,
221
505
Thư Thăng Long
thuhanoi
/thuhanoi/
771809
Lựa chọn của một nữ doanh nhân
1
Article
null
,

Lựa chọn của một nữ doanh nhân

Cập nhật lúc 21:42, Thứ Hai, 06/03/2006 (GMT+7)
,

LTS: Trong bài viết gửi đến VietNamNet, chị chỉ ghi đơn giản: "Lê Nga - một giám đốc doanh nghiệp tư nhân" nhưng thấm đẫm trong từng con chữ là tấm lòng của một người tràn đầy nhiệt huyết, tình yêu với đất nước và  đặc biệt với Đảng. Chị đã yêu theo cách: đầy kỳ vọng và nâng niu cái thời khắc mà mình nộp đơn xin gia nhập Đảng...

Những dòng tâm tình của chị nằm trong mạch trao đổi về  chủ đề: "Đảng viên làm kinh tế tư nhân có phải là bóc lột?" trên VietNamNet.

...Tôi đã đọc gần như tất cả các đóng góp trên diễn đàn “góp ý cho dư thảo báo cáo chính trị của Đại hội Đảng lần thứ X” của Vietnam Net, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Truyền hình, Đài phát thanh… Nhưng tôi không định có một phát biểu gì. Song, sau khi đọc bài viết của anh Nguyễn Hữu Vinh, tôi quyết định viết một vài dòng…

Chắc tôi có nhiều điểm tương đồng với anh, rất nhiều điểm. Tôi cũng đã rời bỏ vị trí của mình ở một doanh nghiệp nhà nước hạng nhất, để mở một công ty tư nhân cùng bạn bè, nhưng sau anh khoảng năm năm. Cũng xuất phát từ những bức bối vì muốn mình được làm việc một cách có ý nghĩa hơn. Vì hối tiếc mình đã bỏ mất hàng chục năm ở một nơi mà chỉ để phục vụ những người không xứng đáng.

Khi quyết định điều này tôi cũng có những băn khoăn như anh, những lo sợ phải đối mặt với thương trường, là nơi mà tôi cũng cho rằng mình không thích hợp. Tôi cũng sinh ra trong một gia  đình mà hai bên nội, ngoại cũng toàn làm “nghề cán bộ”, đảng viên “gia truyền” lâu năm, lão thành, xung quanh tôi cũng toàn “người nhà nước” và Đảng viên, cha tôi cũng là cựu Bí thư TƯ Đảng, mẹ tôi là cán bộ Đảng viên trước năm 1945.

Nhưng tôi khác anh một điều là tôi không gia nhập Đảng, ngay từ khi rời ghế trường đại học và ra công tác, tôi được tổ chức Đoàn cơ quan, được thủ trưởng cơ quan giới thiệu với Đảng để kết nạp, song tôi đã từ chối. 

Lúc đó tôi còn trẻ và nghĩ rằng : ở trong Đảng hay ngoài Đảng có gi là quan trọng đâu,  mình có ở trong hay ngoài Đảng, thì lúc nào cũng vẫn cần phải phấn đấu, học hỏi, rèn luyện để trở thành người tử tế, thành người có kiến thức, có văn hoá, thành người có ích. Và đó mới là điều quan trọng. Riêng việc trở  thành một người Tử tế và có Kiến thức cũng đã là có ích cho xã hội rồi. Còn muốn cống hiến ư? có ở ngoài Đảng cũng có ai ngăn trở mình cống hiến đâu? Và tôi đã đứng ngoài hàng ngũ của Đảng, mà nhiều người cho là đứng ra ngoài con đường mà cha mẹ tôi đã đi.

Điều này cũng là một băn khoăn đối với tôi. Bởi đúng theo đạo lý của cha ông ta - Con cái không được phép làm cho cha mẹ phải buồn phiền.

Tôi còn nhớ đến cái ngày tôi ở cơ quan về nhà và thông báo với cha mẹ việc Đoàn thanh niên đã giới thiệu tôi để kết nạp Đảng và tôi đã từ chối,  Cha mẹ tôi đã lặng đi, mẹ tôi khuyên “con nên đến xin lỗi các anh”. Vâng viết đến đây tôi cũng thấy lặng người, nó làm tôi nhớ đến cái cảm giác đau xót khi ngay sau lời khuyên của mẹ tôi, trong đầu tôi đã xuất hiện ý nghĩ rằng “Mẹ ơi, không bao giờ con có thể làm như thế”, nhưng lúc đó tôi đã không nói gì, không thể nói gì.

 Sau này, tôi còn nhớ đến một lần tôi đến thăm nhà một người đồng chí của cha tôi, là UVBCT, ông đã hỏi tôi rằng “Cháu là Đảng viên rồi chứ?", tôi cũng đã thấy ông lặng đi một lúc sau khi tôi trả lời rằng “Thưa bác, chưa ạ?”.  Tôi đã kể với ông câu chuyện kia và kể lại việc tôi đã trình bày với Cha tôi rằng : “Họ giới thiệu con để kết nạp Đảng lúc đó vì họ vẫn cho đó là một đặc quyền đặc lợi, chứ chưa phải là vì sự phấn đấu của con, nên con đã từ chối, Cha hãy cho phép con đến một lúc nào đấy, con thấy rất cần thiết phải là Đảng viên, con sẽ tự nguyện viết đơn xin gia nhập Đảng, lúc đó Đảng có chấp nhận con không sẽ là quyết định của Đảng” và Cha tôi đã  không có ý kiến nữa, ông đã tôn trọng quyết định của tôi.

Rồi bằng ấy năm, tôi vẫn tâm niệm và để ý đến thời điểm thích hợp nào đó sẽ viết đơn xin gia nhập Đảng. Song đến nay,  tôi vẫn chưa thấy có thời điểm nào thích hợp. Xung quanh tôi, rất nhìều ban bè, rất nhiều đồng nghiệp đã phấn đấu rất nỗ lực để được là Đảng viên, nhưng tôi thấy sao họ phấn đấu khó thế, vất vả thế. Có những anh chị, cùng cơ quan  hơn tôi đến 15, 20 tuổi, là cảm tình của Đảng từ những khi mới ra trường, vậy mà họ cứ phấn đấu mãi chẳng được kết nạp, mà đại đa số họ rất tốt, có trình độ chuyên môn, chẳng có khuyết điểm gì lớn, chẳng cơ hội, chỉ có một điều là đa số những người đó đều không thuộc “cánh” của các thủ trưởng, tính cách thì lại thẳng thắn, thấy gì nói đấy nên rút cuộc, hàng năm họ vẫn đi dự những lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng, hết năm này đến năm khác, đến nay vẫn không thấy gia nhập Đảng.

Song những chi bộ, Đảng bộ như thế có hiệu quả trong công tác phát triển Đảng không? Vẫn hiệu quả, hàng năm vẫn tăng trưởng được số lượng là bao nhiêu đảng viên đó.

Tôi vẫn để ý và đánh giá các Đảng viên này và phân thành  hai loại – loại thứ nhất là sau khi vào đảng rồi là chẳng phấn đấu nữa, có lẽ họ đã hài lòng rồi, thoả ước nguyện rồi, thường đây là những người về khả năng chuyên môn rất thường, lại an phận thủ thường, chỉ là hàng ngũ cán bộ công chức bình thường thôi, họ máy móc và nguyên tắc (do sợ bị động chạm đến vị trí và quyền lợi của mình). – loại thứ hai là sau khi phấn đấu vào đảng rồi vẫn tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa, mỗi ngườì  có một kiểu phấn đấu riêng,  những người này thường sau này đều có một vị trí cao, một chức vụ gì đó ở các cấp, có người  được ở vị trí rất cao.

Và rồi  sau này, lại chính người thủ trưởng có ý định kết nạp tôi vào Đảng đó lại bị dính vào đường lao lý vì tham nhũng, và còn nhiều các trường hợp khác diễn ra trước mắt tôi là Đảng viên, là lãnh đạo nhưng năng lực thấp, đạo đức kém, mà lại chẳng chịu tu dưỡng, phấn đấu, không gương mẫu và chỉ giỏi tư túi.

Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu như trong dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội lần thứ X của Đảng không nêu ra “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, thiếu trung thực và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí sách nhiễu trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức diễn ra nghiêm trọng. Nhiều tổ chức cơ sở đảng thiếu sức chiến đấu và không đủ năng lực giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh. Công tác tư tưởng còn thiếu tính chiến đấu, tính thuyết phục. Công tác lý luận chưa làm sáng tỏ được một số vấn đề quan trọng trong công cuộc đổi mới. Việc kiện toàn bộ máy của hệ thống chính trị và công tác tổ chức cán bộ trên một số mặt yếu kém. Chất lượng và hiệu quả kiểm tra, giám sát chưa cao”.

Tôi nghĩ rằng, anh và tôi, chúng ta đều là con cháu của các bậc tiền bối cách mạng, nhưng đến giờ phút này chúng ta đều là những người đứng ở ngoài Đảng. Chắc anh có thể cùng chia sẻ được với tôi rằng chúng ta vẫn có một nỗi niềm, mặc dù đã chọn được cho mình một con đường đi, một đích đến rõ ràng là  được làm những người Tử tế và có Kiến thức, được làm những việc có ý nghĩa, có ích cho xã hội, cho nhân dân.  Anh vẫn còn băn khoăn rằng nếu anh quay lại Đảng thì phải từ bỏ con đường làm “ông chủ”. (Tức là “bóc lột”)

Tôi không rõ là anh và tôi có bằng tuổi nhau, hay hơn kém nhau thế nào? Nhưng tôi sinh ra ở thế hệ không biết thế nào là bóc lột, không gặp hiện tượng bóc lột, và đến giờ tôi chỉ thường xuyên được thấy  hiện tượng mà người ta gọi là “trấn lột”. Nhiều hình thức “trấn lột” lắm :  cán bộ nhà nước bớt xén giờ làm việc, “bấu véo” vào các khoản kinh phí của các dự án, lợi dụng chức quyền để kiếm tiền bất minh, tham nhũng, lấy tiền nhà nước đi đánh bạc, …. như thế là “trấn lột” phải không?

Còn tôi thấy, anh và tôi, chúng ta đều chẳng bóc lột ai, chẳng trấn lột ai. Tôi không rõ doanh nghiệp của anh là hình thức doanh nghiệp cổ phần hay TNHH, chúng tôi là công ty cổ phần, tôi nghĩ rằng chúng tôi  chẳng bóc lột ai, chẳng trấn lột ai, tất cả thành viên ở công ty chúng tôi là cổ đông đóng góp và sáng lập, chúng tôi tự làm cho chúng tôi và đóng thuế cho nhà nước.

Tôi nghĩ rằng công ty của anh cũng như công ty của tôi thôi, đều là những doanh nghiệp chân chính, bởi chúng ta là những người đã có ý thức, có mục đích để làm người tử tế  và có kiến thức, làm những điều có ích và ý nghĩa. Vậy thì có gì mà anh lại phải băn khoăn là mình làm người Đảng viên hay “ông chủ”.

Tôi tin rằng với ý thức cần đổi mới của Đảng như dự thảo báo cáo chính trị Đại hội lần thứ 10 đã nêu, nên Đảng đã lấy ý kiến của đông đảo quần chúng, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, trí thức, nhân sĩ… để chấn chỉnh, chỉnh đốn,  hoàn thiện mình, hoàn thiện bộ máy… để xây dựng một Đảng vững mạnh hơn.

Tôi đã đọc gần như tất cả các đóng góp trên diễn đàn “góp ý cho dư thảo báo cáo chính trị của Đại hội Đảng lần thứ X” của Vietnam Net, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Truyền hình, Đài phát thanh…, vấn đề đảng viên làm kinh tế được thảo luận rất sôi nổi và tôi cho rằng hiệu quả. Tôi tin rằng Ban lãnh đạo Đảng sẽ quan tâm và chú ý đến các ý kiến phù hợp với lợi ích của nhân dân, của đất nước, phù hợp với quy luật phát triển, minh triết và trong sáng. Tôi nghĩ rằng, chắc cũng không lâu nữa Đảng sẽ thấy mình càng thêm sức mạnh, khi anh trở về với Đảng.  Và cũng có thể đó là lúc tôi sẽ viết lá đơn xin gia nhập Đảng, chúng ta sẽ cùng các bạn bè, đồng nghiệp đi chung một con đường. Con đường mà Cha mẹ chúng ta đã chọn -  Con đường dẫn đất nước và dân tộc đến Thịnh vượng và Bình Yên, Hạnh phúc.

Đến đây, tôi lại nhớ đến một câu nói của một người bạn cũ nào đó đã nói với tôi : “Con người sẽ càng trở nên con người hơn, khi họ có thêm khả năng để làm được những điều tưởng như không thể”.


Hà Nội, Ngày 3/3/2006

  • Lê Nga (Giám đốc một doanh nghiệp tư nhân).
,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,