiêu đúng đắn. Phát triển quan niệm ấy, Cụ còn viết: "Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển thêm" (Báo Cứu Quốc 14/11/1945). Điều Cụ Hồ viết ra chẳng xa điều ông bà ta vẫn nói: "dụng nhân như dụng mộc"

"Khéo dùng người", như cách nói của Cụ Hồ là một vế còn quan trọng hơn cả đào tạo nhân tài. Không bàn về việc bỏ ra nhiều tiền có thể đào tạo nhân tài được hay không, vì lẽ, nhân tài (nếu có) được đào tạo ấy sẽ được sử dụng như thế nào, và ai là người sử dụng họ. Cứ theo cách tư duy của Cụ Hồ, thì vấn đề mấu chốt cho việc phát huy nhân tài là ở phía người sử dụng nhân tài, chứ không phải là chính nhân tài. Biết bao nhân tài đã không (hay chưa) được (Nhà nước) sử dụng?

Chỉ cần đọc báo trong một ngày bất kỳ cũng thấy được đủ chuyện để minh hoạ cho điều đã nói ở trên. Một nữ thủ môn tài năng, nhiều kinh nghiệm được giới chuyên môn tín nhiệm cử làm huấn luyện viên cho thủ môn đội tuyển nữ, nhưng không được người lãnh đạo ngành chấp nhận chỉ vì không có bằng cấp, để rồi chọn một ông có bằng cấp nhưng chưa bao giờ huấn luyện thủ môn. Một cậu bé lớn lên trong lam lũ, bươn chải kiếm sống trên một con kênh bẩn thỉu ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng khi đã lọt vào con kênh tuyển dụng nhân tài của nước Mỹ thì đã nhận được ngay nhiều bàn tay chào đón của các trường đại học danh tiếng nhất hoàn cầu v.v…

Như thế, để đất nước phát triển với hàm lượng chất xám ngày càng cao, việc đào tạo nhân tài là cần thiết; nhưng quan trọng hơn lại là việc nâng cao năng lực sử dụng nhân tài mà Cụ Hồ gọi là "khéo dùng nhân tài". Và đừng quên rằng nhân tài đời nào cũng có nhưng người biết sử dụng nhân tài thì không phải đời nào cũng có. Do vậy đào tạo những người khéo dùng nhân tài còn khó hơn và cần hơn là đào tạo nhân tài.

  • Dương Trung Quốc

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,