,
221
505
Thư Thăng Long
thuhanoi
/thuhanoi/
848840
Chiếc đèn ông sao
1
Article
null
,

Chiếc đèn ông sao

Cập nhật lúc 09:19, Thứ Năm, 05/10/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) – Trăng rằm tròn vành vạnh. Niềm vui con trẻ được bao bọc trong tình yêu bao la của người lớn. Nhưng mỗi số phận là một tuổi thơ riêng. Ở những miền đất gian khó xa xôi, những vùng tan tác sau cơn bão Xangsane chắc gì mỗi em bé có một chiếc đèn ông sao...

 

Tết trung thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường, lòng vui sướng với đèn trong tay, em múa ca vui đón chị Hằng…”. Một sớm mai thức dậy, N. tình cờ chợt nghe những giai điệu thân quen này từ radio nhà bên cạnh. Thế là sắp đến tết trung thu rồi

 

Sự dễ chịu được chưa kịp đọng lại thì tiếng ồn ào dưới nhà làm biến mất, thì ra thằng bé con chủ nhà N. đang trọ phản đối cái lồng đèn mẹ nó mua (mặc dù đó là cái mà mới hôm kia nó đã đòi mua cho bằng được). Đúng là trẻ con !

 

Bất giác N. chợt mỉm cười: Mình cũng từng vô lí giống hệt thằng bé cơ mà… Đã hơn mười năm N. bỏ quên chiếc lồng đèn thơ ấu. Ngòai phố người ta bày bán bánh trung thu, cả lồng đèn đủ màu sắc nhưng dường như N. chẳng cảm nhận được gì về không khí của lễ hội mà thời bé thơ N. từng mong, từng ngóng mỗi độ thu về… Sao ngày xưa N. lại mong trung thu đến thế nhỉ !

 

Ngày ấy nơi N. ở là một xóm rất nghèo với đa số là dân nhập cư. Con đường đất đỏ ban ngày là nơi N. cùng lũ bạn đi nhặt sỏi làm đạn ná, là nơi N. thả thuyền giấy trên những vũng nước đọng khi những cơn mưa đi qua, con đường là bạn ban ngày, nhưng đêm xuống nó là nỗi ám ảnh của lũ trẻ con. Chúng thi nhau thêu dệt những câu chuyện ma quái về sự hoang sơ của con đường để dọa nhau, rồi lại sợ cả câu chuyện do chính mình bịa ra, rồi không dám ra đường khi trời tối. Nhưng trung thu thì khác. Cả xóm nghèo bừng sáng hẳn. Trăng sáng ! Đường sáng ánh đèn lồng và cả lòng người cũng bừng sáng niềm vui tụ họp đêm rằm.

 

Trung thu nọ, N. cũng chẳng nhớ rõ lúc ấy N. bao nhiêu tuổi nữa, chỉ biết là vẫn còn thích chơi lồng đèn. Được rước lòng đèn đi chơi thì đứa con nít nào thời ấy chả mê ! N. khác những đứa con nít khác, ngoài thích  rước lồng đèn, N. còn ham cả việc nhìn người khác làm lồng đèn. Cứ mỗi dịp trung thu đến, N. lại lê la sang nhà bác Chiến “lồng đèn” – nhà bác có một gian hàng bán lồng đèn nhỏ thôi – nhưng là trung tâm mua bán lồng đèn của cả xóm lúc bấy giờ (xóm N. hồi ấy tòan dân lao động nghèo, có mấy ai dám ra phố mua lồng đèn đắt tiền cho con…).

 

Và cứ mỗi lần như vậy, N. lại cảm thấy bứt rứt, khó chịu nếu như bác không nhờ N. làm một việc vặt gì đấy như khuấy hồ, phết keo chẳng hạn. Với những công việc ấy, N. chẳng bao giờ biết chán, từ những khúc tre thô kệch, chỉ một loáng là đã thành một chiếc đèn đẹp như ngoài chợ. N. tự hào vì mình cũng góp công vào sự thay đổi kỳ diệu từ tre thành đèn ấy.

 

Soạn: HA 915957 gửi đến 996 để nhận ảnh này
"Ông" đèn kéo quân 2006

Trong số những chiếc đèn bác Chiến làm để bán, N. mê nhất là chiếc đèn kéo quân, với N., nó khác với những chiếc đèn bình thường khác bởi vì N. không thể hiểu tại sao những hình nhân lại có thể di chuyển được khi đèn được thắp sáng. Có lẽ cũng vì “đẳng cấp” đó mà nó là vật sở hữu của con nhà giàu. N. cũng có về gợi ý với bố về chiếc đèn ấy (sao hồi ấy N. vô tâm thế, nhà N. đâu có khá giả gì!). Ngày ngày trôi qua, nhà bác Chiến cũng bán gần hết đèn lồng, đèn kéo quân cũng chỉ còn một chiếc duy nhất. 

 

Buổi chiều ngày Rằm Tháng Tám, N. thất vọng thực sự khi thấy chiếc đèn không còn ở chỗ nó vẫn được treo trong gian hàng của bác Chiến nữa, và càng thất vọng hơn khi thấy lũ trẻ con xúm đen xúm đỏ quanh chiếc đèn kéo quân mới toanh của thằng bé kế nhà N., nhà nó khá nhất xóm. Buổi tối nghe từ xa tiếng hát của bọn bạn N. đã thấy nao nao…và cả tủi nữa…vì N. thực sự chưa có lồng đèn, kể cả một chiếc lồng đèn bình thường nhất. Bố bảo bác Chiến đã bán chiếc đèn cuối cùng trước khi bố đến !

 

Dù sao, trung thu năm đó N. cũng có đèn để rước. Một chiếc đèn ông sao nho nhỏ (theo lời bố kể thì đó là chút tre thừa bố xin được bên bác Chiến), không sơn phết theo kiểu của những chiếc đèn lồng được bày bán mà là những hình cắt dán bằng giấy màu, những bông tua buộc vụng về, tất nhiên nó chẳng giống ai. Nhưng mà N. thích cái không giống ai đó khi nó không lẫn đi đâu được so với những chiếc đèn khác. Hơn nữa đó là vật vô giá.

 

Chiều hôm đó nếu N. không trốn ra một góc nào đó ngồi khóc một mình vì hay tin chiếc đèn kéo quân đã có chủ thì có lẽ N. đã nhìn thấy bố cặm cụi làm vội chiếc đèn lồng vì sơ N. không kịp có đèn chơi với chúng bạn, N. cũng chẳng có bên cạnh để lăng xăng giúp bố như mọi khi N. vẫn giúp bác Chiến. Bố bảo bố chỉ biết làm mỗi đèn ông sao, nhưng lúc ấy N. đâu quan tâm đến điều ấy, bởi vì trẻ con mau quên, trong đầu N. chỉ lo gió làm tắt đèn, hay lo bị trúng một viên đạn ná thun của một tên quậy nào đó. Những kỷ niệm ấy thật may lại là những điều N. không thể quên trong vô vàn điều N. đã quên.

         

 

Sau này khi N. lớn, là sinh viên kiến trúc, thỉnh thoảng bố vẫn vót tre hộ N. vì sợ N. bị tre cứa, để  N. thực hiện bài tập ghép mô hình trên lớp, cũng như những năm trước bố từng vót tre giúp N. làm đèn lồng cho phong trào kế họach nhỏ.

         

Soạn: HA 915959 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Trẻ em vùng bão Xangsane đi qua

Trung thu năm nay, lớp N. rủ nhau đến làng trẻ mồ côi sinh họat. N. không về nhà được - đây cũng là trung thu xa nhà như mấy trung thu trước. Không thể đến được với miền Trung xa xôi đang trong cảnh tan tác sau những cơn cuồng phong Xangsane và Chanchu, N. lại đến với các trẻ em mồ côi với ước vọng có thể mang đến cho ai đó cái cảm giác tròn đầy kỷ niệm về cái tết của trẻ con, cảm giác tuyệt vời không phải bởi những chiếc đèn sặc sỡ hiện đại, những chiếc bánh nướng đắt tiền mà bởi vì tình yêu thương, san sẻ.

 

N. cũng ước rằng sâu thẳm đâu đó trong tâm hồn những ai đã từng là trẻ con và đang là trẻ con đều tồn tại một vầng trăng cổ tích “Một vầng trăng tỏ, treo trên đỉnh trời…”.

 

  • Vũ Mai                                                                                                 

Thư Hà Nội - Một độc giả đang sống ở vùng từng là mắt bão Xangsane vừa gửi đến những dòng cảm xúc sau khi đọc bài "Chiếc đèn ông sao". xin trân trọng giới thiệu với độc giả.

 

Thư từ Đà Nẵng.

 

Tôi viết vội vài dòng gửi chuyên mục Thư Hà Nội nhân đọc bài “Chiếc đèn ông sao”.  Xin cảm ơn tác giả, xin cảm ơn chuyên mục đã chia xẻ những niềm đau với miền Trung thân thương. Thật nhẹ lòng, thật thanh thản và thật bình tâm khi tôi đọc được những dòng Thư Hà Hội, mà dường như thư gửi cho riêng mình, gửi riêng cho những đứa con của gia đình chúng tôi:  

 

Ở những miền đất gian khó xa xôi, những vùng tan tác sau cơn bão Xangsane chắc gì mỗi em bé có một chiếc đèn ông sao...

 

Không thể đến được với miền Trung xa xôi đang trong cảnh tan tác sau những cơn cuồng phong Xangsane và Chanchu, N. lại đến với các trẻ em mồ côi với ước vọng có thể mang đến cho ai đó cái cảm giác tròn đầy kỷ niệm về cái tết của trẻ con, cảm giác tuyệt vời không phải bởi những chiếc đèn sặc sỡ hiện đại, những chiếc bánh nướng đắt tiền mà bởi vì tình yêu thương, san sẻ.

 

Bạn có biết không, năm nay trung thu ở Đà Nẵng dường như không có tiếng trống múa lân, không có cảnh trẻ con và người lớn tấp nập trên đường xem múa lân, múa rồng. Đường phố vẫn còn ngỗn ngang rác thải sau bão. Mọi người hầu như quên mất “tết” trung thu.

 

Đêm qua, hai đứa con đòi đi xem múa lân. Tôi chở chúng đi qua những phố phường mà mọi năm trung thu rộn ràng nhất Đà Nẵng mà vẫn không có một con lân nào buồn múa, đành chở chúng về nhà xem lân múa trên ti vi. Thằng cu lớn nói một câu trống không: “Ước chi đừng có bão...”

 

Tôi cũng nghĩ điều đó hàng trăm lần rồi nhưng không thể nói ra. Không thể trách giận trời gần, trời xa. Không thể hận trời mang bão đến. Chỉ thấm thía rằng, trong hành trình đi về tương lại, con người phải chịu đựng những thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên. Tôi muốn giải thích cho con tôi, trung thu này con không được vui như những năm trước, cũng như một sự thử thách để vượt qua. Nhưng không sao cắt nghĩa được, đành im lặng.

 

Ở xóm chúng tôi, nơi có 95% ngôi nhà bị tốc mái, nơi hiện giờ vẫn chưa có điện, người lớn thì bận lo nghĩ làm sao có điện, có nước? làm sao sửa chữa lại mái nhà, làm sao lo cái ăn, cái mặc? Còn sức đâu mà lo chuyện “trẻ con”: trung thu.

 

Nhưng mà đâu phải chuyện trẻ con. Đêm rằm trung thu tối nay, tôi cũng ước được nghe tiếng trống lân rộn ràng, tưng bừng trên phố; ước được thấy những ánh mắt con trẻ lấp lãnh niềm vui dõi theo điệu múa...

 

Xin cảm ơn Thư Hà Nội vì tình yêu thương, san sẻ cho miền đất gian khó xa xôi.  Tôi nghĩ, đêm rằm tối nay, trăng sẽ sáng và đẹp hơn để san sẻ yêu thương cho những tấm lòng đang chịu gian khó.

 

      Nguyễn Nho Tuý,

      (Hoà Cường Bắc - Đà Nẵng, Email: nhotuy@dng.vnn.vn)

 

                              Ý kiến của bạn ?

 

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,