iCMS - nỗi buồn và sự chờ đợi...
Suốt tuần qua, dư luận và giới CNTT Việt Nam đã thực sự chấn động trước sự việc hacker tấn công các website để "đòi công lý", về nguồn gốc của sản phẩm iCMS và tính chính xác trong giải thưởng cuộc thi Trí tuệ Việt Nam. Điều mà chúng ta chờ đợi là sau sự việc này, Thắng cùng nhóm iCMS có dám đối diện với lỗi lầm của mình và đi tiếp con đường sự nghiệp của mình theo cách nào?
Hẳn nhiều người vẫn nhớ cảm xúc của mình mỗi lần chứng kiến các lễ trao giải cuộc thi "Trí tuệ Việt Nam" (từ năm 2000). Những "thần tượng" đại diện cho tri thức và sự sáng tạo của giới trẻ Việt Nam bước lên nhận giải, vinh quang giữa tiếng reo hò và tràn ngập hoa. Họ là niềm tin để giới trẻ noi theo học tập, niềm mơ ước để giới trẻ phấn đấu...
Vậy mà giờ đây, một trong số họ lại làm tất cả thất vọng về ý nghĩa cao quý của giải thưởng này.
Sự gian lận của một trong số họ đã làm tổn thương tình cảm từng có của công chúng đối với "Trí tuệ Việt Nam".
Sau sự việc này, một lần nữa khiến người ta nhìn nhận lại giá trị của nhiều giải thưởng và tính minh bạch của nhiều cuộc thi - không chỉ riêng trong lĩnh vực công nghệ thông tin. (Còn lỗi do thí sinh "khôn vặt", "láu cá" hay BGK, Ban tổ chức non tay hoặc không chính trực lại là câu chuyện khác). Qua "sự cố" lần này, uy tín của cuộc thi tôn vinh sự sáng tạo của người Việt Nam chắc chắn sẽ bị sứt mẻ đôi phần. Đây cũng là bài học đắt giá đối với Ban tổ chức và ban giám khảo cuộc thi để rồi đây họ sẽ phải nỗ lực khắc phục để lấy lại được niềm tin của công chúng. Nhưng chúng ta vẫn hãy đặt niềm tin vào Ban tổ chức cuộc thi, vào sân chơi bổ ích cho các bạn trẻ trong giới CNTT Việt Nam, không vì một số điểm chưa hài lòng đó mà xa lánh hoặc tẩy chay sân chơi này.
Điểm mấu chốt nhất của câu chuyện Vương Vũ Thắng và nhóm iCMS liên quan đến việc khai thác mã nguồn mở. Khai thác mà không nói rõ nguồn gốc là vi phạm "luật chơi" mã nguồn mở. Nhưng lại không nhắc gì đến cái nguồn mình đã khai thác, rồi lại đem đi dự thi để nhận giải thưởng thì khó mà khiến dư luận nhắm mắt làm ngơ. Nhưng lý do chính yếu nhất khiến cho cộng đồng tin học nổi giận là ở chỗ: sự nhập nhằng đánh lận con đen giữa thí sinh và BGK!
Còn về chuyện kinh doanh, người mua không có lỗi khi mua món hàng mà họ không điều tra xuất xứ và lại được sự "bảo lãnh" của một cuộc thi được tiếng sáng giá. Còn nếu nhóm iCMS ghi nhận công sức trí tuệ của những tác giả đã phát triển mã nguồn đó và tôn trọng đúng luật bản quyền, họ hoàn toàn có thể đưa sản phẩm đó ra thị trường phần mềm Việt Nam để bán. Và khi đã mua bán, thì chuyện mua với giá bao nhiêu, mua được giá trị sử dụng gì hoàn toàn chỉ còn là sự thương lượng giữa người mua và người bán.
Trong một đời người, không ai tránh khỏi những vấp ngã. Vương Vũ Thắng và iCMS cũng vậy. Sự nổi danh và thành công đến sớm, ở tuổi còn quá trẻ. Một chút coi thường công chúng - nhất là khi mà cộng đồng không phải ai cũng am tường về tin học và biết nhiều về thông tin qua Internet đã khiến Thắng và nhóm iCMS có một "cú vấp" đáng nhớ. Điều đó cũng dễ hiểu đối với một thanh niên mới qua tuổi 20 và quá dễ với tới vinh quang.
Nhưng công tâm nhìn lại, thì với tuổi 24, Vương Vũ Thắng cũng đã có những thành công đặc biệt ấn tượng với những bạn bè cùng trang lứa: Có một công ty riêng và các hợp đồng tiền tỷ với các đối tác lớn trong nước. Không phải kỹ sư CNTT nào ở độ tuổi 24 cũng làm được điều đó. Điều mà chúng ta chờ đợi là sau sự việc này, Thắng và nhóm iCMS có dám đối diện với lỗi lầm của mình và sẽ đi tiếp con đường sự nghiệp của mình theo cách nào.
“Mỗi lần ngã là một lần bớt dại”, hy vọng cú vấp ngã này sẽ là liều thuốc đắng để Thắng và các bạn của mình nhìn lại, đứng dậy và đi tiếp…
· VietNamNet