,
221
505
Thư Thăng Long
thuhanoi
/thuhanoi/
680076
Cho ai đó khóc sau song cửa...
1
Article
null
,

Cho ai đó khóc sau song cửa...

Cập nhật lúc 08:45, Thứ Hai, 11/07/2005 (GMT+7)
,

...Khi đi đường, thấy một kẻ yếu bị hành hung, hoặc một người bị tai nạn ta có thể dễ dàng cứu họ. Nhưng cứu một người bị hành hung trong gia đình, "Lục Vân Tiên" mọi thời đều vấp phải trở lực và dường như bị bó tay bởi thông lệ "đèn nhà ai nhà ấy rạng".

Thư này, tôi gửi cho ai đó đang khóc sau song cửa.

Song cửa, có thể là sắt, là gỗ. Cũng có loại cửa không chấn song. Cửa của những ngôi nhà rộng lớn với nhiều phòng ngủ, phòng tắm, phòng chơi thể thao, bể bơi và thậm chí cả sân tennis. Cũng có thể trong một căn nhà hẹp, lợp tranh tre nứa lá, khói bếp rạ bếp than ám đen nhà và bộ bàn nước quẹn đầy vết chân ruồi... Và rất nhiều, sau song cửa hẹp của những chung cư, với ngàn bộ cửa như một.

Những chấn song khác nhau. No đói giàu nghèo khác nhau. Người ngồi sau chấn song khác nhau. Nhưng tôi viết cho những giọt nước mắt giống nhau, cùng rơi sau song cửa.

Cửa và nhà thật mong manh về mặt vật liệu. Dẫu là bê tông cốt thép cũng có thể rạn nứt sau một chiếc cưa hoặc búa. Bền vững, chỉ có những phận người bị cầm tù trong địa ngục gia đình. Bị cầm tù bởi thói quen, bởi trách nhiệm, bởi kinh tế và cả dư luận, bởi sự hãi sợ bị cộng đồng và họ hàng chối bỏ, họ cam tâm bị cầm tù sau song cửa và ngày ngày gạt nước mắt ngậm ngùi. Thậm chí cam tâm nô lệ cho những sự độc ác của người thân.

Ai đó sau song cửa.

Tôi viết cho ai đó mà tôi từng nhìn thấy hoặc nghe thấy tiếng kêu của họ. Đôi khi, tiếng kêu của họ cũng thấu tới các tòa án. Đó là khi họ đã bị đánh đập, hành hạ đến thân tàn mà dại, đến thập tử nhất sinh và hàng xóm hoặc một đôi nhà chức trách không thể không động lòng trắc ẩn mang tới các bệnh viện chữa chạy. Nếu còn được sống sót, đôi khi họ có thể khiếu nại lên toà. Chủ yếu là để được ly hôn chứ không phải để được đền bù.

Kẻ gây tội ác rất ít khi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm thân thể người thân hay phải bồi thường lâu dài về sự tàn phế đã gây ra cho nạn nhân. Không phải ngẫu nhiên mà con số thống kê về các vụ bạo lực gia đình của các toà án trong cả nước ngày càng tăng. Trong đó, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người già.

Đâu đó, có người con đánh đập hoặc bỏ đói bố mẹ. Đâu đó, có người con sống ở thành phố, dỗ ngon dỗ ngọt bố mẹ bán hết gia sản cả đời nhịn ăn nhịn mặc nuôi con ăn học và dành dụm được ở quê, đưa hết tiền cho anh ta rồi khăn gói lên ở với con trên phố. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, vợ chồng đứa con ông bà rứt ruột đẻ ra đã kiếm chuyện hắt hủi và đẩy họ ra đường trong tuyệt vọng, sống dở chết dở.

Đâu đó, có người đàn bà bị chồng ép uổng sinh đến 5 đứa con. Bụng vượt mặt hoặc ngay cả sau khi sinh vài ngày vẫn phải chạy chợ làm hàng xáo để nuôi con và cung đốn tiền cho chồng uống rượu và đánh bạc. Đến khi chị bị hậu sản mòn, không đủ sức khoẻ để tiếp tục cung đốn thì anh ta trói chị lại, dằn sấp mặt xuống cái thớt gỗ, đem dao chặt cổ. May mà tóc chị dày nên cổ chưa đứt và chị chỉ bị thương nặng. Những đứa con từ nhỏ đã phải chứng kiến cảnh đánh đập mẹ, gào khóc thảm thiết và lớn lên với một tâm hồn bị thương tổn nặng nề.

Đâu đó, những cô bé và cậu bé phải sớm lao động nặng nhọc trong tiếng chì chiết đay nghiến rủa xả của mẹ, trong những cơn đánh dập đầu vào tường đến toé máu mỗi khi người cha say rượu hoặc lên cơn tức giận.

Đâu đó, có những đứa trẻ bị cha mẹ buộc bị gậy vào người và lang thang xin ăn. Nếu trong ngày, bé không nộp đủ số tiền khoán, bé sẽ bị phạt nhịn ăn, bị đánh đập và sáng hôm sau sẽ bị đẩy ra đường với mảnh áo rách từ khi mờ đất với cái bụng rỗng không!

Đọc thư này, đến đây, hẳn có bạn đọc nhăn mặt, bảo rằng sao quá lời!

Không quá lời đâu. Thưa người! Những điều này, báo chí đăng tải đã nhiều. Có một số phiên toà đã được xử. Nhưng chẳng báo chí và toà án nào đủ lời, đủ thời giờ để mô tả và để xử được tất cả những bi kịch gia đình. Những người dám kiện kẻ ngược đãi ra toà, dù có thắng kiện trở về, cũng suốt đời bị đay nghiến rủa xả vì đã dám "vạch áo cho người xem lưng". Ngoài những bạo lực có thể nhìn thấy, ngay các trung tâm về nghiên cứu giới và thống kê bạo lực gia đình cũng không đủ lời mô tả vì còn có quá nhiều đòn hiểm ác về tinh thần mà con người đã nghĩ ra để hành hạ người thân của mình.

Ai đó may mắn được sống trong nhung lụa, được sự chiều chuộng êm ái của người thân. Các bạn có cha mẹ tốt, người tình tốt, anh chị em họ hàng và chồng tốt vợ tốt. Thật tuyệt vời. Chúc mừng các bạn và mong ngày càng có thêm nhiều người được như thế.

Nhưng nhung lụa của ta không có nghĩa là nhung lụa của người. Có những người đang phải nằm trên gai nhọn. Nước mắt, thậm chí máu của họ rỉ xuống từng ngày.

Ta có cứu được họ không?

Không dễ.

Khi đi đường, thấy một kẻ yếu bị hành hung, hoặc một người bị tai nạn ta có thể dễ dàng cứu họ. Nhưng cứu một người bị hành hung trong gia đình, "Lục Vân Tiên" mọi thời đều vấp phải trở lực và dường như bị bó tay bởi thông lệ "đèn nhà ai nhà ấy rạng". Việc nhà tôi là chuyện riêng, chuyện cá nhân. Không ai có quyền xen vào. Thậm chí có nhiều người vào can anh em, vợ chồng đánh đập nhau, đã bị hành hung gây thương tật vĩnh viễn.

Như vậy, có một pháo đài quá kiên cố bao quanh, là "bức tường lửa" ngăn chặn, bảo vệ quá hữu hiệu cho những tội ác trong gia đình.

Nỗi đau của mỗi người, là nỗi đau của mỗi người. Sự bất công đối với người này, là mối đe doạ đối với mỗi người. Nếu không ý thức được điều đó, loài người đặt ra cảnh sát và toà án để làm gì!

Ai sẽ là "Lục Vân Tiên" thời nay?

Đương nhiên, nếu mỗi người là một "Lục Vân Tiên", thì toàn xã hội sẽ trở thành một người khổng lồ "giữa đường thấy việc bất bằng chẳng tha" để hạn chế đau khổ cho những cá thể và làm lành mạnh xã hội.

Xã hội làm "Lục Vân Tiên" bằng cách nào?

Kinh nghiệm của nhiều nước, là bằng sự củng cố luật pháp, bằng cách ràng buộc sự quan tâm của mỗi người để có thể bảo vệ được những nạn nhân của bất công và bạo lực gia đình.

Chẳng hạn, tại nhiều nước, Luật quy định, người hàng xóm, hoặc bất kỳ ai, chứng kiến hoặc thấy những dấu hiệu có thể nghi ngờ về một người nào đó có thể là vừa, đang hoặc sắp là nạn nhân của bạo lực gia đình cũng như các loại bạo lực khác, thì phải ngăn chặn hoặc báo ngay cho các nhà chức trách. Ai không ngăn ngừa, không thông báo sẽ bị kết tội thờ ơ với đồng loại.

Hoặc quy định, người thực hiện không đầy đủ trách nhiệm với người thân của mình, hoặc gây ra bạo lực, sẽ bị kết tội hình sự và có thể bị tù theo quy định của pháp luật. Nhà chức trách mà bỏ qua tội của những người này, sẽ bị cảnh cáo, mất việc, thậm chí bị tội hình sự.

Ngoài ra, nhà chức trách còn áp dụng nhiều biện pháp khẩn cấp: làm nhà lánh nạn cho nạn nhân, tạm giữ người gây ra bạo lực...

Và còn nhiều biện pháp khác mà nếu để tâm, chúng ta có thể nghĩ ra.

Ai đó còn khóc sau song cửa.

Xin đừng thờ ơ với số phận của họ. Các cơ quan hữu trách nên làm một điều gì đó cụ thể, hữu hiệu hơn để bảo vệ các gia đình, bằng cách chống bạo lực gia đình, thay vì chỉ ca ngợi "gia đình lung linh". Bởi vì từ chỗ "lung linh", nếu chúng ta sao nhãng trước số phận con người, gia đình có thể trở thành "địa ngục."

  • Võ Thị Hảo

Ý kiến của bạn về nạn bạo lực gia đình hiện nay:

Xem ý kiến của bạn tại đây

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,