Hiểu thực để 'làm theo lời Bác'
(VietNamNet) - Tư tưởng vì dân, do dân của Hồ Chủ tịch đã được nhà văn Sơn Tùng thẩm thấu qua những câu chuyện mà mình chứng kiến hoặc nghe được. Và nhân ngày sinh nhật Bác, ông mong mọi người hiểu thực về Bác, để thấy nên "Làm theo lời Bác"...
Dân là gốc
Ta quen nói Bác đi tìm đường cứu nước. Nhưng theo tôi, chính là Người đi tìm PHƯƠNG cứu nước.
Hồ Chủ tịch là người "ngôn hành tương hỗ" (lời nói gắn với việc làm) thống nhất từ khi tuổi trẻ đến lúc trở thành vĩ nhân, lãnh tụ. Người tìm đến nhân dân bằng quan điểm dấn thân chứ không đơn thuần chỉ thương dân bằng học thuyết, lời nói suông.
Từng có nhà báo quốc tế tìm đến hỏi tôi rằng phải chăng Bác xuống Bến Nhà Rồng năm ấy là để kiếm sống, rồi nhân cơ hội được ra nước ngoài mới tìm đường cứu nước? Tôi nói rằng phải hiểu, Người giỏi chữ Nho, gia đình khoa bảng, hoàn toàn đủ điều kiện để mưu cầu một cuộc đời yên ấm, sung sướng. Nhưng người đã dấn thân, cởi áo con quan xông vào đám phu bốc vác. Chọn con đường phu bốc vác, có thể nói, người đã có một tư duy mở, không còn đi xe cút kít, đi đò, mà là tàu thủy, tàu hỏa.
Như vậy, ngay từ đầu, bao giờ Bác cũng đi bằng con đường của nhân dân lao động. Tại sao người lấy tên Đảng Lao động? Vì cả cuộc đời người gắn với hoạt động thực tiễn, thực tiễn của nhân dân và luôn sống với nhân dân!
Khi Người để trần, đội mũ, xuống biển kéo lưới với ngư dân, ai cũng ngỡ đây là một ông già biển cả, vì Người thành thạo từ tên ngư cụ cho đến cách buông neo, chèo thuyền. Rồi lúc Bác xắn quần, chân trần xuống ruộng nhặt từng hạt thóc, lại thấy như một lão nông tri điền. Lúc ngồi với trí thức lại như một học giả. Đi với bộ đội lại như một lão quân nhân. Bác đi xuống dân không phải vi hành theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa mà là sự dấn thân. Dấn thân để mình cũng là Dân.
Tư tưởng ấy hình thành từ tấm bé, từ giáo dục gia đình, qua thầy học rồi bạn bè. Người thể hiện nó ngay trong đời sống: không ăn ngon hơn khi dân đang đói. Không mặc sang hơn khi dân đang rách. Đó là phép tu thân, lấy bản thân mình làm bài học.
Đó là lý do để Người luôn nói, "Dân là gốc" chứ không phải lấy "Dân làm gốc".
Gần dân, Bác đã có được sức mạnh của niềm tin. Và niềm tin ấy giúp Người có được sức mạnh ý chí của cả toàn Dân, để cùng Dân làm nên những kỳ tích.
Đã gần dân, sống trong lòng nhân dân thì rất hiếm khi tham nhũng, khó lòng và ít điều kiện để tham nhũng. Bài học ấy từ Người, chúng ta chưa thuộc.
"Sĩ, Công, Nông, Binh"
Bác Hồ thǎm trường Mẫu giáo Mầm non tỉnh Thanh Hoá, ngày 10 tháng 12 nǎm 1961. Ảnh: baokhanhhoa.com.vn |
Với Bác, Dân không chỉ là những người dân lao động. Dân là tất cả những tầng lớp nhân dân của dân tộc Việt. Vì chữ Dân rộng lớn đó mà sau này Người mời cả ông vua Bảo Đại ra làm cố vấn, mời những người trong chế độ cũ như cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Khâm sai đại thần Phan Kế Toại, hay cụ Bùi Bằng Đoàn, cơ mật viện đại thần thượng thư Bộ Hình tham gia Chính phủ...
Người từng nói: "Khi mất nước thì dân VN ta, dù giàu hay nghèo, ai cũng có lòng yêu nước. Mỗi người một hoàn cảnh, mức độ yêu nước có khác nhau nhưng nếu chúng ta biết cách khơi dậy thì ai nấy đều xả than vì nước. 5 ngón tay có ngón ngắn, ngón dài, nhưng dài ngắn gì cũng đều nằm trong lòng bàn tay. Mình biết sử dụng đúng lúc đúng chỗ sẽ phát huy được hết".
Bởi thế, ngay sau CM, khi trở về Hà Nội, Người đã chọn ở nhà ông Trịnh Văn Bô (48 Hàng Ngang) và viết tuyên ngôn độc lập một cửa hàng ngay giữa phố trung tâm Hà Nội trong một gia đình đại tư sản.
Bác luôn giữ cái nhìn truyền thống như dân tộc ta từ xưa tới nay luôn hình thành một cấu trúc xã hội nhất sỹ, nhì nông. Nhất sỹ, nghĩa là đề cao trí tuệ, đề cao tri thức. Bác Hồ luôn muốn giữ cấu trúc:
"Sĩ, nông, công, thương, binh
Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh
Đoàn kết lại sức mình sẽ mạnh
Sẽ đánh tan phát xít Nhật, Tây"...
Năm đó, từ chiến khu Tân Trào về, được báo sẽ về ở trong một gia đình đại tư sản tại Hàng Ngang, khi biết đây là gia đình đã giúp Việt Minh bao năm, có ông Trịnh Văn Bính (sau này được mời ra làm Bộ trưởng Bộ Tài chính) là trí thức học ở Pháp mới về, phu nhân của ông Bô là con gái nhà nho yêu nước Hoàng Đạo Phương, anh trai ông Hoàng Đạo Thúy, thế là Bác yên tâm.
Ngày 13/10/1945, Bác đã viết ngay thư cho giới công thương, tư sản, thành lập công thương đoàn yêu nước chính thức gia nhập Mặt trận Việt Minh, đảng Dân chủ đại diện cho tư sản, đảng Xã hội đại diện cho giới trí thức. Và hai đảng này đã tồn tại song song cùng với Đảng Lao động (hay Đảng Cộng sản), nằm trong mặt trận Việt Minh.
Trong bộ máy Chính phủ bấy giờ không phải chỉ có Việt minh mà còn nhiều người xuất thân từ trí thức và tư sản; cũng không chỉ có Đảng viên cộng sản mà ước tính phải đến 70% thành phần ngoài Đảng. (Ông Ngô Tử Hạ có nhà in đồ sộ, cụ Hoàng Minh Giám con nhà gia thế được mời ra làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ sau đó là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Nguyễn Văn Huyên, bộ trưởng Bộ giáo dục, Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Ông Đặng Phúc Thông, trí thức lớn nổi tiếng của Pháp làm Bộ trưởng Bộ giao thông. Linh mục Phạm Bá Trực là phó chủ tịch thường trực QH). Đáng tiếc là, đến ĐH năm 1951, do những luồng tư tưởng khác nhau đã hạn chế dần trí thức - tư sản để đưa công - nông vào. Trong điều lệ Đảng đã ghi rõ "thiểu số phục tùng đa số", bầu Ban chấp hành. BCH bầu ra Chủ tịch. Nhưng Chủ tịch phải phục tùng đa số. Và cái "kết cấu" truyền thống mà Bác tâm đắc đã thay đổi.
"Việc gì có lợi cho Dân thì làm"
Việc gì nhỏ mà có lợi cho dân như trồng một luống rau trước khi di chuyển để người sau có cái ăn Bác cũng sẵn sàng làm.
Còn những việc lớn, cho đến bây giờ người dân vẫn còn tâm đắc với những điều mà Bác từng đã tiên liệu.
Trong di chúc, Bác đã lường trước được những khó khăn sau giải phóng đất nước. Bác ghi rõ, hãy chuẩn bị ngay từ bây giờ đừng để đến khi thời cơ đến chúng ta sẽ bị động. Cần chú trọng phát triển kinh tế bằng khả năng của mình, mở cửa, tranh thủ ngay mọi sự đóng góp bên ngoài. Từ năm 1946, trong một văn bản gửi LHQ nhằm cứu vãn một cuộc chiến sắp xảy ra, Bác có có dùng cụm từ: "Sẵn sàng mở cửa hợp tác toàn diện". Ngày 8/2/1946, Người đã nói với vị tướng Pháp Xanhtơni rằng, "VN sẵn sàng làm bạn với thế giới".
Bây giờ, tuy nói rằng "làm theo lời Bác" nhưng hình như chúng ta đang làm trái ngược nhiều điều, mặc dù không đến nỗi đối lập. Ngay những chuyện nhỏ như nhà sàn Bác cũng biến dạng không theo ý nguyện trong di chúc của Người. Những vật dụng giản dị không còn mà thay vào đó là những đồ dùng sang trọng.
Nhân ngày sinh nhật Người, tôi chỉ cầu mong chúng ta hiểu thực về Bác, để thấy nên "Làm theo lời Bác"...
-
Sơn Tùng (Lê Nhung ghi)
Ý kiến của bạn: