,
221
505
Thư Thăng Long
thuhanoi
/thuhanoi/
833660
Bản đồ phóng xạ quốc gia: nước đã đến chân rồi!
1
Article
null
,

Bản đồ phóng xạ quốc gia: nước đã đến chân rồi!

Cập nhật lúc 23:24, Thứ Tư, 23/08/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Một yêu cầu của người dân đang tiếp cận đời sống văn minh, một đòi hỏi không thể chần chừ của một đất nước đang hội nhập và phát triển... 

 

Sau những chuyện khá ồn ào - vật liệu xây dựng có phóng xạ và mất nguồn phóng xạ - số người quan tâm đến tình hình phóng xạ ở Việt Nam như đông đảo hơn, không chỉ ở trong nước mà cả ngoài nước.

 

Đúng vậy. Sau những bài báo liên quan những sự kiện nói trên, là tác giả của mốt số bài viết trong đó, tôi đã nhận được nhiều thư độc giả gửi đến bình luận, hưởng ứng và cả tranh luận về những thông tin hoặc quan niệm về phóng xạ và các ảnh hưởng của nó đến sức khoẻ con người. Đáng chú ý là một số bạn đọc của báo VietNamNet đã đề xuất: Việt nam cần phân tích các nguồn phóng xạ tự nhiên và vẽ bản đồ chỉ rõ nơi nào có độ phóng xạ cao.

 

Soạn: AM 876247 gửi đến 996 để nhận ảnh này
     Đo phóng xạ trên mặt đất

Hoá ra, không chỉ những người, như chúng tôi, từng có những ngày tháng dãi dầu trên cánh đồng ngập nước Giao Thuỷ (Nam Định), cồn cát trắng nóng bỏng Kỳ Anh (Hà Tĩnh), đồi núi mấp mô Tiên Phước (Quảng nam)... để đo đạc hay quan sát trường phóng xạ, mới nung nấu và ước mơ về một bản đồ phóng xạ quốc gia.

 

Tôi nghĩ đến một bản đồ phóng xạ tổng thể, đầy đủ, chi tiết và chính thức của quốc gia.

 

Trước hết, một bản đồ tổng thể phải phản ảnh khái quát tình trạng phông phóng xạ trên toàn lãnh thổ Việt Nam, từ vùng núi cao, qua cao nguyên và trung du, đến đồng bằng và bờ biển, với độ lớn của phông phóng xạ được biểu hiện bằng màu sắc hay những đường đẳng xạ (phông phóng xạ như nhau). Một bản đồ đầy đủ có đánh dấu các vùng có phông phóng xạ dị thường (mỏ phóng xạ đích thực hay mỏ cọng sinh v.v...) và kèm theo chỉ dẫn bổ sung về thành phần phóng xạ. Càng chi tiết với tỉ lệ xích càng nhỏ (1/1.000.000; 1/500.000 hay thấp hơn) sẽ có giá trị sử dụng càng cao. Cuối cùng, một bản đồ như vậy phải là một văn bản chính thức mang tính pháp lý, do một cơ quan nhà nước đủ quyền hạn và năng lực thống nhất tổ chức thực hiện và thẩm định trước khi ấn hành. Đó không chỉ là điều cần thiết mà là điều tất yếu. Hơn nữa, đối với quốc gia, không chỉ cần có những tấm bản đồ mà là một bộ hồ sơ về phông phóng xạ và tài nguyên chất phóng xạ toàn quốc (một phần của tài nguyên khoáng sản quốc gia). Dĩ nhiên, việc cung cấp rộng rãi các số liệu cho công chúng đến mức nào là chuyện khác, do nhà nước cân nhắc.

 

Cùng với sự phát triển của đất nước, yêu cầu về bản đồ phóng xạ ngày càng mở rộng. Đối với nhiều người dân đang tiếp cận một đời sống văn minh, họ cần được khuyến cáo để tránh những địa điểm có phóng xạ quá cao trước khi xây dựng cơ ngơi cho cả đời mình và con cháu mai sau. Đó càng là yêu cầu của nhiều ngành kinh tế kỹ thuật của một nước Việt nam đang bước vào thời kỳ phát triển và hội nhập, trước mắt là các nhà quy hoạch và các nhà công nghiệp cần tìm vùng nguyên liệu “sạch sẽ“ để sản xuất vật liệu xây dựng. Và đặc biệt hơn cả, đó là tài liệu không thể thiếu được, yêu cầu bắt buộc đối với một nước đang xây dựng dự án nhà máy điện nguyên tử (NMĐNT) như nước ta, vì đó là cái nền căn bản để đối chiếu, theo dõi, phát hiện mọi sự cố biến động  về dò thoát chất phóng xạ của NMĐNT tương lai.

 

     NMĐNT bên Vịnh Daya (TQ)

Cần nhấn mạnh thêm rằng, dọc bờ biển vịnh Daya, đông nam Trung quốc, đang mọc lên hàng loạt NMĐNT. Môi trường phóng xạ không còn có biên giới nữa, khi mà nước ta luôn hứng những cơn gió mùa đông bắc từ nước láng giềng phương bắc thổi về. Chỉ một sự cố hạt nhân nào đó gây dò thoát chất phóng xạ ở Vịnh Daya, miền bắc VN có thể bị ảnh hưởng nhanh chóng, nhanh hơn một sự cố tương tự nếu xảy ra ở NMĐNT dự định xây dựng trên bờ biển Ninh Thuận (Việt Nam). Tương tự như vậy: khi xảy ra sự cố Chernobyl, phông phóng xạ trong bầu khí quyển ở các nước Bắc Âu, sau một đêm, tăng lên cả trăm lần, trong lúc ở các thành phố gần Chernobyl nằm phía trên hướng gió hầu như chưa ghi nhận được.

 

Như vậy, nếu gác lại lý do nước ta đang chuẩn bị bước sang giai đoạn dự án khả thi của chương trình ĐNT, riêng việc xuất hiện một loạt NMĐNT ở vịnh Daya cũng đã đủ cảnh báo về sự cấp bách sớm có một bộ số liệu đầy đủ và chi tiết, một bản đồ phóng xạ chính thức của Việt Nam.

 

Ở nhiều nước công nghiệp phát triển, như CHLB Đức mà bản thân tôi có dịp được kháo cứu, ngoài bản đồ phóng xạ tự nhiên, phóng xạ nhân tạo và những bộ số liệu về hàm lượng phóng xạ trong đất đá ở nhiều vùng miền, họ còn thiết lập cả một mạng lưới các trạm ghi bức xạ tự động đặt ở nhiều địa điểm khác nhau để theo dõi mọi diễn biến phóng xạ trong môi trường và cập nhật trực tuyến (on-line) số liệu về trung tâm quốc gia. Mọi động tĩnh về phóng xạ xảy ra ở các cơ sở hạt nhân và NMĐNT đều được phát hiện để xử lý kịp thời.

 

Nhiều nước trong vùng Đông Nam Á, kể cả những nước chưa có chủ trương xây dựng NMĐNT, từ nhiều thập niên trước, đã tiến hành chương trình khảo sát phóng xạ trên toàn lãnh thổ và đã lập bản đồ phân bố phóng xạ tự nhiên cho đất nước mình. Phillipines là một ví dụ. Năm 1996, tham dự Hội nghị khoa học quốc tế về môi trường tại Đài Bắc, tôi cảm thấy chạnh lòng thực sự khi nghe các đồng nghiệp Phillippines thông báo đã xác định liều bức xạ trung bình do phóng xạ trong đất đá ở Phillipines (chúng ta chưa làm được), đặc biệt họ đã hoàn thành bản đồ phóng xạ trên phạm vi toàn đảo quốc.

 

Quả là, về phương diện này, Việt Nam đang đi những bước chậm chạp. Dù rằng, nói một cách công bằng, nước ta đã khởi động khá sớm, từ những năm 50 với những chuyến bay khảo sát địa chất trên nhiều địa phương thuộc miền bắc nước ta. Trong nhiều năm tiếp theo, cùng với ngành địa chất, các phòng thí nghiệm thuộc ngành năng lượng nguyên tử, bằng những trang thiết bị mới và kiến thức chuyên sâu, qua các chương trình nhà nước như 50B, KC-09, các đề tài và dự án khác nhau đã thu thập nhiều bộ số liệu về sự phân bố phóng xạ tự nhiên và nhân tạo trên nhiều miền đất nước, đặc biệt ở những vùng có phông phóng xạ cao hơn trung bình, ở vùng núi phía bắc và Quảng Nam, vùng sa khoáng dọc bờ biển Bình Định, Hà Tĩnh .., vùng chứa nhiều nước khoáng..., và có thể đã có một tấm bản đồ phóng xạ thô sơ nữa.

 

Tuy vậy, một bản đồ phóng xạ toàn quốc, đạt những yêu cầu cần thiết như trình bày ở trên, chắc hẳn còn ở phía trước.

 

Để sớm hoàn thành công việc hệ trọng mang tính quốc gia này cần có sự chỉ đạo thống nhất bởi một bộ có đủ thẩm quyền và năng lực (Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Khoa học Công nghệ hay Bộ Công nghiệp), được tập hợp trong một dự án mang tính quốc gia, với sự tham gia tích cực của các ngành liên quan, các phòng thí nghiệm chuyên ngành thuộc ngành năng lượng nguyên tử VN, ngành địa chất và một số trường đại học v.v... Trong dự án này, sẽ tập hợp, phân tích, chuẩn hoá, đánh giá tất cả những số liệu thu thập trong suốt một nửa thế kỷ qua. Đồng thời triển khai những đợt mới khảo sát  và xử lý số liệu theo một chuẩn thống nhất với những kinh nghiệm quý giá của những quốc gia tiên tiến đã trải qua.

 

Rõ ràng việc xây dựng một bộ số liệu, một bản đồ quốc gia về phóng xạ không còn thời gian và cơ hội để chần chừ được nữa. Đất nước đang hối thúc sau lưng, nước đã đến chân rồi!

  • Trần Thanh Minh

 Ý kiến bạn đọc và bài vở xin gửi về địa chỉ tran@vasc.com.vn

 

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,