Ung nhọt PMU18 và những căn bệnh trầm kha
(VietNamNet) - Cái ung nhọt PMU 18 vỡ toang đã cho thấy nguy cơ của các căn bệnh xã hội trầm kha: vô cảm, quan liêu và hình thức, thậm chí là dối trá
Trong xã hội vẫn chưa dứt cơn sốt PMU 18. Những ngày qua, báo chí như chạy hết công suất. Chưa bao giờ các công sở, cơ quan và cả xã hội từ các công chức, viên chức đến bác xe ôm có “ tinh thần đọc báo” như vậy.
Nhưng càng đọc, người ta càng phải suy ngẫm, và những người có lương tâm càng thấy bức bối vì những thông tin báo chí đưa ra. Không chỉ là chuyện đánh bạc, chuyện thất thoát hàng tỷ đồng ở các công trình lớn của quốc gia, chuyện chạy án ẩn chứa nhiều “nghi vấn”, mà còn là chuyện tư cách và phẩm chất cá nhân tối thiểu của những cán bộ vào hàng lãnh đạo, thấp cũng là trưởng, phó phòng, cao cũng là hàng thứ trưởng, tổng giám đốc kiêm bí thư đảng uỷ cơ quan...
Câu hỏi đưa ra, vì sao những con người tha hoá đến vậy mà vẫn leo cao, vào sâu. Dư luận xã hội đã gay gắt đặt dấu hỏi về sự “ chạy chức”, “ chạy quyền” như là một cách đi, một “cơ chế” phổ biến và tất yếu hiện nay nếu muốn thoả mãn tham vọng quản lý và lãnh đạo. Nhưng ở góc độ xã hội, bình tâm xem xét, có thể thấy, những kẻ đó còn là sản phẩm của căn bệnh hình thức, thói quan liêu và sự vô cảm.
Không phải bây giờ mà đã từ rất lâu, từ cơ chế quản lý bao cấp, trong xã hội đã truyền tụng câu nói chua chát: “ Đấu tranh là tránh đâu?”, để nói về cái hậu quả của những con người dám đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, cái tiêu cực, thì rốt cục có khi họ lại trở thành nạn nhân không đường chống đỡ của sự trả thù của cái ác, cái tiêu cực, của thói quan liêu và bệnh hình thức. Cái tâm lý tiểu nông, tự lúc nào đã hình thành trong cộng đồng, trong tập thể sống, một thói nghĩ nô lệ theo kiểu Giang Minh Sài ( nhân vật chính trong tác phẩm Thời xa vắng của Lê Lựu), trong chính con người ta là “Thủ trưởng luôn luôn đúng”.
Vì thế, nếu ai dám nói thẳng, nói thật thì đương nhiên họ là kẻ “ngang ngược”, những kẻ “có vấn đề”, thậm chí có trường hợp gặp họa bởi chính sự ngay thẳng. Ông Đỗ Ngọc Trung, người từng giữ vị trí Trưởng phòng trước khi lặng lẽ rời PMU18; rồi bị chém trọng thương đầy bí hiểm, là một ví dụ sống động.
Và vì thế, họ sẽ trở nên lạc lõng trước số đông vốn ngại đụng chạm, sợ bị định kiến, chưa kể họ còn trở thành mục tiêu của những kẻ cơ hội sẵn sàng “tát nước theo mưa”. Tự lúc nào trong xã hội, hình thành nên một kiểu sống rất nguy hiểm. Đó là sự vô cảm, và dần dà nó len lỏi, nó “vô cảm hoá” cả chính những người tốt đã trở nên mệt mỏi, cam chịu. Sự vô cảm có hẳn cả cái tên có vẻ rất “ học thuyết” ,đó là chủ nghĩa “ Mác-kê-nô” ( Mặc kệ nó). Chính cái chủ nghĩ Mác-kê-nô này khiến con người ta thờ ơ, vô cảm trước mọi điều, cả cái tốt lẫn cái xấu, cả cái thiện lẫn cái ác. Chỉ có thế giới riêng bé nhỏ, lợi ích của mình, gia đình mình là đáng kể. Caí xấu, cái ác nảy nở trên mảnh đát vô cảm chắc chắn sẽ đơm hoa kết quả bởi sự dung dưỡng của thói quan liêu, bệnh hình thức của người lãnh đạo.
Thói quan liêu và bệnh hình thức cũng thiên hình vạn trạng. Thế cho nên mới có hiện tượng những đơn thư tố cáo, phát hiện tiêu cực chìm trong quên lãng, trong “ sự im lặng đáng sợ”, không phải chỉ của một vụ PMU 18. Thế cho nên mới có chuyện ở một bộ nọ, vị bộ trưởng đương nhiệm tự đề ra nguyên tắc chỉ làm việc với cán bộ cấp vụ, không làm việc với chuyên gia , trong khi có những cán bộ cấp vụ, ( do một kiểu đi hay “ chạy” nào đó) lại không phải là những chuyên gia giỏi. Rút cục, vị bộ trưởng nọ không phải lúc nào cũng nghe được những lời nói thật, nắm được sự thật thông tin để xử lý.
Cũng không chỉ có ngành giáo dục và đào tạo mắc bệnh thành tích chủ nghĩa, một khía cạnh của bệnh hình thức. Mà bệnh hình thức cũng là căn bệnh đang có xu hướng thành “ dịch” trong cung cách quản lý của nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều cơ quan. Không chỉ có các công trình chào mừng, một ví dụ điển hình của bệnh hình thức, mà bệnh hình thức còn ăn sâu trong lối làm việc của nhiều cán bộ quản lý. Rất nhiều cán bộ quản lý quan liêu không nắm được những thông tin trung thực đã đành, mà nếu có biết sự thật họ cũng rất ngại đụng chạm, ngại xử lý, chỉ “ dĩ hoà vi quý” cho êm chuyện nội bộ. Vì sao? Bởi vì số phiếu bầu cho cái ghế thăng tiến của họ còn quan trọng hơn.
Thế cho nên nhiều năm liền Đảng bộ PMU 18 mới được nhận cờ đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Thế cho nên mới có câu trả lời cũng rất “ vô cảm” của vị phó bí thư đảng uỷ tổ chức đảng ở PMU 18, đại ý: “ Trước đây, các đồng chí ấy ( Nguyễn Việt Tiến, Bùi Tiến Dũng...) vẫn là những đảng viên tốt? (!)”. Thế cho nên , đạo diễn Lê Hoàng, nhân vụ việc một số nhân vật có chức quyền săn bắn bò tót năm nào bị khởi tố, đã từng viết mỉa mai, hóm hỉnh trên một tờ báo, đại ý “ hai mẹ con con bò tót quyết lao đầu vào nòng súng của Đại Hùng (nhân vật bị khởi tố) tự sát, để lôi Đại Hùng, một nhân vật trong quá khứ có quá nhiều tì vết, tội lỗi ra ánh sáng bởi cái cơ chế quản lý, cái bộ máy nơi ông này làm việc đã không lôi nổi. Xét cho cùng, là bởi bệnh hình thức, thói quan liêu và sự vô cảm, vì “người không đụng đến (lợi ích) ta, thì ta không đụng tới ngươi!”. Dưới vô cảm, trên quan liêu và hình thức, sự vững mạnh của một đơn vị, một tổ chức, và nguy cơ hơn, của một cơ chế quản lý, một hệ thống, sẽ dẫn đến kết cục, trông bên ngoài giống một con đê biển, liên kết liền một khối vững chãi, nhưng bên trong là những tổ mối huỷ hoại và làm mục ruỗng.
Nhưng dẫu đau xót nhìn một cách biện chứng, nhiều ý kiến lại cho rằng PMU 18 là dấu hiệu lành mạnh. Cái ung nhọt PMU 18 vỡ toang đã cho chúng ta nhìn thấy nguy cơ của các căn bệnh xã hội trầm kha - vô cảm, quan liêu và hình thức; thậm chí là dối trá - cho chúng ta nhìn thấy khuyết tật trong quản lý của cả một hệ thống để làm rõ và chính xác các sai phạm, cơ chế phạm tội, vi phạm pháp luật và kỷ luật Đảng trong vụ PMU 18, từ đó đổi mới căn bản quản lý hệ thống, góp phần hoàn thiện hệ thống chính trị của chúng ta.
Vì lẽ đó, mọi người mong các ngành các cấp hãy cứ điềm tĩnh, đối diện đến cùng và không né tránh với mọi ngóc ngách của căn bệnh MPU 18. Và mọi người, cũng vì vậy, sẽ biết chờ đợi trong niềm lạc quan và tin tưởng.
-
Thạch Thảo