,
221
505
Thư Thăng Long
thuhanoi
/thuhanoi/
979798
Tản mạn… bát nước chè xanh
1
Article
null
,

Tản mạn… bát nước chè xanh

Cập nhật lúc 01:30, Chủ Nhật, 07/10/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet)Cuộc sống đi lên, con người ta quen với nhiều thức uống văn minh thành phố. Vậy mà sao bát nước chè xanh quê mùa vẫn "gợi" con người ta đến thế. Nhấm nháp ngụm nước chè chan chát, ngòn ngọt ở quán cóc bất chợt ven đường, ta thấy tiếng ru hời của mẹ, tiếng nói của cha, tiếng bà con chòm xóm giữa mùa gặt trưa hè... Hóa ra, nó vẫn là một góc "hồn quê" mát lành cho ta sự bình yên giữa xô bồ phố thị.

Những lần lang thang trên phố, ngồi ở quán trà đá ven đường, hay ngồi một mình, tôi thường tự pha một cốc trà thật đặc, nhâm nhi để đầu lưỡi cảm nhận hết vị chan chát, đăng đắng, nhưng dìu dịu, tê tê… Vậy mà, tôi vẫn không sao tìm được đúng cảm giác cái dư vị mát lành, ngòn ngọt của bát nước chè xanh quê nhà. Sao tôi lại thấy nhớ đến quay quắt vị ngọt đắng, thơm thơm của bát nước chè mẹ nấu những trưa hè nóng như đổ lửa thế...

Người phương Tây coi cà phê như một thức uống quen thuộc trong đời sống của họ. Giới trẻ Việt Nam bây giờ cũng coi cà phê như một thú vui khi tụ họp bạn bè. Nhưng tôi lại tin rằng, bát nước chè xanh vẫn là thức uống tạo nên phong vị đặc trưng của người Việt.

Chè xanh... Ảnh: Phạm Hải
Chè xanh...  Ảnh: Phạm Hải
Chẳng biết tự đời nào, bát nước chè xanh đã gắn bó với người dân lao động. Họ uống vừa là để giải khát, vừa để tỉnh táo hơn, nhưng cũng vừa để thưởng thức cho vui miệng. Có người còn nghiện nước chè xanh như nghiện rượu, một ngày không được nhấm nháp là không tài nào chịu nổi.

Ở quê tôi, các bà, các mẹ vẫn thường nấu chè xanh gọi hàng xóm xung quanh đến uống rồi chuyện trò, vui như hội. Không cứ gì ngày nông nhàn mà cả những ngày mùa, họ vẫn tranh thủ ngồi quây quần bên bát nước chè, tranh thủ vài ba câu chuyện vui vào buổi trưa nắng nóng, rồi ai lại về làm công việc của người ấy.

Vốn là một vùng quê suốt đời quăng quật bởi gió Lào, người dân quê tôi nghèo thóc lúa nhưng lại giàu tình làng xóm. Chính những bát nước chè xanh đã một phần gắn kết họ lại với nhau hơn. Mỗi lần hội làng, họp xóm mà không có bát nước chè xanh thì coi như mất vui, kể cả những đám hiếu, hỉ bây giờ, ngoài những thức uống có ga, có cồn ra, ấm nước chè xanh vẫn không thể thiếu.

Tôi còn nhớ hồi bé, cứ tầm sắp ăn cơm trưa, tôi và thằng em trai lại lụi cụi đun cho mẹ một ấm nước chè xanh vì mẹ tôi vốn nghiện nước chè. Không những thế, các cô, các bác bên cạnh nhà, trưa nào cũng sang chơi, thưởng thức nước chè nhà tôi nấu. Ở quê tôi, người ta vẫn cho rằng, nước chè ngon là nước mà khi rót ra nhìn có màu xanh trong vắt, uống vào có vị chan chát, ngòn ngọt đầu lưỡi.

cho ngày mùa vất vả. Ảnh: Báo ảnh VN
... Cho ngày mùa vất vả. Ảnh: Báo ảnh VN
Mà kể cũng lạ, không phải cái giếng nào, khi nấu lên nước chè xanh cũng cho cái màu ấy, cũng có cái vị ấy. May mắn sao giếng nhà tôi thuộc loại nước ngon nên trở thành “cơ sở uống nước chè số một” của bà con xa gần.

Bây giờ đi xa, tôi vẫn không thể quên được những buổi trưa ngồi hóng mát bên giàn hoa giấy, nghe những câu chuyện bình dân, và thỉnh thoảng uống bát nước chè xanh trong vắt… Để ao ước, ngày nào đó được trở về quê, để được sống trong không khí ấy.

Có lẽ không miền quê nào người ta lại mê nước chè xanh như quê tôi. Không chỉ những lúc nghỉ ngơi họ mới thưởng thức nó, mà cả những khi ra đồng làm lụng, các lão nông vẫn không quên đặt vào chiếc rổ con một ấm nước chè xanh mang theo.

Bát nước chè xanh giúp ta tỉnh táo, minh mẫn hơn, nhưng nếu có người nào dại dột uống vào khi chưa ăn gì, nước chè xanh có thể làm say đến hoa mắt chóng mặt. Vì thế người dân quê tôi thường có câu: “Say như say nước chè”.

Không biết bao nhiêu năm, bát nước chè xanh vẫn gắn bó với đời sống vật chất và tinh thần người dân quê tôi như thế. Tự nhiên như hạt lúa, củ khoai, bát nước chè xanh làm nên một góc "hồn quê" trong mỗi con người thế hệ chúng tôi. Có lẽ thế mà không phải ngẫu nhiên, quán nước chè ven đường ở những thành phố lớn vẫn là nơi hấp dẫn những kẻ xa quê như tôi tìm đến.

... hay buổi tối ở thành phố lớn. Ảnh: Kiều Minh
... Hay buổi tối ở thành phố lớn. Ảnh: Kiều Minh

Cũng không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh những bà, những cô hàng nước lại đi vào văn thơ nhiều đến thế. Thỉnh thoảng, sau những ngày xô bồ phố thị, bạn hãy thử tạt vào một quán nước bên đường, để nhâm nhi, để được tán gẫu với bà hàng nước, với những người xa lạ tình cờ mà trở nên quen biết có khi chỉ qua bát nước chè xanh, bạn sẽ thấy vô cùng thú vị. Có lẽ, đó cũng là một nét văn hóa dân dã rất Việt Nam.

"Quê tôi nắng đỏ đồng, mưa thấm cả bùn non, quê tôi gừng cay muối mặn níu bao đời câu hát buồn vui… Gốc đa sân đình, đò chiều mẹ đợi, chè xanh mời gọi thơm cả làng ta…”. Từng giọt mồ hôi cũng dệt nên mùa màng, từng nỗi nhớ dệt nên tình yêu, từng bát nước chè xanh gợi nên phong vị quê nhà… Thử hỏi, nơi đâu có vị nước đậm đà, ngọt đắng mà ấm áp tình người như bát nước chè xanh xứ mình?

  • Lê Huyền

Ý kiến đóng góp và bài vở gửi cho Thư Hà Nội xin liên hệ với địa chỉ: kyduyen@vasc.com.vn hoặc hpthao@vasc.com.vn

Ho ten: Tiến Thành
Dia chi: Định Công - Hà Nội
Tieu de: Một nét văn hoá rất Việt Nam
Noi dung: Đọc bài viết của bạn Lê Huyền, tôi chợt nhớ về quê hương tôi, nhớ những bát nước chè xanh mát dịu mỗi trưa hè. Ở nhà tôi, chè xanh đã trở thành thứ nước uống không thể thiếu được, bà tôi thường nói rằng có khách đến nhà mà rót chén nước trắng ra mời khách là không được lịch sự, nên dù trời mưa hay nắng, hôm nào bà cũng ra vườn hái chè về hãm. Chè xanh đã đi vào tâm khảm của mỗi người dân quê tôi, trở thành niềm tự hào "bánh cáy, khoai Niềm, chè Mét". Uống chè xanh phải rót ra bát, cầm lên và vừa thổi hơi nóng vừa uống mới ngon. Có người nói uống chè xanh không bằng uống trà vì nó không được vị đậm và níu giọng như trà Tàu. Nhưng thực ra chè xanh có những nét riêng không thể đem so sánh được, nó đặc trưng cho sự dân dã. Những lúc đã thưởng thức nhiều sản vật của cuộc sống no đủ, vẫn thường khao khát về một bát chè xanh với dăm ba củ khoai mật. Chè xanh tự nhiên đã đi vào văn hoá người Việt một cách thầm lặng và không một sự đổi thay nào của thời đại có thể xoá nhoà nó.

Ho ten: Nguyễn Tiến Mạnh
Dia chi: Bình Phước
Noi dung: Ông ngoại tôi năm nay đã 80 tuổi. Ông chân đã yếu lắm rồi. Thế nhưng, những khi không có ai ở nhà để ông có thể nhờ, ông lại chống gậy, dò dẫm từng bước một chỉ để qua nhà hàng xóm uống một bát nước chè xanh. Vì điều kiện cuộc sống, ông ngoại tôi phải vào miền Nam sinh sống cùng cậu tôi. Ông phải rời xa vùng quê miền Trung đầy nắng gió, nơi có những buổi tối chan hoà và vui vẻ bên nồi nước chè nghi ngút bốc khói, những điều thuốc lào và tiếng quạt phành phạch, tiếng nói cười bàn luận việc đồng áng, làng xóm râm ran... Gia đình cậu tôi thời gian đầu cũng chiều ông. Sáng, trước khi đi làm, mợ hãm một ấm chè cho ông tôi. Nhưng ông chỉ uống mỗi ngày một vài chén, còn lại đều phải đổ đi vì chè om rất mau thiu. Vài lần như thế, mợ tôi cũng không còn giữ được nếp nấu nước cho ông tôi nữa. May mà nhà bên cạnh cũng thường nấu nước chè xanh, và là nơi duy nhất ông có cớ để sang chơi ở nơi đất lạ này. Tôi nhớ những đêm trăng sáng, bà tôi nấu nước, ông tôi mang chõng ra sân, gọi với sang hàng xóm, mời sang uống nước.Trong khi các cụ già uống nước, khề khà kể chuyện thì trẻ con bọn tôi ngồi hóng hớt và thiếp đi trong vòng tay âu yếm, thơm nồng mùi trầu của bà. Có lẽ trong bát nước chè xanh đậm đà ấy còn chứa cả tình làng nghĩa xóm, là chiếc cầu nối để làm tăng tình cảm làng xóm, họ hàng. Ông tôi bây giờ giữ thói quen uống chè là do thói quen, hay là để nhớ và lưu lại những kỷ niệm của làng xóm, quê hương.

Ho ten: Thanh Tùng
Dia chi: Minh Khai, Hà Nội
Noi dung: Đọc bài viết trên làm tôi càng nhớ quê hương. Quê tôi có nhiều đặc sản, nhưng đối với những người con xa quê thì bát nước chè xanh để lại trong lòng mỗi người một cảm giác không thể nào quên được. Bây giờ tôi đang học ở Hà Nội, nhưng lúc nào cũng thèm hương vị chát chát, ngọt ngọt của bát nước chè xanh quê hương.

Ho ten: Thu Hiếu
Dia chi: Hà Tĩnh
Tieu de: Xứ Nghệ quê mình !
Noi dung: Tôi cũng là người đã chung câu hát với bạn. "Quê tôi nắng đỏ đồng, mưa thấm cả bùn non, quê tôi gừng cay muối mặn níu bao đời câu hát buồn vui… Gốc đa sân đình, đò chiều mẹ đợi, chè xanh mời gọi thơm cả làng ta…”. Từng giọt mồ hôi cũng dệt nên mùa màng, từng nỗi nhớ dệt nên tình yêu, từng bát nước chè xanh gợi nên phong vị quê nhà… Thử hỏi, nơi đâu có vị nước đậm đà, ngọt đắng mà ấm áp tình người như bát nước chè xanh xứ mình? Đọc bài của bạn mà lòng tôi thấy ấm hẳn. Xứ Nghệ quê mình, Hà Tĩnh yêu thương!

Ho ten: Ban doc
Noi dung: Bát nước chè xanh xứ Nghệ nắng gió Lào. Thuở nhỏ tôi được về quê sống với bà nội. Bà tôi nấu nước chè ngon nổi tiếng vì bà rất kỹ tính. Bà sinh được 7 người con nhưng có 2 người đã hy sinh trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước. Bà tôi sống một mình, nên mỗi tuần hai lần bà thường đi chợ mua chè, mà phải là thứ chè xanh từ huyện Đô Lương mới có vị ngon và đậm đà, không chát gắt, lá chè nhỏ và dày chứ không phải to và mỏng, bờn bợt như chè ở những nơi khác. Bà thường sai tôi rửa sạch những lá chè và nhặt hết những cây tầm gửi bám xung quanh thân chè. Bà bảo "để cho mùi vị chè không bị lẫn". Rồi nồi nước chè được bà tự tay nấu và hãm bằng nước mưa để cho nước luôn được xanh, kể cả khi nấu lại lần hai. Ăn cơm trưa xong tôi luôn là đứa trẻ được bà sai đi mời hết tất cả bà con xung quanh xóm. Bà còn bảo tôi mời cả những người ở rất xa nhà bà nhưng nghiện chè xanh đến uống nước do chính tay bà nấu. Rồi trong cái nắng gay gắt của trưa hè, mọi người ngồi dưới bóng của gốc cây mít trước sân nhà bà uống nước và râm ran trò chuyện. Tôi thì chỉ chạy loanh quanh múc cho mỗi người một bát nước chè. Đến quá chiều mọi người bắt đầu ra đồng. Có một vài người rảnh rỗi thì nhìn quanh quất xem có những việc gì mà đàn ông cần làm thì giúp bà tôi, vì bà tôi là mẹ liệt sỹ. Năm tháng cứ thế trôi, nhịp sống thôn quê những trưa hè vẫn văng vẳng tiếng trẻ con đi mời uống nước chè. Tôi lớn lên ra thành phố, bà tôi đã mất nhưng mỗi lần uống cốc nước chè xanh đâu đó giữa phố phường, ký ức tuổi thơ của tôi lại hiện rõ một một. Tôi nhớ quê, nhớ tiếng ve râm ran trên bụi tre cần sau nhà bà, nhớ cả tiếng chẻ củi giúp bà của chú hàng xóm khi nồi nước chè xanh đã vơi, nhớ cả tiếng trâu ọ ọ mỗi khi ai dắt đi qua cổng nhà bà... Quê hương tôi, đất Nghệ xanh biêng biếc trong bát nước chè xanh.
 
>> Cảm nghĩ của bạn về bài viết và bát nước chè xanh?

 

 

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,