,
221
505
Thư Thăng Long
thuhanoi
/thuhanoi/
560058
Cơn giận của Mẹ Đất và nỗi đau nhân thế
1
Article
null
,

Cơn giận của Mẹ Đất và nỗi đau nhân thế

Cập nhật lúc 07:43, Thứ Tư, 29/12/2004 (GMT+7)
,

Chúng ta đang đứng trước một thảm hoạ nữa, không phải do thiên nhiên gây ra mà trong chính mỗi chúng ta: sự vô cảm với sự sinh tồn của thiên nhiên, của tính mạng đồng loại. Đó chính là nguồn gốc của mọi thảm hoạ.

Sáng 27/12, các bản tin thời sự loan báo, một trận động đất mạnh xảy ra gần đảo Sumatra (Indonesia) nhưng không có con số cụ thể về thương vong. Những tưởng, đó cũng chỉ là một cơn trở mình như mọi lần của Mẹ Trái Đất rồi sau đó mọi thứ sẽ yên bình trở lại. Nhưng không.

Mười một giờ trưa, bãi biển Phuket (Thái Lan) tràn ngập nắng và du khách bốn phương tới đây hưởng ánh nắng rực rỡ của mặt trời nhiệt đới. Ai đó chỉ ra phía biển và gọi mọi người cùng nhìn theo trầm trồ: một cơn sóng cao đẹp tuyệt vời lặng lẽ tiến vào bờ. Biển vẫn lặng, trời vẫn trong và gió vẫn mơn man, không ai ngờ rằng họ đang đứng trước một sức mạnh huỷ diệt ghê gớm và Thuỷ thần đang dang vòng tay chết chóc có tên gọi "Tsunami" (Sóng Thần). Chỉ khi con sóng tiến đến sát bờ vài chục mét, người ta mới nhận ra sự đe doạ của nó, nhưng mọi chuyện đã quá muộn. Vài phút sau, Hải vương đã hút tất cả vào lòng đại dương sâu thẳm...

Ở cách đó hơn nghìn cây số, những cư dân ven biển Sri Lanca và Ấn Độ cũng chịu chung số phận. Không hề được cảnh báo, khi cơn sóng dữ ập đến cuốn phăng đi tất cả, và hàng nghìn, hàng nghìn người bị dòng nước xoáy đớp vào như những miếng mồi ngon. Do thiên tai xảy ra bất ngờ và phạm vi tàn phá quá rộng nên không ai biết chắc con số thương vong, chỉ có đại dương mới biết rõ bao nhiêu người đã trở thành vật tế cho Thuỷ thần. Cả một vùng rộng lớn trên đảo Sumatra, cả một dải ven biển Sri Lanca, Ấn Độ vốn bình yên, thành phố nghỉ mát Phuket và cả quốc đảo Mandives xinh đẹp, từ những thiên đường du lịch bỗng chốc trở thành địa ngục.

Kể từ giờ phút đó, chuông nguyện hồn rung như không dứt báo con số nạn nhân cứ tăng lên rợn người: một nghìn, rồi năm nghìn, mười nghìn, hai mươi nghìn, ba mươi nghìn... Có hãng tin đã đưa ra con số năm mươi nghìn, bảy mươi nghìn và đó có thể vẫn chưa là con số cuối cùng. Bảy - mươi - nghìn - người - chết - chỉ trong mấy giờ đồng hồ.

Đến hôm nay mặt biển đã bình yên trở lại với màu xanh ngút ngát tới tận chân trời. Nếu đi trên tàu cách bờ vài cây số sẽ chẳng thấy dấu hiệu nào về cơn Đại Hồng thuỷ đã qua. Nhưng trên bờ biển thì vẫn còn nguyên nỗi đau trần thế: khắp nơi đầy những xác người, con khóc cha, vợ khóc chồng, em khóc anh... và nhiều trường hợp không có ai mà khóc, do cả làng, cả dòng họ đã bị cuốn theo dòng nước. "Những người chết là người may mắn", câu nói của một người dân Sri Lanca chính là hiện thân của nỗi đau khôn cùng đó. Nhưng đó chỉ là bắt đầu. Nhiều người cảnh báo về một thảm hoạ tiếp theo nếu không có sự trợ giúp kịp thời. Câu chuyện buồn về thảm kịch này vẫn chưa dừng lại.

Dẫu biết rằng, thiên tai là khó tránh, nhưng người ta vẫn đặt câu hỏi: Liệu có cách nào để giảm bớt thương vong, và buồn thay, câu trả lời lại là CÓ. Các nhà khoa học cho biết rằng, sóng thần hình thành do cơn địa chấn cực mạnh lan truyền trong lòng đại dương với vận tốc 500-700 km/giờ. Từ  khi sóng thần phát sinh ở gần đảo Sumatra đến lúc ập vào bờ biển Sri Lanca phải mất vài tiếng đồng hồ và trong quãng thời gian đó người ta hoàn toàn có thể cảnh báo được thảm hoạ.

Nếu được cảnh báo kịp thời, nhiều người đã có thể chạy lên đến những nơi an toàn và không phải chết tức tưởi như vậy. Tiếc rằng điều đó đã không xảy ra. Trong khi con người hoàn toàn có thể làm được công việc này: tại Thái Bình dương, ngay từ năm 1948, người ta đã cho lắp đặt một hệ thống cảnh báo sóng thần, thì cả một khu vực rộng lớn ở Ấn Độ dương, nơi tập trung rất nhiều điểm dân cư sát bờ biển lại không có một trạm cảnh báo nào. Vì sao? Chỉ có những người có trách nhiệm mới trả lời được cho hàng nghìn sinh mạng đã bị đại dương cướp đi.

Đây không phải là thảm hoạ động đất và sóng thần đầu tiên trong lịch sử và cũng không phải là thảm hoạ cuối cùng. Trong số nhiều nguyên nhân dẫn đến cơn giận dữ của Mẹ Đất không thể không kể đến những hành động khai thác thiên nhiên một cách tàn nhẫn của con người và sự dốt nát trong việc đối phó với thiên tai. Thêm một lần nữa chúng ta lại phải nói về trách nhiệm với mạng sống của đồng loại. Có thể thấy rằng chúng ta đang đứng trước một thảm hoạ nữa, không phải  do thiên nhiên gây ra mà trong chính mỗi chúng ta: sự vô cảm với sự sinh tồn của thiên nhiên, của tính mạng đồng loại. Đó chính là nguồn gốc của mọi thảm hoạ.

  • Hà Khoa

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,