Quá khứ chờ đợi lẽ công bằng (I)
- ... Tôi thoáng ngỡ ngàng trước sự đơn sơ và trống vắng ấy. Âu cũng là do hoàn cảnh lịch sử. Và có lẽ là cả số phận. Người bình thường có số phận của người bình thường, vị hoàng đế có số phận của vị hoàng đế. Khi đã trở về với cát bụi là vậy, nhưng lúc đang sống cũng đầy nỗi bi ai, không chỉ một đời vua mà cả một dòng vua.
Hồn của cố đô
Rời xa thành phố Huế từ tuổi học trò và phiêu bạt mãi đến giờ đã gần trọn đời người, hầu như chuyến trở về nào của tôi với Huế cũng ngắn ngủi, cũng “vội vã trở về, vội vã ra đi”, như ca từ một bài hát của Phú Quang.
Tuy vậy mỗi lần trở về, tôi thường dành thời gian thăm lại các địa danh văn hoá và lịch sử. Những dấu tích quá khứ trải qua biết bao biến thiên thời cuộc đã kết thành cái hồn thiêng của cố đô Huế, và gắn với kỷ niệm của những người con của Huế những năm tháng ở nơi quê nhà.
Các cựu hoàng, cha và con: Thành Thái, Duy Tân. Ảnh tư liệu |
Những ngôi chùa cổ kính, trầm tư hàng trăm năm tuổi như Linh Mụ, Diệu Đế, Bảo Quốc... Những tháp chuông nhà thờ, tu viện kiểu dáng châu Âu, xây dựng từ đầu thế kỷ trước, như Phủ Cam, Cứu Thế, Thiên An…Và tôi không thể nào không trở lại thăm kinh thành Huế, các đền đài, lăng tẩm, thành quách và tháp cổ… được dựng xây và bồi đắp qua chín đời chúa, mười ba đời vua nhà Nguyễn trong suốt 143 năm trị vì.
Còn bây giờ, sau bao nhiêu năm xa cách, dù đã được nhìn thấy những kỳ quan ở đất người, nay được trở lại quê hương, tôi vẫn ngỡ ngàng khi đứng trước những tượng đài, mái ngói uốn cong, bức tường thành vài trăm năm tuổi, được áp bàn tay vào viên đá rêu phong ở chân tòa tháp cổ…
Một góc lăng vua Khải Định. (Ảnh tư liệu) |
Những di sản văn hóa vật thể nói trên cùng với nhã nhạc cung đình Huế và các di sản phi vật thể khác được giữ gìn khá trọn vẹn, qua bao biến cố lịch sử và thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên, quả xứng đáng được thế giới công nhận là di sản văn hóa thế giới. Và cũng không gì lạ khi cố đô Huế đã và đang hấp dẫn nhiều du khách nước ngoài.
Sự khâm phục và tôn vinh của thế giới nâng cao niềm tự hào với người dân đất cố đô và cho mọi người Việt
An Lăng và thân phận một dòng vua
Tôi đã hai lần tìm đến thăm khu lăng tẩm An Lăng, phía tây nam thành phố, nơi đặt mộ chí của các vị cựu hoàng Thành Thái và Duy Tân.
Một cảnh trong khu lăng mộ An Lăng. Ảnh: Thuỷ Tiên
Toàn bộ khu lăng mộ An Lăng chỉ khoảng ba ngàn năm trăm mét vuông, kiến trúc thật đơn giản và khiêm tốn. Thật khác xa về quy mô, tầm cỡ hoành tráng và tính nghệ thuật của các lăng tẩm của các vua nhà Nguyễn khác.
Mộ các cựu hoàng Thành Thái và Duy Tân nằm riêng ở một khoanh đất hẹp, trống trải, chỗ xưa kia là chốn hậu cung của các bà vợ vua, phía sau điện Long Ân thờ phụng vua Dục Đức.
Cấu trúc và chất liệu của hai ngôi mộ khá đơn sơ, một khối bê tông giản dị chẳng khác nào nấm mồ một người dân bình thường. Không thành quách cao rộng bao quanh, không có hai hàng tượng đá đứng hầu, không có đồi cao và con suối nhỏ chảy qua… Phía trước hai nấm mộ xây thêm hai bia mộ, mái che uốn cong rồng bay bốn góc, nhưng bé nhỏ và mảnh mai.
Tôi thoáng ngỡ ngàng trước sự đơn sơ và trống vắng ấy. Âu cũng là do hoàn cảnh lịch sử. Và cả số phận. Người bình thường có số phận của người bình thường, vị hoàng đế có số phận của vị hoàng đế. Khi đã trở về cát bụi là vậy, nhưng lúc đang sống cũng đầy nỗi bi ai, không chỉ một đời vua mà cả một dòng vua.
Bia mộ vua Thành Thái. Ảnh: Thuỷ Tiên |
Vua đầu tiên, Dục Đức, vừa được đặt lên ngai vàng ba ngày, đã bị hạ bệ và tống giam, bỏ đói đến chết trong ngục tối. Thi hài ông được cuốn vào một manh chiếu, giao hai người khiêng đi chôn. Giữa đường, dây quang đứt, nhà vua xấu số được chôn ngay tại chỗ.
Địa điểm nấm mồ “thiên táng” bên đường ấy, 17 năm sau, đã trở thành An Lăng bây giờ. Nhờ một cơ hội lịch sử hy hữu và bất ngờ, sáu năm sau khi vua Dục Đức qua đời, con trai ông bỗng được nhấc lên ngai vàng, lấy hiệu là Thành Thái. Và đến năm Thành Thái thứ 11, khu lăng mộ An Lăng của vua cha được xây cất như ngày nay.
Nhưng rồi cuộc đời vua con Thành Thái cũng chẳng suôn sẻ gì. Là một con người thông minh, có lòng yêu nước và gần gũi dân chúng, ông sớm tỏ ra không cam chịu làm hoàng đế phục vụ ngoại bang, luôn tìm cách chống đối, bất phục tùng. Mười tám năm sau, năm 1907, chính quyền thực dân Pháp không thể chịu đựng lâu hơn nữa đã kiếm cớ ép ông thoái vị và đưa đi an trí ở Ô Cấp (Vũng Tàu ngày nay).
Nối gót vua cha, lên ngôi vào năm 1907, vua Duy Tân chống Pháp còn mạnh mẽ hơn. Năm 1916, nhà vua cùng Thái Phiên và Trần Cao Vân tham gia cuộc khởi nghĩa không thành, bị Pháp bắt. Thế rồi năm đó, cả hai cha con, hai vị vua chỉ vì tội “yêu nước thương nòi”, đã cùng bị dẫn xuống tàu lênh đênh biển cả, đày đến tận đảo quốc Réunion Phi châu xa xôi. Hai cha con cùng sống ở đó ba mươi năm trường trong nỗi u hoài cố quốc.
Dục Đức – Thành Thái – Duy Tân quả là một dòng vua có số phận bi thảm nhất trong toàn bộ triều đại nhà Nguyễn.
Riêng vua Thành Thái và vua Duy Tân, dù sao, cũng được phần nào an ủi, khi kết thúc cuộc đời, hai vị được về nằm cạnh nhau trong lòng đất quê hương, trong vòng tay ấm áp của Tổ quốc, trong trái tim kính trọng và ngưỡng mộ của mọi con dân Việt Nam.
(Còn tiếp)
-
Trần Thanh Minh
Ý kiến đóng góp và bài vở gửi cho Thư Hà Nội xin liên hệ với địa chỉ:
>> Cảm nhận của bạn về bài viết?